Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Học sinh khuyết tật trưởng thành, hòa nhập xã hội tốt hơn nhờ cái “tâm” của người Thầy

Em Mai Hương (bên phải) và người bạn hỗ trợ em trong lớp học cùng chiếc máy tính được chính thầy giáo chủ nhiệm mua cho

(Thanhuytphcm.vn) - Những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được ngành giáo dục – đào tạo TPHCM đặc biệt quan tâm. Được đi học và được học chung với các bạn cùng trang lứa là nhu cầu chính đáng của học sinh khuyết tật và gia đình các em, cho nên, ngành giáo dục – đào tạo TP xác định, ngoài tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường, còn phải hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải hết lòng làm công việc này bằng cái tâm của mình…

Chuyện của hai anh em khiếm thị trưởng thành dưới một mái trường

Phan Văn Hiếu, sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM là một người khiếm thị và đã lớn lên từ một mái ấm dành cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Hiếu đang theo học Khoa Sư phạm âm nhạc của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM và việc học của em giống như tất cả các sinh viên sáng mắt khác. Thậm chí, việc làm thêm của em là đi chơi nhạc cho các sự kiện cũng giống như một người bình thường…

Hiếu khẳng định, có được tất cả những điều đó là nhờ sớm được học hòa nhập từ bậc tiểu học ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, THCS ở trường Hoàng Văn Thụ, Quận 10 và THPT ở trường Nguyễn An Ninh. Nhưng trên hết với Hiếu, nếu không có các thầy cô dạy hòa nhập có tâm, có lòng như thầy chủ nhiệm cũng là thầy giáo dạy Văn - thầy Nguyễn Đình Khoa ở trường THPT Nguyễn An Ninh thì Hiếu không có ngày hôm nay.  “Những người có lợi thế được đi học hòa nhập sớm thì thích nghi môi trường rất nhanh. Em cũng vậy thôi. Thầy cô và các bạn thực sự quan tâm đến em thì em mới có thể học hết lớp 12. Những người có tâm như vậy đã giúp em nên em mới thành công. Ví dụ 1 bài văn có khi em viết đến 7-8 tờ chữ nổi, cuối giờ thầy Khoa ở lại, nghe em đọc từ đầu tới cuối rồi cho điểm” - Hiếu chia sẻ.

May mắn không chỉ đến với Hiếu, mà em gái của Hiếu - Phan Thị Mai Hương hiện đang học lớp 12 của trường THPT Nguyễn An Ninh cũng được thầy Khoa chủ nhiệm và giảng dạy môn Văn. Mai Hương cũng khiếm thị như anh mình, cũng được nuôi dưỡng ở mái ấm Bừng Sáng vì gia đình khó khăn và cũng được học hòa nhập từ rất sớm. Ở trường, Mai Hương có được sự hỗ trợ tối đa từ thầy cô và bạn bè để có thể theo kịp chương trình học, thực hiện các kỳ thi, kiểm tra sát hạch như những học sinh khác. Hiện Mai Hương không những học bình thường như các bạn, mà còn đứng thứ hai trong lớp về điểm số trung bình và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường THPT Nguyễn An Ninh.

Mai Hương kể: “Khi mà thầy cô viết bài trên bảng thì em không đọc được nên luôn có 1 bạn kế bên đọc bài cho em nghe. Gần đây, khi em lên lớp 12 do thầy Khoa chủ nhiệm, thấy em không có máy tính nên thầy Khoa mua cho em máy tính. Khi có máy tính thì em tiếp cận bài vở nhanh hơn. Ngày xưa muốn tiếp cận 1 tài liệu của giáo viên đưa là em phải qua 6 giai đoạn mới có. Nhiều khi mấy bạn học hết cuốn sách rồi em còn chưa có tài liệu để học”.

Dạy học sinh hoà nhập quan trọng nhất là cái “tâm”

Trường THPT Nguyễn An Ninh ở Quận 10 là một trong những trường thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật từ rất sớm. 20 năm trước, trường đã đón nhận các học sinh khiếm thị từ trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu vào học chung với các học sinh khác. Vài năm trở lại đây, trường nhận nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật nói chung, chứ không riêng học sinh khiếm thị.

Thầy Nguyễn Đình Khoa (hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Tổ trưởng Tổ Văn của trường THPT Nguyễn An Ninh) kể: Gần 14 năm dạy ở trường THPT Nguyễn An Ninh, năm học nào thầy cũng dạy trẻ hòa nhập và không em nào giống em nào nên luôn phải có những phương pháp khác nhau. Các thầy cô khác cũng thế, luôn tìm cách tốt nhất để truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật.

Với các thầy cô dạy hòa nhập, nếu chỉ đơn thuần làm theo các kiến thức chuyên môn được tập huấn thì việc dạy học sinh khuyết tật sẽ trở thành áp lực và hiệu quả cũng không cao. Thầy cô phải đặt vào đó cái “tâm” của mình, để thông cảm với hoàn cảnh các em, để hiểu mong muốn của các em, để biết khả năng của từng em. Từ cái “tâm” ấy đã cho ra đời nhiều dụng cụ giảng dạy, học tập rất hiệu quả.

Thầy Nguyễn Đình Khoa (đứng giữa) và hai học trò của mình - Hiếu và Hương Thầy Nguyễn Đình Khoa (đứng giữa) và hai học trò của mình - Hiếu và Hương

“Đối với các em học sinh học hòa nhập thì không có một hướng dẫn chung nào. Tùy thầy cô, mỗi người có một khả năng, chiêm nghiệm từ thực tế mà có phương pháp phù hợp. Đòi hỏi thầy cô phải kiên trì, bền bỉ, bám đuổi các em để động viên, khích lệ và mỗi ngày bồi dưỡng giúp cho các em có thêm kiến thức. Tất cả có chung sự đồng cảm, chia sẻ rằng các em cần được yêu thương, giúp đỡ để hòa nhập với cộng đồng” - Thầy giáo Nguyễn Đình Khoa chia sẻ.

Khó khăn nhiều, áp lực lớn, nhưng vì học sinh khuyết tật, từng giáo viên và cả nhà trường đều không nề hà việc gì có thể làm được cho các em. Thầy giáo Tống Phước Lộc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để dạy học sinh khuyết tật thì cái “tâm” của người thầy là quan trọng nhất. Nếu thầy cô không có tâm, không có tình thương để quan tâm các em thì rất khó, sự kiên nhẫn không có thì không thể dạy được. Nhưng các thầy cô đã kiên trì giáo dục, hiểu tâm lý để làm sao cho các em thích nghi với môi trường, được bạn bè hỗ trợ”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM Bùi Thị Diễm Thu cũng nhìn nhận: Giáo viên dạy hòa nhập khó khăn gấp nhiều lần, nỗ lực gấp nhiều lần so với dạy học sinh bình thường và trên hết ở các thầy cô là cái tâm: “Dạy học sinh khuyết tật là một nhiệm vụ khó khăn. Mỗi em có một khuyết tật khác nhau, một bệnh khác nhau, tâm sinh lý khác nhau cho nên thầy cô rất vất vả. Để động viên thì ngành giáo dục đào tạo cũng có một số chính sách hỗ trợ. Thực tế tại TPHCM hiện nay, số lượng học sinh học hòa nhập và chuyên biệt tăng theo từng năm học. Trong khi đó, các trường học ở TP cũng ngày càng chịu áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ học, điều kiện học tập. Trước mắt, để khắc phục những khó khăn đó, các trường chỉ trông chờ vào sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của đội ngũ giáo viên”.

TPHCM hiện có 21 trường chuyên biệt, 12 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tiếp nhận học sinh chuyên biệt (học sinh khuyết tật mức độ nặng) và 725 trường công lập từ mầm non đến THPT dạy học sinh hòa nhập (học sinh khuyết tật mức độ nhẹ, đủ khả năng học hòa nhập với học sinh bình thường tại các trường phổ thông công lập). Năm học 2019- 2020, TP có gần 5.200 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường học công lập.

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo