Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Học sinh sau THCS vào học các trường dạy nghề còn thấp

Theo Sở GD-ĐT, 100% trường THCS trên địa bàn TP có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ảnh minh họa, học sinh THCS TPHCM trong giờ học

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/12, tại TPHCM, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay”.

Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu tìm hiểu về giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp (GDHNKN) trên phương diện lý luận và thực tiễn nhằm làm rõ thực trạng, yêu cầu GDHNKN trong nhà trường phổ thông; nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm, mô hình GDHNKN trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng GDHNKN trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam bối cảnh hiện nay.

Thông tin về công tác hướng nghiệp, phân luồng tại TPHCM, TS Nguyễn Đặng An Long, Chánh Văn phòng Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM cho biết, mỗi năm, Sở GD-ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp”, thu hút hơn 40.000 thanh niên, học sinh phổ thông, học sinh THCS tham gia. Từ năm 2009, TP tổ chức ngày hội tại từng khu vực quận, huyện, từng trường phổ thông và phối hợp với các cơ quan truyền thông để tổ chức các ngày hội hướng nghiệp trên địa bàn TP. Những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới các trường chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập của TP đều có những bước phát triển, quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, cơ sở vật chất được bổ sung, xây dựng; đội ngũ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao về trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn… góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh phổ thông vào các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Kết quả phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp chuyên nghiệp tăng lên từng năm: Năm học 2014 - 2015 trên 4.000 học sinh; năm 2015 - 2016 trên 5.200 học sinh; năm 2016 - 2017 gần 5.900 học sinh; năm 2017 - 2018 trên 6.200 học sinh; năm 2018 - 2019 trên 6.400 học sinh…

TS Nguyễn Đặng An Long, thông tin về công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tại TPHCM TS Nguyễn Đặng An Long, thông tin về công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tại TPHCM

Theo Sở GD-ĐT, hiện 100% trường THCS trên địa bàn TP có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, có giáo viên tư vấn hướng nghiệp; hằng năm tổ chức ngày hội tư vấn, phân luồng học sinh, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối các trường phổ thông ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng phân luồng học sinh.

Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung hiện được định hướng vào 4 con đường chính là: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học. Thực tế cho thấy, mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập hàng năm đều tăng nhưng không thể đáp ứng yêu cầu thực tế khi số học sinh trên địa bàn tăng nhanh theo tốc độ tăng dân số cơ học. Nhìn chung, công tác phân luồng tại TPHCM nhiều năm qua giúp nhận thức của xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên số học sinh sau THCS vào học các trường dạy nghề còn thấp.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo