Sự kiện ý nghĩa ngày 5/6/1911 vẫn sống mãi
Trước đó, biến động của xã hội và gia đình dường như giục giã thêm quyết định thay đổi trong tâm trí nhà giáo trẻ Tất Thành. Vụ đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp với biểu tình ôn hòa chống thuế cao ở miền Trung năm 1908, lãnh tụ Trần Quý Cáp bị chém đầu, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng bị đày ra Côn Đảo. Học sinh Tất Thành bị cảnh cáo và cha của Tất Thành bị khiển trách vì hành động của con tham gia biểu tình.
Tháng 7/1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhận chức Tri huyện Bình Khê (Bình Định) và một năm sau bị cách chức. Lúc này Tất Thành đã học xong Tiểu học, nhưng không theo cha về Huế mà quyết định đi về phương Nam, trở thành giáo viên ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết.
Lịch sử của một đất nước hay cá nhân đều được xem xét bằng những biên niên. Nhưng phía sau sự kiện năm tháng ấy là cả một quá trình vật lộn, đổi thay, nguyên nhân của những phát triển hay thăng trầm. Đã hơn 100 năm nay - sự kiện có ý nghĩa lớn ấy vẫn sống mãi với hậu thế. Nhìn lại sự kiện ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 có thể lý giải nhiều điều.
Không phải tự nhiên mà nhiều người thấy Cụ Hồ tiên đoán “như Thánh nhân”. Bác dự đoán năm 1945 cách mạng thành công. Bác nói Mỹ sẽ đưa máy bay ném bom Hà Nội, Hải Phòng… Đó là do phẩm chất của các nhân tài - Hồ Chí Minh thường đi tới cùng sự kiện, tìm rõ, lý giải ngọn ngành, tìm ra quy luật, cách ứng xử và hành động. Ra với thế giới, người thanh niên khao khát tìm hiểu tại sao đất nước khổ, tại sao Pháp lại chọn Việt Nam để xâm chiếm - vì thế trước tiên Tất Thành muốn đến Pháp để tìm hiểu trước hết kẻ đô hộ nước mình. Không theo con đường sang Nhật Bản như cụ Phan Bội Châu hoạt động gây tiếng vang, cũng không theo cách cảm hóa “đề huề” buổi ban đầu của cụ Phan Chu Trinh, Tất Thành muốn tìm hiểu liệu có cách nào khác.
Một người có chữ nghĩa, học hành, tư chất thông minh, đã cảm nhận được tương lai mịt mù của đất nước nô lệ - Lúc đó dư âm của những cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Cao Thắng đến phong trào Cần Vương dần chìm vào thất bại đã gieo vào tâm trí người dân Việt Nam cuối đầu thế kỷ XX - thời kỳ ảm đạm nhất của lịch sử Việt Nam sau khi Pháp đã cơ bản bình định được Việt Nam.
Tất Thành lên tàu Amiral Latouche Tre’ville ngày 5/6 và đến Marseille ngày 6/7/1911. Mấy tháng sau Tất Thành còn trở lại Sài Gòn - theo sổ lương của tàu có ghi ngày 16/10/1911 (dẫn theo “Phan Chu Trinh qua những tư liệu mới - NXB Đà Nẵng – 2011, trang 188). Kể từ ngày đó cho đến tận ngày 28/1/1941 - đúng 30 năm sau Người mới trở về Tổ quốc tại Cao Bằng.
Nguyễn Ái Quốc với những đồng chí ở Quốc tế Cộng sản: Nguyễn Ái Quốc (trái), Trương Thái Lôi (giữa), Xencataima (bên phải). (Ảnh tư liệu) Nhà cách mạng chuyên nghiệp
Người thanh niên trẻ ra nước ngoài, tiếp xúc và trải nghiệm nhiều. Với tư chất thông minh, giàu lý tưởng, yêu nước thiết tha - điều gì cũng liên hệ với tình trạng đau khổ của đất nước mình. Chính vì thế, Tất Thành nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, dìu dắt, cộng tác của các nhà hoạt động nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Bùi Kỷ… những nhà Nho giờ Tây học gặp nhau ở Pháp.
Được sự giúp đỡ của Luật sư Phan Văn Trường là một duyên may cho việc thành lập “Hội đồng bào thân ái” của cụ Phan Chu Trinh. Chính phủ Pháp đánh hơi thấy xu hướng chính trị yêu nước tiến bộ nên đã bỏ tù cụ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Sau khi ra tù, Luật sư Phan Văn Trường phải đi làm nghề phiên dịch, còn cụ Phan Chu Trinh học nghề thợ ảnh ở hiệu Khánh Ký để nuôi thân.
Những việc đó đã ảnh hưởng đến nhận thức của chàng trai yêu nước Tất Thành - lúc đó lấy biệt danh “Cuồng Điệt” (người cháu nhiệt thành của nhà chí sỹ họ Phan) - thể hiện qua thư từ trao đổi của những bước bôn ba khi Tất Thành từ Mỹ, Anh, Đức, châu Phi… gửi về cho cụ Phan Chu Trinh.
Cuối năm 1917, chính thức xuất hiện tại Paris trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp, Tất Thành đã trưởng thành, có nhiều hoạt động và đến năm 1919, dưới tên Nguyễn Ái Quốc cùng nhóm hoạt động đã ký tên gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versaille.
Rồi liên tiếp các hoạt động: Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội 18 Đảng Xã hội Pháp, rồi trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người sáng lập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, ra báo “Người cùng khổ”. Năm 1923, sang Liên Xô làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Năm 1924, về Quảng Châu (Trung Quốc) chuẩn bị thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (1925). Năm 1925, xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh”.
Bước đường trưởng thành ấy - từ người yêu nước thành nhà Cách mạng - Nói như Phan Bội Châu thì đó là quá trình “Tiềm dưỡng”: “Hễ muốn làm anh hùng, tất phải tiềm dưỡng cho thật lâu. Muốn gánh vác việc lớn, tất phải chứa mưu kế cho thật giàu” (Tự phán-1929).
Con đường từ Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được vun đắp bằng sự ủng hộ của đồng bào và quốc tế. Hai lần ngồi tù, bao năm lận đận xứ người và dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành độc lập - Bắt đầu từ những ngày mà người Việt Nam ghi nhớ khi anh thanh niên Văn Ba xuống tàu ngày 5/6.
Ôn lại một sự kiện trong đời Bác Hồ để ngày nay lớp thanh niên mới lớn lên hiểu thêm lịch sử của đất nước và một “thế hệ những người Cộng sản vàng” hy sinh tranh đấu giành lại đất nước độc lập - mà Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu nhất.
Thanh niên ngày nay ra nước ngoài học tập, phấn đấu cạnh tranh gian khổ để thành công dân toàn cầu, với điều kiện và hiểu biết của thời đại công nghệ - càng hiểu sâu sắc những gian khổ xưa mà người thanh niên Tất Thành không chỉ lao nhọc kiếm sống mà còn tham gia chính sự, vượt tù đày, để tìm cách cho đất nước thoát cảnh nô lệ.
Càng thêm yêu kính Bác, càng ra sức học tập, trưởng thành để đóng góp xây dựng cuộc đời mới, góp sức cho Việt Nam và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Trần Đình Việt
(Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM)