Thứ Ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024

Hội nghị chuyên đề “Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông”, “Công tác xã hội hóa giáo dục và vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh”

Đồng chí Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức phát biểu kết luận tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 22/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề “Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông”, “Công tác xã hội hóa giáo dục và vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Bé Hai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức; Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Thành ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức cùng hơn 200 đại biểu là đại diện UBND, lãnh đạo các phòng, ban, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Khuyến học TP Thủ Đức; Thường trực Đảng ủy 34 phường, đại diện Ban Giám hiệu các trường Mầm non, Tiểu học, THCS khối công lập TP Thủ Đức…

Hội nghị nhằm trang bị kỹ năng ứng phó vấn đề khủng hoảng truyền thông; khi xử lý khủng hoảng truyền thông phải chủ động, xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề dư luận xã hội; kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám sát tình hình thực hiện quy định về công tác quản lý thu chi trong các trường học, đặc biệt là việc huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp từ cha, mẹ học sinh đầu năm học 2024 - 2025 đảm bảo tính minh bạch.

Trao đổi chuyên đề “Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông”, báo cáo viên Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng truyền thông; gợi mở một số kỹ năng khi xảy ra khủng hoảng truyền thông: cần thành lập bộ phận xử lý khủng hoảng, định hướng thông tin đúng và chính xác, cung cấp thông tin cho các bên liên quan, xây dựng kế hoạch phản ứng khẩn cấp, tận dụng truyền thông nội bộ, tận dụng tốt mối quan hệ với truyền thông, thông báo ngay khi có thông tin... Một số kỹ năng ứng phó: trước hết là lời xin lỗi chân thành, thừa nhận hành vi sai trái và xin lỗi công khai, thể hiện thái độ đúng mực khi xin lỗi; lắng nghe; thực hiện hành động cụ thể để thể hiện sự chân thành và trách nhiệm đối với khủng hoảng; ứng xử giai đoạn sau khủng hoảng; ứng xử với khủng hoảng truyền thông.

Quang cảnh hội nghị. Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên báo cáo chuyên đề “Công tác xã hội hóa giáo dục và vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Qua đó, đồng chí Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên chia sẻ về chủ trương xã hội hóa; công tác xã hội hóa đối với Việt Nam được quy định tại nhiều văn bản pháp luật; công tác xã hội hóa tại TP Thủ Đức; vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh - Hội phụ huynh, phải đảm bảo sự minh bạch, công khai trong việc truyền thông các hoạt động xã hội hóa, tạo đồng thuận, ủng hộ từ cộng đồng; tạo nhiều kênh trao đổi, giải đáp thắc mắc với phụ huynh, giáo viên và học sinh…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức chia sẻ những khó khăn về công tác xã hội hóa của ngành Giáo dục. Qua đó, đồng chí đề nghị ban giám hiệu các trường học trên địa bàn cần: tạo mối quan hệ chặt chẽ với địa phương, công khai minh bạch trong quá trình thực hiện xã hội hóa, lấy ý kiến và tạo đồng thuận cao từ các cấp; xây dựng kế hoạch, kịch bản để xử lý thông tin truyền thông (nếu có), nhanh chóng kiểm soát tình hình, khoanh vùng kịp thời,  đánh giá sau khủng hoảng truyền thông và rút kinh nghiệm để bổ sung kịch bản xử lý thông tin. Thường trực Đảng ủy các phường tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ các hoạt động, đảm bảo an ninh trật tự… các trường học trên địa bàn. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức tiếp tục theo dõi nắm tình hình để công tác truyền thông tốt hơn…

Lương Hợp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo