Thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025

Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021)

Học Bác Hồ qua một bức thư nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh). (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Cách đây 51 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Ban Tổ chức Trung ương Ngày Thương binh - Tử sĩ (tên gọi trước đây của Ngày Thương binh - Liệt sĩ), được đăng trên báo Cứu quốc, số 1610, ngày 27/7/1950. Người viết:

“Ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi nǎm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.

Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hǎng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Mà cũng để trả thù cho thương binh và tử sĩ ta.

Nǎm nay, Chính phủ không mở cuộc lạc quyên cho ngày ấy.

Nhưng tôi mong rằng các đoàn thể vǎn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng, và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thǎm, ai sẵn quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến.

Nhân dịp này, tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức. Và tôi trân trọng gửi các anh em thương binh và gia đình các tử sĩ.

Lời chào thân ái và quyết thắng!”[1]

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đọc lại bức thư này của Bác Hồ, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu.

Có thể thấy, toàn thể đồng bào, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, phải luôn ghi nhớ đến sự hy sinh, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ và người thân của họ, các thương bệnh binh và người thân của họ. Chúng ta được hưởng nền hòa bình, độc lập, tự do và trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển là nhờ công lao của họ, những người bằng lòng yêu nước và quả cảm đã hiến dâng sự sống hoặc một phần thân thể của mình cho đất nước, cho quê hương, cho đồng bào, cho dân tộc. Nhớ tới họ, mỗi người chúng ta trong điều kiện cụ thể của mình cần có những việc làm có ích và thiết thực.

Khi nhớ tới những người hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, mỗi người chúng ta càng ra sức lao động, học tập, chiến đấu để góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như chính Bác Hồ đã hằng mong đợi. Đất nước này đã được giành lại từ tay thực dân, đế quốc và bao kẻ thù xâm lược nhờ vào sự cống hiến, hy sinh của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ, bao thế hệ cách mạng, bao lớp cán bộ, đảng viên…, trong đó có những người chưa kịp hưởng niềm vui thắng lợi hoặc đã phải cảm nhận niềm vui chung trong mất mát riêng tư. Do đó, tri ân họ, chúng ta càng phải ra sức xây dựng đất nước tiếp tục giành được nhiều thành tựu hơn nữa, phải làm cho đất nước ta, nhân dân ta “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”[2]. Đặc biệt, trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mỗi người cần phát huy tinh thần, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh mới.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi thương binh Cao Hồng Quý, nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2020. (Ảnh: SGGP) Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi thương binh Cao Hồng Quý, nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2020. (Ảnh: SGGP)

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần làm gương trong việc giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh và người thân của họ. Hàng năm, trong dịp 27/7, cán bộ, đảng viên nên có những hoạt động thiết thực, cụ thể theo điều kiện của mình trong việc chăm sóc thân nhân các liệt sĩ không ai nương tựa, già yếu, bệnh tật, đồng thời có nhiều hình thức thăm viếng, động viên và giúp đỡ các thương bệnh binh, nhất là những người đau yếu, thương tật nặng. Các cơ quan nên xây dựng một quỹ ủng hộ thương binh - liệt sĩ và hàng năm dùng quỹ này để hỗ trợ các trường hợp cần chăm sóc thêm bên cạnh các chính sách của Nhà nước mà họ được hưởng. Trong đó, cần có sự quan tâm đặc biệt đối với những gia đình chính sách bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19.

Dĩ nhiên, sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ các thân nhân liệt sĩ, các thương bệnh binh phải thực sự chân thành, trọng thị, tránh làm hình thức cốt để quảng bá hình ảnh hoặc chưa thể hiện sự kính trọng, tri ân sâu sắc. Chính trong bức thư này và nhiều thư khác, lời phát biểu hoặc hành động cụ thể, Bác Hồ đã thể hiện sự sẻ chia hết sức chân thành và sâu sắc[3]. Do đó, đối với chúng ta hiện nay, những người đã được thụ hưởng từ sự hy sinh, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công…, sự tri ân càng phải được thể hiện rõ nét, trân trọng và thành kính. Điều đó không chỉ khẳng định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác thương binh - liệt sĩ là nhân văn mà còn biểu thị thái độ tri ân thực sự của những người thi hành các chủ trương, chính sách đó.

Thời gian qua, công tác thương binh - liệt sĩ đã được Đảng và Nhà nước ta cùng các cấp chính quyền trong cả nước thực hiện rất tốt. Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội đã được nâng cao rõ rệt thì công tác này lại càng được quan tâm nhiều hơn, trong đó vai trò của cán bộ, đảng viên càng phải được khẳng định đậm nét hơn. Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đọc lại bức thư của Bác Hồ hơn 50 năm trước, chúng ta càng thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình lớn hơn, càng phải nỗ lực nhiều hơn!

Trúc Giang

-------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.416.

[2] Bài thơ Đất nước, của Nguyễn Đình Thi.

[3] Chẳng hạn, trong thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7-1-1946, Người viết: “Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà” và nhận các con liệt sỹ làm con nuôi. Năm 1948, Người gửi thư cho các cháu nhi đồng phát động phong trào công tác Trần Quốc Toản nhằm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Năm 1951, Người phát động phong trào “Đón thương binh về làng” để Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các làng, xã giúp đỡ thương binh những công việc phù hợp để họ có thể tự tin sinh sống, hòa nhập với cộng đồng…


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo