Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Huyện Cần Giờ làm việc với Đoàn chuyên gia vùng Emilia Romagna (Italia)

Đoàn chuyên gia vùng Emilia Romagna (Italia) tặng quà lưu niệm cho huyện Cần Giờ

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/9, Đoàn chuyên gia vùng Emilia Romagna (Italia) do ông Massilimiano Costa - Giám đốc Delta del Po Park, Vùng Emilia Romagna làm Trưởng đoàn đã có buổi tìm hiểu quá trình hình thành, quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập măn Cần Giờ.

Tiếp đoàn có ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ; ông Huỳnh Đức Hoàn, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ; ông Cao Huy Bình, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ.

Tại đây, ông Huỳnh Đức Hoàn, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã giới thiệu về quá trình hình thành và công tác quản lý phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 21 tháng 01 năm 2000.

Với tổng diện tích 75.740 ha (Vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 37.339 ha, vùng chuyển tiếp 29.310 ha, vùng mặt nước 4.370 ha), Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh điển hình của vùng ngập mặn, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và Sông Vàm Cỏ.

Sau 24 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ đã trải qua 2 lần đánh giá định kỳ (10 năm/lần). Chúng tôi đã nỗ lực để tuân thủ nghiêm túc các quy định rất khắt khe, chặt chẽ của UNESCO và được công nhận đáp ứng đầy đủ 7 tiêu chí và 3 chức năng cơ bản của một Khu sinh quyển.

Việc gìn giữ và phát triển tài nguyên Khu sinh quyển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ, áp lực phát triển kinh tế ngày càng gia tăng, nhu cầu của con người ngày càng cao, đặc biệt là việc lãnh đạo TPHCM định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 là “thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường”. Đây một quá trình rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của toàn lực lượng trong xã hội. Quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu Khu sinh quyển đem lại lợi ích cho người dân, cộng đồng, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng. Điều này yêu cầu sự nhận thức đúng đắn của hệ thống chính quyền, sự tham gia có trách nhiệm của người dân, sự ủng hộ của toàn xã hội, hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững đối với các Khu Dự trữ sinh quyển.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ cho biết thêm, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ đã phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ từ vùng đất hoang hóa sau chiến tranh và hôm nay có một Khu dự trự sinh quyển của Thế giới. Do đó, huyện Cần Giờ luôn luôn cân nhắc giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường để phát triển theo hướng bền vững. Chính quyền Thành phố và huyện Cần Giờ đã ban hành các kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ đến năm 2030 và sau năm 2030; đang xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ xanh với các nội dung phát triển kinh tế, giao thông, du lịch, năng lượng… theo hướng xanh và bền vững; nghiên cứu đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ Carbon; đề cử Rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar...

Với mong muốn phát triển Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành một hình mẫu quốc tế về sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì và phát huy các văn hoá truyền thống, phát triển kinh tế xanh và bền vững, tại buổi làm việc, huyện Cần Giờ và Đoàn chuyên gia vùng Emilia Romagna (Italia) đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp xung quanh việc bảo tồn có hiệu quả các hệ sinh thái, đa dạng sinh học trong Khu Dự trữ sinh quyển; sự tham gia của cộng đồng và giải pháp sinh kế cho cộng đồng dân cư ở vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Song song đó là quản lý bền vững Khu Dự trữ sinh quyển thông qua các hoạt động về du lịch, dịch vụ và chi trả dịch vụ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học. Quản lý và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế và việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch trong khu sinh quyển theo hướng bền vững và tăng chuỗi giá trị.

Trước buổi làm việc, Đoàn chuyên gia vùng Emilia Romagna (Italia) đã có chuyến tham quan thực tế tại Đầm Dơi.                                        

Thanh Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo