Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Trong nửa nhiệm kỳ từ năm 2020 - 2023, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, hệ thống chính trị TP tiếp tục triển khai sâu rộng hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nội dung “5 không” (Không để người nghèo, người yếu thế tụt hậu, bị bỏ quên; Không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; Không xã rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch; Không vi phạm Luật giao thông đường bộ; Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội) gắn với các phong trào, hoạt động khác.
Theo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tận tụy phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở”; công tác dân vận trong tham gia thực hiện các dự án di dời, giải tỏa, tái định cư tại các địa phương, hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh…
Công tác dân vận góp phần tạo động lực mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Sinh viên tình nguyên thực hiện các hoạt động an sinh xã hội Từ thực tiễn thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm, giải pháp thực hiện hiệu quả. Trong tổng số hơn 11.550 mô hình, giải pháp đăng ký thi đua, có 4.814 mô hình, giải pháp được công nhận. Trong đó có thể kể đến giải pháp “Phối hợp xây dựng tổ chức chính trị - xã hội tại các chung cu mới xây dựng” (Quận 1); mô hình “Mỗi tuần 01 khu phố, lắng nghe ý kiến nhân dân của Ban Thường vụ” (Quận 3); mô hình “Xây dựng lực lượng nòng cốt từ các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội” và mô hình “Chung cư 3 kết nối” (Quận 4); mô hình “Hộp thư ý Đảng lòng dân” (Quận 8); mô hình “Nhà nước kêu gọi - Nhân dân đồng hành”; mô hình “Doanh nghiệp đồng hành cùng đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo "(quận Bình Tân)…
Chỉ tính riêng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, đã có trên 1.080 mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả, thiết thực. Những hành động đẹp, sự hy sinh, chia sẻ của người dân TP qua công tác phòng, chống dịch không những giúp TP có thêm nguồn lực chống dịch mà còn là biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, hệ thống dân vận TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn đã tích cực tham gia Ban vận động công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các dự án bồi thường, hồ trợ, tái định cư đường Vành đai 3. Tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn TPHCM dài khoảng 47,51km, đi qua 4 địa phương gồm TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. “Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa phận huyện Bình Chánh gần 15km, với 393 trường hợp bị ảnh hưởng. Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết hợp tình, hợp lý các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân bị ảnh hưởng, đã tạo sự đồng thuận và góp phần đảm bảo thời gian khởi công dự án đúng tiến độ” - đồng chí Trần Văn Xem, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết.
Mô hình “Hộp thư ý Đảng lòng dân” được Quận 8 triển khai thực hiện để Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Một trong những kết quả nổi bật của hệ thống chính trị TP là công tác tuyên truyên, vận động Nhân dân tham gia hiến đất mở rộng hẻm. Đến nay đã có 168.139 hộ dân tham gia hiến 5.377.057 mét vuông đất, ước tính số tiền hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Ngoài việc hiến đất, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền gần 460 tỷ đồng. “Với những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Phương thức vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm dần hình thành rõ nét quyền làm chủ của Nhân dân trong bàn bạc, thực hiện được phát huy tối đa” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết.
Tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng, phát triển TP
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy, trong nửa nhiệm kỳ từ năm 2020 - 2023, hệ thống chính trị TP đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với chủ đề hàng năm của Đảng bộ, chính quyền TP, góp phần đưa các phong trào cách mạng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tăng sự đồng thuận trong Nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội TP, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, nhất là giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cơ sở đạt hiệu quả thiết thực.
Công tác dân vận của Đảng có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo hướng cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động Nhân dân; xây dựng và thực hiện phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"; phải hướng đến nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, vì Nhân dân, “đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết"; cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Công tác dân vận của chính quyền được đẩy mạnh và thực hiện khá đồng bộ, tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cấp ủy, chính quyền đổi mới phương thức hoạt động, vì Nhân dân phục vụ. Chính quyền các cấp quan tâm tạo ra cơ chế phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; chú trọng nâng cao hiệku lực, hiệu quả quản lý, điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết hồ sơ cho Nhân dân. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện thư cảm ơn, thư xin lỗi; chủ động rà soát các nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ về quy chế dân chủ ở cơ sở, đề ra các biện pháp khắc phục hạn chế và thực hiện hiệu quả.
Từ những kết quả thiết thực đạt được qua các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tăng cường phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục tập hợp rộng rãi quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm cho công tác dân vận ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các giới, các tầng lớp Nhân dân, góp phần cùng TP vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ, xây dựng và phát triển TP.
Kết quả này cũng là cơ sở quan trọng góp phần để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, mở ra cơ hội và thời cơ mới để TP phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với vai trò đầu tàu, là trung tâm về nhiều mặt của cả nước.