Thứ Sáu, ngày 18 tháng 7 năm 2025

Hướng dẫn nông dân xây dựng các phương án sản xuất, sử dụng vốn hiệu quả

Người dân ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ thu hoạch muối

(Thanhuytphcm.vn) – Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của TP đã chuyển dịch đúng hướng, tuy diện tích đất nông nghiệp hằng năm có giảm, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng khá cao; hệ thống cơ cở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thay đổi diện mạo nông thôn; thu nhập, đời sống vật chất và văn hóa của người dân được nâng lên,… Đó là những nhận định tại Chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 11/2019 với chủ đề “Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do HĐND TP phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức, sáng 30/11.

Nhiều mô hình, hợp tác xã chưa tiếp cận vốn vay

Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM Trần Ngọc Hổ cho biết: Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được triển khai xuyên suốt từ năm 2006 đến nay. Chính sách này đã tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tác động tích cực đối với phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn khu vực ngoại thành TP.

Từ chính sách này, đến nay đã giải quyết việc làm cho khoảng 60.633 lao động thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay, trong đó có 6.315 lao động là đối tượng hộ nghèo; tạo nguồn lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP có giá trị kinh tế cao. Đáng chú ý, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm như: Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008 - năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (15,73 triệu đồng/người/năm).

Về góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết: Từ khi có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị đến nay đã hỗ trợ cho HTX Tân Thông Hội vay hơn 26,8 tỷ đồng, HTX Phú Lộc vay 280 triệu đồng, Hợp tác xã Rau an toàn Nhuận Đức vay 420 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cũng thừa nhận hiện nay, một số hộ dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện Củ Chi chưa thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi vay, nguyên nhân là do hoạt động của các hợp tác xã quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, do thiếu tài sản thế chấp, hoặc tài sản thế chấp được định giá thấp hơn so với thực tế…

Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho biết, qua khảo sát, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của người dân còn khó khăn khi nhiều mô hình, tổ hợp, hợp tác xã còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thu hút nhiều các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sơ chế; việc tiếp cận vốn để sản xuất, nuôi trồng cũng còn nhiều kho khăn do không có tài sản thuế chấp hoặc việc thế chấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp có giá trị rất thấp nên không đủ vốn đầu tư sản xuất…

Các đại biểu tham gia Chương trình đối thoại cùng chính quyền TP tháng 11/2019. Các đại biểu tham gia Chương trình đối thoại cùng chính quyền TP tháng 11/2019.

Khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã

Để  các hộ dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức kiến nghị các tổ chức tín dụng thực hiện theo hình thức cho các hộ dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện được vay tín chấp nếu xét thấy thẩm định phương án kinh doanh khả thi, phương án sử dụng vốn hiệu quả. Đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã cần tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý, điều hành, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả... thì mới có nhiều tổ chức tín dụng chủ động cho vay để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Trần Ngọc Hổ cho biết, hiện nay TP đã ban hành nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và định hướng đến năm 2023 có 50% tỷ lệ nông dân là hội viên nông dân có trực tiếp sản xuất nông nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trong hợp tác xã (khoảng 33.746 hội viên nông dân). Do đó, giải pháp là cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo động lực khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã, đặc biệt phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các Sở ngành, đơn vị có liên quan, các quận – huyện còn sản xuất nông nghiệp nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, trong đó ưu tiên nâng mức hỗ trợ đối với đối tượng là hộ nông dân là thành viên hợp tác xã, hợp tác xã, doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao của TP.”- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM Trần Ngọc Hổ cho biết thêm.

Kết luận tại chương trình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình đề nghị chính quyền TP, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân, các tổ hợp, hợp tác xã nông nghiệp; quan tâm, hướng dẫn người nông dân xây dựng các phương án sản xuất, sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời đơn giản hóa và tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tổ hợp, hợp tác xã, người nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn; cần có thời gian hỗ trợ lãi vay cho vòng đời sản xuất, nuôi trồng thủy sản dài hơn. Bên cạnh đó, cần quan tâm chuyển giao các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đến các phương án sản xuất, nuôi trồng cho nông dân kịp thời; quan tâm đến các dự án vùng chế biến, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người nông dân yên tâm không xảy ra tình trạng được mùa mất giá…

Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP đang theo đúng định hướng, nông nghiệp đang tăng trưởng cao, đã thu hút đầu tư, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Từ chính sách này đã giúp người dân chủ động, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, đạt giá trị và hiệu quả cao, nâng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

(Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân)

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo