Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Huy động mọi nguồn lực để ngành du lịch phát triển

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh VGP)

(Thanhuytphcm.vn)  -  Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “ Đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển”. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Tận dụng thời cơ và thế mạnh, tiềm năng của ngành để phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Nước ta là nước kiểm soát dịch bệnh và mở cửa sớm, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, nước ta chưa đạt mục tiêu về thu hút khách du lịch. Đánh giá mặt được và chưa được, tìm ra nguyên nhân, từ thực tiễn, tham khảo bài học quốc tế, trên cơ sở đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để có cách vượt qua khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng thời cơ và thế mạnh của nước ta, tiềm năng của ngành để phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch.

Để triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, để ngành du lịch là ngành mũi nhọn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phát triển ngành du lịch đã đi đúng hướng chưa, đã khai thác nội trội của từng địa phương, đâu là nguyên nhân mà ngành du lịch mở cửa sớm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Chính sách nào đột phá trong thời gian tới, quảng bá xúc tiến hình ảnh; có giải pháp, huy động mọi nguồn lực để ngành du lịch phát triển; chính sách visa, hợp đồng lao động đã hợp lý chưa, phải phát huy tối đa những mặt đã đạt được để phát triển, gắn kết các ngành để cùng phát triển. Kinh nghiệm các nước để phát triển du lịch bền vững, trách nhiệm các bộ ngành, hiệp hội, người dân... tất cả vào cuộc để chung tay phát triển ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (ảnh VGP) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (ảnh VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng

Báo cáo đánh giá thực trang du lịch Việt Nam trước và sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, ngành du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng.

Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nguyên nhân được nhìn nhận, do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa chủ động thích ứng, kết nối lại với thị trường, đẩy mạnh khai thác thị trường mới, vẫn còn trông chờ và phụ thuộc vào thị trường truyền thống. chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam, chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm. Hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (ảnh: Minh Hiệp) Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (ảnh: Minh Hiệp)

Ngành du lịch đặt ra các mục tiêu phục hồi và phát triển như sau: Năm 2023: khách du lịch quốc tế: 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa: 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch: khoảng 650.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP. Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP.

Đề xuất giải pháp thu hút mạnh mẽ khách quốc tế trở lại Việt Nam

Để đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có các giải pháp nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay thực sự đòi hỏi các giải pháp phi truyền thống, đặc biệt là cần có cơ chế toàn diện, đột phá thu hút mạnh mẽ khách quốc tế trở lại Việt Nam. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị, đề xuất Chính phủ, xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các giải pháp liên quan nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến Việt Nam.  Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với các bộ, ngành, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch. Đề xuất triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử. Cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan tại cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. Phát huy vai trò cầu nối, nâng cao vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến quảng bá du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam; tăng thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như đường không, đường biển. Rà soát, kiến nghị các chính sách tài chính, thuế, hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, nâng cao năng lực, thu hút khách du lịch quốc tế…

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch phát triển bền vững theo mục tiêu đề ra..

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo