Các đại biểu thảo luận tại tổ. (Thanhuytphcm.vn) - Tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 diễn ra chiều 15/9, nhiều đại biểu nhấn mạnh, việc chủ động thay đổi tư duy là một lợi thế và là động lực để cơ cấu lại nền kinh tế, song cần có cơ chế thử nghiệm và khung chính sách, tài chính để doanh nghiệp có những hướng đi rõ ràng trong hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không.
Tạo ra môi trường hấp dẫn
Trong buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận về 3 chủ đề. Cụ thể, chủ đề 1: Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không. Chủ đề 2: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị. Chủ đề 3: Hợp tác kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại phiên thảo luận, ông Sebastain Eckardt, Giám đốc Khối Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề xuất, để thu hút nguồn lực tài chính chuyển đổi và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Chính phủ cần tạo ra môi trường hấp dẫn, thị trường năng lượng minh bạch, công bằng về giá. Nhà đầu tư làm sao thuận lợi tiếp cập tham giá đầu tư công qua hình thức PPP để phát triển các dự án chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng xanh, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Khi phát các khu công nghiệp thì tính đến yếu tố phát triển bền vững và có sự hỗ trợ cho các ngành bị tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng này.
Còn ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hà Nội chia sẻ, hiện Nhật Bản đang thúc đẩy các chính sách giảm thải carbon. Ngân hàng này mong muốn hỗ trợ kỹ thuật, tài chính linh hoạt cho các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này, như năng lượng mặt trời trên mái áp nhà, năng lượng tái tạo khác...
Các đại biểu tham dự chương trình. Nhiều cơ hội động lực để cơ cấu lại nền kinh tế
Các ý kiến cho rằng, hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh sẽ mang lại cho Việt Nam, trong đó có TPHCM nhiều cơ hội động lực để cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng và liên vùng… tiếp cận thêm những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, mở ra thêm nhiều cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số ý kiến cho rằng, trước hết cần hiểu đúng về kinh tế tuần hoàn với tất cả các ngành, các cấp độ, cần sự tham gia của tất cả các bên để thực hiện, đem lại tăng trưởng xanh. Kinh tế tuần hoàn hấp dẫn doanh nghiệp vì giải quyết được các vấn đề về môi trường, tài nguyên, đem lại cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đi kèm đó là thách thức khi thực hiện kinh tế tuần hoàn như: năng lực của doanh nghiệp khi tích hợp các giải pháp vào sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, cơ chế chính sách, tài chính cho chuyển đổi…
Nhiều quốc gia, tổ chức đang nỗ lực tổ chức các hoạt động mang tính toàn cầu, khu vực về kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn đối với mỗi quốc gia đều có những thách thức riêng. Vì vậy, cần những giải pháp cụ thể và phù hợp nhưng lại phải hợp tác với nhau để thực hiện những mục tiêu chung về giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu...
Theo Tiến sĩ Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, khi chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cần sự hợp tác của rất nhiều bên: nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà khoa học, truyền thông, người dân, nói chung là của toàn bộ xã hội. Chỉ khi các bên, các quốc gia hợp tác với nhau mới có thể hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn. Vấn đề toàn cầu nên phải hợp tác với nhau để đưa ra giải pháp toàn cầu).
Cùng về chủ đề này, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng, khi có những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, cần sớm có chủ trương, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn chi tiết hơn để tạo điều kiện cho Việt Nam và các địa phương, trong đó có TPHCM tận dụng được, tiếp cận nhanh nguồn tài chính xanh, nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác để thực hiện…
Nhấn mạnh đến tư duy phát triển kinh tế tuần hoàn, bà Trần Thị Minh Hồng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có sự tiếp cận theo cách thức là tạo ra bằng những chiến lược mang tính dài hơi hơn chứ không chỉ là trong ngắn hạn. Chúng ta sẽ phải có những giải pháp, cách thức cụ thể để giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi và kinh doanh một cách hiệu quả nhất”.