Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Học tập, làm theo Bác Hồ để chúng ta mỗi ngày hoàn thiện hơn

Nhờ thường xuyên rèn luyện sức khỏe, Bác Hồ có thể cùng các cán bộ đi bộ những chặng đường dài trong thời gian hoạt động ở Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp. Trong ảnh, Bác Hồ trên đường đi thăm người dân vào năm 1949. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) – Wilfred Burchett (1911 - 1983), nhà báo người Úc nổi tiếng và rất thân thiết với nhân dân Việt Nam, đã có một nhận xét được nhiều người biết đến: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một điều gì làm cho mình tốt hơn”. Điều này như là một chỉ dẫn, một gợi ý cho tất cả chúng ta rằng, có lẽ trong chúng ta không ai mơ mộng mình trở nên vĩ đại nhưng hẳn chúng ta đều khao khát được ngày một tốt hơn, thì chính qua việc học theo Cụ Hồ, chúng ta có thể hoàn toàn đạt được điều đó.

Chẳng hạn, với những điều lớn lao như lý tưởng hay tinh thần yêu nước, chúng ta cũng có những điều để học và thực hành hằng ngày. Khi nghĩ đến một người vì yêu nước mà ở tuổi thanh niên đã một mình “thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”, chúng ta có thể được truyền cảm hứng và động lực để nỗ lực nhiều hơn, đóng góp cho xã hội, cho đất nước nhiều hơn. Hay từ việc nhớ lại một người đã dành đến 30 năm bôn ba ở nước ngoài với bao hy sinh, gian khổ, hiểm nguy để tìm con đường giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc thì dẫu chúng ta có thêm tận tụy, thêm cố gắng thì thấy cũng không xứng đáng và tự nhủ lòng mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa, chăm chút nhiều hơn nữa cho công việc của mình. Hay qua sự kiên định của Bác với con đường cách mạng vô sản, chúng ta học được sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng mình đã chọn, nhất là với những ai từng đứng trước cờ nước, cờ Đảng giơ nắm tay lên thề…

Chúng ta cũng sẽ học được nhiều điều từ việc nhớ lại rằng Nguyễn Ái Quốc đã trải qua gần 20 công việc trong thời gian bôn ba tìm đường cứu nước, dù rằng Người chỉ nhận mình là “người yêu nước và nhà cách mạng chuyên nghiệp”. Có những việc Người làm rất thành thạo, như làm bếp (chính Người được “vua đầu bếp” Escoffier truyền nghề làm bánh!), nghề rửa ảnh, nhất là nghề viết báo… Gần như với công việc, Người cũng làm việc bằng sự hăng hái, tận tâm, trách nhiệm. Như công việc phụ bếp, Người đã làm trong nhiều năm cả trên tàu lẫn ở một số nhà hàng, khách sạn lớn, Người luôn chăm chỉ, cẩn thận, được đồng nghiệp và cấp trên quý mến, dù thường nhận lương thấp hơn người khác. Hay việc viết báo dù mục đích chính là để phục vụ hoạt động cách mạng, nhưng Người đã sớm khẳng định là một nhà báo lớn từ khi còn ở Pháp, với những bài viết nảy lửa, sắc sảo trên Le Paria, L’Humanité… Vậy nên, chúng ta luôn thấy mình cần học Bác về tinh thần xả thân, tận tụy cho công việc, nhất là các công việc liên quan đến việc phục vụ nhân dân, không chỉ để làm tròn chức trách của mình mà còn góp phần chăm lo cho nhân dân nhiều hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp nhà báo Wilfred Burchett cùng phu nhân, tháng 5/1966. (Ảnh tư liệu) Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp nhà báo Wilfred Burchett cùng phu nhân, tháng 5/1966. (Ảnh tư liệu)

Hẳn nhiên, chúng ta học ở Bác nhiều đức tính quý báu. Như tính kiên định và kiên nhẫn, Người đã khẳng định một cách tuyệt vời tinh thần kiên định trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Có một quãng thời gian không ngắn (nhất là khoảng từ năm 1934 đến 1938), Người bị đánh giá là không vững vàng lập trường giai cấp, nặng về dân tộc chủ nghĩa[1] và vì thế gần như không được giao nhiệm vụ cụ thể. Nhưng Người vẫn không nản lòng, tích cực chấp hành các phân công của tổ chức và dùng thời gian ấy để tiếp tục học tập, rèn luyện[2]. Còn trong hoạt động thực tiễn, nhất là với công tác tuyên truyền, công tác cán bộ, trong sinh hoạt…, Người luôn thể hiện tính kiên nhẫn đáng khâm phục. Như khi mới thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch (năm 1943), dù sức khỏe rất kém, Người vẫn kiên trì tập leo núi, tập nhìn xa…; hay những năm cuối đời, Người cố gắng tập đi bộ để chuẩn bị vào thăm miền Nam, để rèn luyện sức khỏe và không muốn làm phiền quá nhiều đến người khác; hay mỗi khi rảnh rỗi, Người ôn lại tiếng nước ngoài bằng nhiều cách…

Hay các đức tính về nhân ái, khoan dung, khiêm tốn, tiết kiệm, kỷ luật… đều là đỉnh cao về tính hình mẫu. Ở Bác, lòng thương người trở thành một bản năng, qua sự trải nghiệm, rèn luyện không ngừng; và vì thương người nên Bác luôn rộng lượng với tất cả mọi người, kể cả với kẻ thù hay với những người mắc sai lầm đã phục thiện. Ở tính khiêm tốn, Bác không bao giờ tự cho mình có đặc quyền, đặc lợi mà luôn khiêm cung, chan hòa với mọi người; Người luôn tự nhận mình là “người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”… Bác cũng cực kỳ tiết kiệm, trong sử dụng thời gian, ăn uống, sinh hoạt…, không phải chỉ vì đất nước còn nghèo hay để làm gương mà chính là tính cách giản dị của một con người vĩ đại. Bác đặc biệt luôn chấp hành nguyên tắc, dù là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, nhất là nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, tự phê bình và phê bình… Với các đức tính này, trong từng điều kiện cụ thể của từng người, chúng ta đều có thể thực hành một cụ thể, thường xuyên, liên tục, như “soi gương, rửa mặt hằng ngày”…

Còn bao nhiêu điều hay khác hoặc đức tính khác mà chúng ta có thể liệt kê ra và điều nào cũng đáng để chúng ta học theo, làm theo, từ khi còn bé đến lúc trưởng thành. Việc học và làm theo Bác có thể trong suốt đời, trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, trên tất cả các khía cạnh, để không ngừng hoàn thiện mình, để không ngừng nêu gương cho người khác. Đó chính là cách để chúng ta mỗi ngày một hoàn thiện hơn!

Trúc Giang

____________________

[1] Trước tình cảnh này, ngày 6/6/1938, Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lin) đã viết thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản (bằng tiếng Pháp). Thư có đoạn: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hongkong. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này. Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng...”.

[2] Tháng 10/1934, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản bố trí học tại Trường Quốc tế Lenin, năm học 1934 - 1935. Ban đầu, Nguyễn được xếp vào học với nhóm nói tiếng Trung Quốc, sau đó Người chuyển sang nhóm tiếng Pháp. Kết hợp lý luận với thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã cùng nhóm tiếng Pháp đi tìm hiểu về công tác xây dựng đảng ở nhà máy bánh kẹo “Tháng Mười đỏ”, tham quan các nông trường tập thể… Tại đây, Người đã có điều kiện đi sâu vào những vấn đề lý luận của cách mạng vô sản, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để suy nghĩ về con đường sắp tới của cách mạng Việt Nam…


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo