Các ngư dân được cứu sống đưa lên xuồng Tàu 624, Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn (nguồn: baoquankhu4.com.vn) (Thanhuytphcm.vn) - Biển Việt Nam là một bộ phận của biển Đông, có diện tích rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền (chiếm 29% diện tích biển Đông); bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc tới Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới, với hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam luôn ý thức và coi trọng vai trò đặc biệt của kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững với chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong bối cảnh phức tạp của biển Đông.
Trong những năm, các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, nổi bật trong đó là Hải quân nhân dân Việt Nam. Giúp đỡ ngư dân đã là một trách nhiệm, là nghĩa cử cao đẹp của Hải quân nhân dân Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên mà trực tiếp là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ năm 2019 Quân chủng Hải quân đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tực cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Việc triển khai chương trình này đã trực tiếp góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản và phát huy vai trò của ngư dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với chức trách và nhiệm vụ của mình, Hải quân đã duy trì nghiêm các lực lượng và phương tiện sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển trọng điểm; phát huy tốt vai trò các tàu làm nhiệm vụ trên biển, các trạm ra đa, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển (nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1)… tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản. Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động 365 lượt tàu, 16 lượt máy bay, 50 lượt xe ô tô cùng hơn 12.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân; cứu nạn được 340 lượt tàu và 1.244 lượt người bị nạn trên biển.
Bên cạnh đó, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn DK1 đã thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, kể cả ngư dân nước ngoài; đã hỗ trợ ngư dân 25.240m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng; cung cấp các dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá ở đất liền; hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám chữa bệnh…
Nhân viên âu tàu đảo Song Tử Tây hướng dẫn tàu cá vào neo đậu tránh bão (nguồn: baohaiquanvietnam.vn) Thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, các đơn vị trong Quân chủng đã lựa chọn các bác sĩ, y sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao để thành lập các tổ quân y đến từng địa phương tư vấn, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 11.000 lượt ngư dân với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng; triển khai có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ nhân dân phòng, chống Covid-19 (tổ chức 11 khu cách ly; điều trị 1.583 lượt bệnh nhân là ngư dân; trao tặng 3.720 hộp khẩu trang, 2.435 chai dung dịch sát khuẩn, gần 1.700 tủ thuốc chữa bệnh và nhiều dụng cụ y tế cho các địa phương với trị giá hơn 3,7 tỷ đồng). Tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, công tác chính sách, thăm, tặng quà gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng 48 nhà tình nghĩa, trao tặng hơn 29.000 lá cờ Tổ quốc, trên 13.900 phao cứu sinh, 500 chiếc đèn đi biển cho ngư dân với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng.
Với phương châm “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Hình ảnh những con tàu, những chiến sĩ Hải quân không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh, dầm mình trong mưa bão, vượt qua sóng dữ, kịp thời có mặt cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Hải quân Việt Nam đã và đang thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác thủy sản; xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”.