Trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh minh họa)(Thanhuytphcm.vn) - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM vừa báo cáo kết quả thực hiện công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em 9 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 3 tháng cuối năm 2022.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2022, hơn 18,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đã chăm lo cho nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và trẻ em sống trong cơ sở bảo trợ xã hội hoặc các quận, huyện đông người lao động nhập cư. Cụ thể như: hỗ trợ tiền mặt, xe đạp, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sổ tiết kiệm, nhu yếu phẩm, sách vở, máy tính bảng,...
Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể TP và cấp quận, huyện, TP Thủ Đức cũng chủ động kinh phí từ ngân sách, đồng thời huy động các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội,...để thực hiện tốt và kịp thời hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho các em; nhất là hỗ trợ máy tính bàn, máy tính bảng để các em có trang thiết bị học tập trực tuyến.
Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), chi nhánh Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Bảo Việt Nhân thọ, công ty Bảo hiểm AIA, Công an TP;... trao sổ tiết kiệm và xe đạp cho trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em gia đình hộ nghèo và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, TP tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và số lượng của đội ngũ nhân sự làm công tác trẻ em cấp phường, xã, thị trấn và cộng tác viên khu phố, ấp, tổ dân phố vì đây là lực lượng trực tiếp nắm rõ số lượng, tình hình, nhu cầu thực tế của trẻ em cũng như kết quả triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách liên quan đến trẻ em tại cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác trẻ em các ngành, các cấp. Qua đó nâng cao nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Trẻ em tại địa phương giúp mọi người hiểu và nắm rõ các quyền của trẻ em, các chính sách trẻ em đang thụ hưởng để từ đó, dễ tạo được sự đồng thuận, thống nhất quan điểm trong quá trình phối hợp tham mưu các chính sách cho trẻ em TP.
Trong 3 tháng cuối năm 2022, Sở tiếp tục tham mưu dự thảo “Hướng dẫn phối hợp liên Sở về nhiệm vụ cộng tác viên - dân số - gia đình và trẻ em”; “Quyết định kiện toàn Ủy ban Trẻ em TP” và Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Trẻ em TP; đề xuất tổ nghiên cứu, xây dựng đề cương “Quy trình hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục trên địa bàn TPHCM” hoàn thiện thủ tục pháp lý và ra mắt mô hình “Dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện phát hiện bị bạo lực, xâm hại tình dục” tại Bệnh viện Hùng Vương.
Đồng thời, tham mưu tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động vì trẻ em TPHCM giai đoạn 2021 - 2030”; triển khai Hội nghị, hội thảo và tập huấn Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em TPHCM giai đoạn 2021- 2030; phối hợp với các tổ chức ILO, UN Women, PE&D, SCI, World vission,... để chuẩn bị đàm phán hỗ trợ kỹ thuật để phối hợp tham mưu, triển khai các hoạt động liên quan đến phụ nữ, trẻ em và xây dựng TP an toàn với phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về trẻ em, bình đẳng giới cho các sở, ngành, quận, huyện, báo, đài nhằm triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.
Ngoài ra, thực hiện các công việc đột xuất theo chỉ đạo UBND TP, Ủy ban trẻ em TP và yêu cầu về chuyên môn của Cục Trẻ em.