Thứ Ba, ngày 8 tháng 7 năm 2025

Hình ảnh chú Năm Xuân mãi nguyên vẹn trong tôi

Đồng chí Mai Chí Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự khai giảng năm học 1977 - 1978 của Trường Lý Tự Trọng, tháng 9 năm 1977. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Chúng tôi gọi Thủ trưởng của mình là chú Năm, chú Năm Xuân như trong gia đình Nam bộ. Năm Xuân là bí danh thời kháng chiến chống Mỹ của Đại tướng Mai Chí Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Nhiều thập niên đã trôi qua với biết bao nhiêu thay đổi, nhưng hình ảnh chú Năm Xuân thì mãi mãi nguyên vẹn trong tình cảm của những người lính chúng tôi, có sức động viên, cổ vũ kỳ lạ đối với chúng tôi trong suốt chặng đường dài chiến đấu và trong cả những lúc khó khăn, phức tạp của cuộc sống đời thường.

Năm ấy, 1971, sau bốn tháng vượt Trường Sơn vào đến Trung ương Cục miền Nam, tôi được điều đến chiến trường Sài Gòn - Gia Định. Đơn vị tôi đến là Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, lúc này đang đóng trên đất Campuchia, bên cạnh dòng sông Sekong mát rượi, hiền hòa như chưa hề có chiến tranh. Sau những tháng hành quân trong rừng núi Trường Sơn thiếu thốn đủ thứ, bệnh tật và sốt rét bào mòn sức khỏe, được ở đồng bằng đầy nắng gió, chúng tôi lại sức rất nhanh. Nhóm chúng tôi hôm ấy được giao liên đưa đến một đơn vị đóng trong khu vườn chuối bạt ngàn. Ngoài xa kia là cánh đồng mênh mông không có trồng cấy gì. Đó là đơn vị của chú Năm Xuân và lần đầu tiên tôi được gặp chú. Chú Năm nói chuyện thân mật, gần gũi, có pha chút hài hước rất vui. Toàn chuyện đời thường chứ không có chuyện chiến trường căng thẳng. Qua câu chuyện, tôi nhận ra dù ở chiến trường nhưng chú Năm biết rõ về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của chúng tôi cùng các giáo sư có uy tín quốc tế rất đáng tự hào mà chúng tôi được học, về nhóm sinh viên khoa Văn và Sử vừa qua lớp đào tạo lực lượng viết trẻ của Hội Nhà văn được cử tới chiến trường. Cuối buổi chuyện trò, chú cười vui, bất chợt hỏi ở chiến trường bị thương có vác được chú chạy không. Tôi hồn nhiên bật cười thưa lại câu đùa ngồ ngộ của “ông già”. Ánh mắt chú nhìn tôi thật trìu mến. Trên đường về dọc theo dòng sông Sekong, qua những rặng dừa xanh mát, đẹp và thơ mộng, tôi cứ nghĩ mãi về buổi nói chuyện với chú Năm và háo hức nghĩ tới những ngày sẽ được sống và chiến đấu ở tiền phương, sẽ được tắm mình trong những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Hôm sau, tôi được thông báo và đưa về đơn vị chú Năm Xuân công tác. Tôi hơi hụt hẫng vì phải xa bạn bè khi vừa bước sang tuổi 21 chưa có hiểu biết gì nhiều về cuộc sống. Nhưng rồi tôi nhanh chóng làm quen với công việc và anh em trong đơn vị. Tôi được giao đọc một xấp dầy những báo chí xuất bản ở Sài Gòn. Những tờ báo mang tên Tin sáng, Tia sáng, Điện tín, Dân chủ mới, Trắng đen, Chính luận... lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Tờ nào cũng in khổ rộng, chữ nhỏ chi chít, dày đặc những tin, bài. Vừa vào việc thì khoảng trưa hôm sau, chúng tôi được lệnh hành quân gấp, đơn vị phải chuyển căn cứ. Đi được khoảng 15 phút thì máy bay bổ nhào xuống ném bom đúng căn cứ của chúng tôi. Bụi đất tung lên mù mịt. Vậy là quân đội Mỹ và Sài Gòn đã mở rộng chiến tranh sang cả Campuchia. Thua đau sau Tổng tiến công Mậu Thân, từ những năm 69, 70, địch tăng cường B52 bắn phá điên cuồng cùng những chiến dịch càn quét “tìm và diệt”, khủng bố rất ác liệt, nhằm tiêu diệt bằng được bộ máy lãnh đạo Sài Gòn - Gia Định. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định phải tạm lánh sang Campuchia để tránh bị tổn thất và bảo toàn lực lượng. Campuchia, đứng đầu là Quốc vương Norodom Sihanouk rất có cảm tình và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tình hình lúc này bị xáo trộn khủng khiếp. Chúng tôi phải hành quân liên miên, liên tục phải chuyển căn cứ. Liên tục di chuyển nhưng vẫn phải giữ bí mật và giữ mối liên lạc với cơ sở ở các địa phương để kịp thời lãnh đạo chỉ đạo phong trào. Chú Năm luôn nhắc nhở chúng tôi về công tác bí mật vì tình báo của đối phương luôn tìm mọi cách theo sát chúng tôi.

Ở chiến trường, sống trong căn cứ rừng sâu nước độc đã cực, nhưng hành quân còn cực hơn rất nhiều. Nhất là hành quân trên những con đường ngập nước, bước chân dò dẫm, nước ngập đến đầu gối, bước đi mỏi mệt vô cùng. Tôi nhớ có lần nhìn chú Năm đi trước, tay cầm cây gậy dò đường trong làn nước đục ngầu, vai đeo chiếc túi đựng tư trang, tài liệu, loại túi mìn claymor của quân đội Mỹ rất tiện lợi. Chú Năm bước những bước dài, quay lại khích lệ chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Tôi nhìn theo bước chân ông và nghĩ về người lính già qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lòng đầy cảm kích và xúc động. Bước chân ấy hẳn đã đi đến rất nhiều nơi trên đất nước này để có được cuộc sống độc lập tự do cho nhân dân, cho toàn dân tộc. Bước chân ấy như chưa từng mỏi mệt, vẫn mạnh mẽ và bình dị trước mắt tôi một người lính vừa chập chững vào đời, cuốn hút và vẫy gọi tôi. Sau này, tôi được biết chú Năm đã đi với Cách mạng từ năm 14 tuổi, trong phong trào học sinh yêu nước ở Huế, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi, làm Trưởng ty Công an Mỹ Tho năm 26 tuổi, rồi Trưởng ty Công an Cần Thơ, Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định... Chú đã gánh vác rất nhiều trọng trách trước Đảng và nhân dân, đã nhiều lần bị bọn thực dân bắt giam ở nhà tù Sơn La cùng người anh trai là Lê Đức Thọ, ở Hỏa Lò, Khám Lớn Sài Gòn, nhà tù Côn Đảo. Cuộc sống quá gian khổ làm chú bị bệnh lao xương từ hồi chống Pháp. Đã tưởng phải ở lại miền Bắc, không thể tiếp bước trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam càng ngày càng gian nan, thử thách. Nhưng tấm lòng chú tha thiết với miền Nam, với Sài Gòn - Gia Định, với những con người Nam bộ chất phác, nghĩa hiệp, đã từng cưu mang, bảo vệ chú suốt thời đánh Pháp. Chú kiên trì tập luyện để có sức khỏe và đã gắn bó với Sài Gòn - Gia Định từ thời chống Mỹ cho đến thời hòa bình với bao nhiêu công việc nặng nhọc không kém gì thời chiến.

Công việc của tôi càng ngày càng bận rộn. Tôi đọc các loại báo xuất bản ở Sài Gòn, những bản tin của Thông tấn xã, tin của bộ phận trinh sát kỹ thuật Mỹ, Ban 2 Quân khu, tin của bộ phận trinh sát kỹ thuật tại chỗ. Đặc biệt là báo cáo các loại của ta từ cơ sở, từ các địa phương nội ngoại thành Sài Gòn - Gia Định gửi về cho chú Năm. Ngày nào giao liên cũng đưa tới rất nhiều thư từ. Báo cáo tình hình thì đủ loại, 3 ngày, 5 ngày, 10 ngày, 1 tháng, nửa tháng, báo cáo đột xuất trong ngày... Tôi đọc và tổng hợp lại một cách hệ thống. Rất may là tôi được đào tạo ở Trường Đại học Tổng hợp, được rèn luyện tư duy khoa học hệ thống, thiên về nhận thức phê phán, nên tôi tổng hợp báo cáo rất nhanh. Tôi tổng hợp tin tức và báo cáo chú Năm vào mỗi buổi tối. Ban ngày chú Năm thường làm việc ở căn cứ Văn phòng Khu ủy cùng các chú trong Thường vụ. Hoặc làm việc với cơ sở từ nội thành ra, thường bịt khăn kín đầu để đảm bảo nguyên tắc bí mật. Chú Năm vất vả vô cùng, vậy mà mỗi đêm lại ngồi nghe tôi báo cáo đến khuya. Tôi rất thương chú nên làm sao báo cáo thật gọn, chú ý nhất là lựa chọn và phân tích tin tức. Các bản tin trinh sát kỹ thuật có khi tôi chỉ đánh dấu bằng bút đỏ những tin quan trọng để chú đọc trực tiếp. Tôi hiểu rằng nghe báo cáo tình hình là rất mệt.

Những lúc làm việc báo cáo với chú Năm là lúc cứ như toàn bộ cuộc sống ở Sài Gòn và những vùng ven đô đang hiển hiện ra ngay trước mắt tôi vậy. Tôi mường tượng rất rõ những chuyển động ở từng vùng, những động thái của ta, của địch, những tiếng nói qua khuynh hướng tư tưởng của các bài báo mà tác giả phần lớn là những nhân sĩ, trí thức, dân biểu... Chú Năm luôn lưu ý tôi nghiên cứu kỹ để báo cáo chú.

Bạn bè tôi ở các đơn vị khác gửi thư đến hỏi tôi làm gì mà bận dữ vậy, tôi không biết trả lời làm sao. Ở đơn vị tôi nguyên tắc bảo vệ rất nghiêm ngặt. Trung đội bảo vệ vòng ngoài ở cách xa bộ phận bên trong. Đơn vị bên trong không được đưa người ở bộ phận khác vào. Tôi cảm thấy rõ dù ở chiến trường nhưng sự sắp xếp, tổ chức rất chu đáo, cẩn trọng. Anh em chúng tôi ai có việc của người ấy. Có lần đang làm việc với chú Năm, tôi thấy chú có vẻ mệt, cần nước, tôi định chạy đi lấy nước nhưng chú Năm ngăn lại bảo tôi cứ nói tiếp, phong thái như là chính khách. Một cử chỉ rất nhỏ nhưng làm cho tôi suy nghĩ mãi về một người lãnh đạo mà tôi chưa thể nào hiểu được.

Một hôm chú Năm bảo tôi phải sang bộ phận văn phòng để học đánh máy chữ. Tôi hơi bất ngờ vì tôi luôn mong được đi chiến đấu mà lại đi học đánh máy chữ. Nhưng chú nói có tài liệu không thể đưa cho người khác đánh máy. Tôi học đánh máy khá nhanh, chỉ sau ít ngày đã có thể đánh mười đầu ngón tay, hầu như không có lỗi. Tôi được giao một chiếc máy chữ nhỏ, rất nhẹ, đánh rất trơn tru, đặc biệt thích hợp với điều kiện chiến trường. Tôi phải phụ trách thêm công việc đánh máy và phải đánh rất nhiều tài liệu. Các báo cáo tổng hợp tin tức tôi cũng đánh máy luôn. Khi làm việc với chú Năm xong, tôi có thể để lại cả bản đánh máy, rất tiện lợi.

Có một kỷ niệm làm cho tôi nhớ mãi. Hôm ấy, chú Năm gọi tôi lên, chú nói về tình hình cuộc chiến đấu có thể còn kéo dài, phải chuẩn bị mọi điều kiện để thích ứng với tình hình, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm và nhiều vấn đề khác. Chú giao cho tôi dự thảo một chỉ thị của Khu ủy mang nội dung như chú vừa nói. Tôi đã viết bản dự thảo chỉ thị với cái nhìn thực tiễn mà tôi học được ở chú Năm qua các buổi làm việc, cùng với tất cả tình cảm của người con miền Bắc đối với miền Nam thân yêu. Tôi đã gửi vào đó tất cả tình cảm của mình. Khi tôi đưa lại bản dự thảo cho chú Năm, chú có sửa một vài chữ và bảo cố gắng viết càng ngắn càng tốt vì điều kiện chuyển đi rất khó khăn. Tôi rất mừng vì biết trước đây có văn bản trình lên, chú Năm phải sửa chữa rất nhiều. Thời gian sau, có chị ở cơ sở ra làm việc, chị kể đã khóc khi đọc một bản chỉ thị của Khu ủy. Đó chính là bản chỉ thị chú Năm giao cho tôi dự thảo. Tôi vẫn nhớ nét chữ chú sửa bằng bút đỏ mà rất tiếc vì điều kiện chiến trường tôi đã không lưu giữ được.

Thời gian này, tôi phải đọc rất nhiều tài liệu, trong đó có cả tin tức ký tên Hai Trung mà sau này tôi mới được biết là nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn của ta hoạt động trong lòng địch. Có cả cuốn sách Đêm nghe tiếng đại bác của tác giả Sài Gòn mà tôi đã báo cáo chú Năm về nội dung và cách viết. Chú Năm đặc biệt chú ý về tư tưởng dân tộc và văn hóa dân tộc của các tác giả. Có lúc chú giao cho tôi viết thư trao đổi công việc với các chú trong Thường vụ. Nhớ một lần viết thư cho chú Mười Hương (ông Trần Quốc Hương), tôi viết kính gửi anh Mười, bị chú phê bình, bảo phải viết là chú Mười chứ. Trong công việc nhưng chú vẫn lưu tâm chúng tôi về tình cảm gia đình như thế.

Tôi được đọc một tập về kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 1971 - 1974 của chính quyền Sài Gòn. Chú nói nghiên cứu xem nó là thế nào. Chú Năm bảo sau khi giải phóng phải bắt tay vào làm kinh tế ngay, phải xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, cách mạng phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể như thế. Ôi tấm lòng của nhà lãnh đạo cao cả và yêu thương nhân dân đến độ ngay cả trong chiến tranh, sống chết liền kề, vẫn để tâm lo cho cái ăn của người dân đến thế sao. Tôi có đọc ở đâu đó xuất phát điểm nghiên cứu của thiên tài K.Marx cũng là bắt đầu từ cái tưởng tầm thường nhưng lại rất đỗi phi thường đó.

Có nhiều vấn đề chú Năm nói rất giản dị nhưng toát lên cái nhìn thực tiễn rất thú vị. Tôi hiểu đó là cả một quá trình kết tinh của vốn sống, vốn văn hóa, tri thức, tầm vóc tư tưởng của một nhà cách mạng. Điều đó không dễ dàng có được. Tôi còn nhận ra ở chú Năm một tâm hồn lãng mạn rất nghệ sĩ. Chú rất yêu thiên nhiên Nam bộ với những cánh đồng mênh mông, kênh rạch chằng chịt uốn lượn như tranh vẽ. Chú yêu Sài Gòn - Gia Định, với những con người chất phác, hào phóng, giàu lòng nghĩa hiệp, yêu thiên nhiên xanh mướt, trù phú. Chú lấy vợ miền Nam, vợ chồng chú cách xa nhau suốt trong những năm dài kháng chiến. Chú rất thích chụp ảnh. Có lần từ nội thành gửi ra tặng chú chiếc máy ảnh, chụp và rút liền ra được một tấm ảnh. Chú kéo mấy anh em chúng tôi ra trảng tranh gần cứ, chụp cho mỗi người một tấm ảnh với phong cảnh thiên nhiên thoáng đãng, thơ mộng, rất đẹp.

Hôm đơn vị tôi nhận được một gói quà từ Trung ương gửi vào cho chú Năm. Ở giữa là thuốc, xung quanh chèn chặt bằng sách báo, trong đó, có tập truyện ngắn của M. Gorki mà tôi rất thích. Chú Năm bảo anh bác sĩ chia thuốc ra để gửi cho các chú trong Thường vụ. Sách chú giao cho tôi giữ. Tôi đã đọc tập truyện, cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nghe thấy tiếng sóng biển Arov rì rào Gorki miêu tả với cảm giác rất thân yêu. Có một buổi tối sau khi làm việc xong, rất mệt, chú đưa cho tôi viên thuốc, bảo tôi uống đi. Hồi ấy tôi còn trẻ, không có ý thức gì chuyện thuốc men cả. Sáng hôm sau tôi có cảm giác rất lạ, đầu óc minh mẫn lạ thường. Tôi đọc hàng chục báo cáo và nhớ vanh vách từng cái. Tấm lòng người thủ trưởng và cảm giác ấy cứ theo mãi tôi suốt những chặng đường đời. Có lần tôi bị sốt rét, anh Sáu Xê là người lo chuyện cấp dưỡng cho chú Năm đem đến cho tôi một phần ăn, anh nói anh Năm bảo chia phân nửa suất ăn của anh đem xuống cho Tài. Tôi lặng người đi, không thể nào nói được lên lời.

Ở đơn vị tôi, anh Sáu Xê nấu ăn rất khéo và rất chu đáo trong mọi công việc. Anh quê Long An, đã ở chức đại đội khi tập kết ra miền Bắc và trở về quê hương chiến đấu. người mập, bản tính hồn nhiên, tận tụy. Anh thường bộc lộ rõ trên nét mặt niềm vui và tự hào khi thấy chú Năm ngon miệng. Mà bữa ăn ở chiến trường có gì đâu, cơm với chút mắm nêm, vài lát chuối xanh, mấy cọng rau thơm. Một hôm anh Sáu kiếm ở đâu được một hũ mắm nhỏ. Anh khoe với chú Năm mắm ngon, hồn nhiên thò một ngón tay vào đưa lên miệng mút chép một cái và cười rất tươi. Chú Năm nhìn anh cười, bảo nè, cái thằng, mút cái nữa. Chúng tôi, cả thủ trưởng lẫn lính cùng cười xòa. Đơn vị tôi, tiểu đội cận vệ của chú Năm như một gia đình, rất đầm ấm, vui vẻ.

Ở căn cứ, chú Năm thường dậy rất sớm tập thể dục. Chú tập bài quyền và bài dưỡng sinh cổ truyền cốc đại phong. Những lúc tập quyền, động tác khoan thai, hòa hợp, trông chú như một vị đạo sĩ của phương Đông huyền bí. Chú dạy tôi bài cốc đại phong để tập luyện giữ gìn sức khỏe.

Năm 1973, sau Hiệp định hòa bình Paris, đơn vị tôi hành quân về Củ Chi ngoại thành Sài Gòn - Gia Định. Chúng tôi bị một trận pháo kích trúng đội hình, một anh hy sinh, chú Năm rất buồn. Ở chiến trường đau thương, mất mát không thể nào tính được. Chúng tôi đóng quân gần Bến Súc. Củ Chi lúc này là đồng đất trống không sau những năm bị tàn phá, chà đi xát lại. Đứng ở chỗ chúng tôi có thể nhìn ra rất xa, mênh mông là đất trắng với những thân cây cháy đen, trơ trọi. Cách khoảng vài trăm mét dưới kia là Bến Súc và dòng sông Sài Gòn mát rượi, thân yêu vô cùng. Tôi đã viết bài thơ về một dòng sông và bài Nghe hò trên đất thép Củ Chi. Một bài được các anh ở Tiểu ban Văn nghệ sửa chữa đôi chút và in trong tập san Mầm xanh của Tiểu ban Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định. Một bài in trên báo Sài Gòn Giải phóng sau ngày chiến thắng. Chú Năm luôn động viên tôi viết. Tôi thích được ra tiền phương, mũi nhọn của cuộc chiến đấu chứ không thích ở căn cứ. Chú Năm bảo mũi nhọn là đây chứ đâu, ở đây có những anh em chiến đấu rất dũng cảm, thích thì cứ ở đây mà viết. Tôi nhận được thư của anh Hoài Vũ ở Tiểu ban Văn nghệ, trong đó, anh có viết “đọc bài thơ, anh hiểu tâm hồn thiết tha, bay bổng của Tài”. Dù biết anh chỉ động viên tôi thôi nhưng tôi vẫn thích. Tôi “khoe” với chú Năm. Dường như chú rất hiểu tâm trạng và thông cảm với những người trẻ tuổi như tôi. Cuối năm 1974, chú Năm đồng ý cho tôi chuyển về Tiểu ban Văn nghệ, đúng với chuyên môn tôi được đào tạo ở trường đại học. Tôi trở thành phóng viên văn nghệ, được ra mặt trận, trong đó, có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi xa chú Năm, xa công việc mà tôi đã được chú Năm rèn luyện rất tinh tế qua những buổi làm việc. Tôi đã trưởng thành rất nhiều so với lúc chập chững vào đời. Trong cuốn Hồi ức của mình, chú Năm có viết rằng tôi còn trẻ tuổi, có nhiều ước mơ lãng mạn, thích bay nhảy chứ không thích ở yên một chỗ, nên chú phải đồng ý cho tôi rời khỏi đơn vị. Tôi thầm cảm ơn sự quan tâm chu đáo của chú đối với những người lính chúng tôi mà có lẽ trong suốt cuộc đời dù có cố gắng đến đâu, tôi vẫn không thể nào đền đáp được.

Phải đến hơn 20 năm sau tôi mới lại được tiếp kiến chú Năm trong dịp đi cùng đoàn công tác của Viện Văn học vào TPHCM. Ngôi nhà rộng rãi có sân và bể bơi chú ở, sau ngày giải phóng, chú đã trả lại cho Nhà nước. Chú và gia đình chỉ ở khoảng bên, nhỏ hơn, hẹp hơn, vừa đủ cho việc đoàn tụ toàn gia đình con cháu cũng như các gia đình khác mà chú vẫn khao khát từ hồi kháng chiến. Chú đưa cho tôi xem bài nói chuyện ở một Hội nghị cán bộ cao cấp, cho tôi tập Hồi ức chú đã tranh thủ viết được 2 tập và dự định viết tiếp tập 3. Chú bảo đã gần 80 tuổi rồi và vừa mới qua một đợt điều trị ở bệnh viện về. Trong câu chuyện, có lúc chú trầm ngâm đọc lại câu thơ da diết của người xưa “Nhứt tướng công thành vạn cốt khô”, chú rất nhớ thương anh em ở đơn vị bảo vệ chú và Khu ủy đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến vừa qua. Tôi lặng người, trong lòng dậy lên bao nhiêu nỗi nhớ và tình cảm trong những ngày được sống và chiến đấu bên cạnh chú. Người cộng sản kiên trung, suốt một đời vì dân, vì nước, đến khi nghỉ hưu vẫn tha thiết gắn bó với công tác xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Chú làm việc này đến tận cuối đời, đúng như tâm ước từ thời còn chiến tranh.

Với tôi, chú Năm không chỉ là Đại tướng tài năng của dân tộc, một Danh tướng, mà còn là người chú như tình cảm ruột thịt. Nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn cứ ngỡ như đang được sống và làm việc bên cạnh chú. Cuộc đời và tấm lòng ấy là khúc nhạc đằm thắm vang vọng mãi trong tâm hồn chúng tôi và vọng mãi tới mai sau.

PGS.TS Hà Công Tài


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo