Trẻ em tự kỷ được chăm sóc và vui chơi tại Trường chuyên biệt Khai Trí.(Thanhuytphcm.vn) - “Những năm gần đây, số trẻ tự kỷ ở Việt Nam tăng nhanh, nhưng việc phát hiện, can thiệp sớm và đúng cách chưa hiệu quả, thiếu sự phối hợp và minh bạch, khiến trẻ tự kỷ mất đi cơ hội được điều trị kịp thời”. Đó là nhận định được các đại biểu nêu ra tại hội nghị chuyên đề “Trẻ tự kỷ - Vấn đề của gia đình hay xã hội” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Trường chuyên biệt Khai Trí tổ chức vào sáng 29/8. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Triệu Lệ Khánh chủ trì hội nghị.
Cần có chính sách, chế độ dành cho trẻ tự kỷ
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, được phát hiện ngày càng nhiều theo nhịp phát triển công nghiệp xã hội. Tại Hoa Kỳ, cứ 68 trẻ sinh ra có 1 trẻ tự kỷ, còn ở Hàn Quốc tỷ lệ này là 1/50. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm cho biết: Cách đây 15 năm, ở Việt Nam, nhiều người chưa nhận thức về tự kỷ. Không ít người nhận thức người tự kỷ như là người bị bệnh tâm thần.
Theo Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, so với các trẻ khuyết tật khác như khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển thì việc chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ càng khó khăn rất nhiều. Trẻ tự kỷ có đầy đủ các giác quan nhưng do kết nối từ não kém các em dường như không nghe, không nhìn, không nói, hành vi chơi một mình, tăng động và thậm chí có em chậm trí hơn các em chậm phát triển.
Theo các nghiên cứu, việc can thiệp sớm ở độ tuổi từ 3-5 thường mang lại hiệu quả thực tế rất cao. Chính vì vậy, đội ngũ y tế và giáo viên các trường học, y tế cơ sở từ mầm non đến tiểu học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát hiện, khám sàng lọc trẻ tự kỷ. “Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ là vấn đề khó khăn và phức tạp vì mỗi trẻ có những khó khăn khác nhau đòi hỏi thầy cô phải được đào tạo đi, đào tạo lại, có trình độ chuyên môn cao, kiên trì và có tâm thương yêu trẻ nhưng hiện nay số giáo viên dạy trẻ này vẫn còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên ngành tự kỷ”- Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm chia sẻ.
Nhiều đại biểu đề nghị cần quan tâm xây dựng thêm các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, có bộ phận chuyên sâu giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Trong đó phải có thang đánh giá mức độ phát triển của trẻ tự kỷ, kiểm tra các kỹ năng, xây dựng biểu đồ phát hiện mặt khiếm khuyết để lên chương trình giáo dục phù hợp. Nhà nước cần xây dựng Luật về tự kỷ; cần có chính sách chế độ dành cho trẻ tự kỷ thực hiện quyền trẻ em tự kỷ được can thiệp thiệp sớm, được đến trường, nhất là trẻ tự kỷ nghèo; hướng dẫn các cấp, các ngành đoàn thể có liên quan chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ; tạo điều kiện xây dựng trường lớp với phương pháp chuyên sâu, phối hợp y tế, giáo dục, tâm lý và công tác xã hội…
Toàn cảnh hội nghị chuyên đề.Tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về tự kỷ
Việc giáo dục và điều trị cho trẻ tự kỷ là công việc rất lâu dài, bản thân trường hay trung tâm không thể can thiệp mà bắt buộc phải có sự kết hợp của gia đình, nhất là sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Những gia đình có con em tự kỷ phần nhiều gặp khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, rất cần sự hỗ trợ của toàn xã hội và tăng định mức hỗ trợ so với trẻ em khuyết tật khác, đặc biệt rất cần xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ đối với trẻ tự kỷ.
Bác sĩ Hoàng Văn Quyên, Trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Thời điểm này ở Việt Nam chưa có chính sách rõ ràng đối với các trẻ tự kỷ và cũng chưa có một đội ngũ hỗ trợ cho trẻ. Ví dụ như khi chẩn đoán, trẻ phải được bác sĩ nhi khoa, tâm lý, chuyên gia xã hội học hỗ trợ, sau đó viết kế hoạch can thiệp cho trẻ và đào tạo cho phụ huynh. Mô hình này hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có.
“Điều đáng lo ngại là vài năm trở lại đây, tại TPHCM có hàng chục trung tâm được thành lập nhưng không có giấy phép hoạt động, không được kiểm soát về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, việc quản lý các cơ sở can thiệp giáo dục tư nhân cần được chú trọng, gom về một mối do ngành giáo dục quản lý và thống nhất chỉ đạo về chương trình từ tuổi can thiệp sớm, giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập” - Bác sĩ Hoàng Văn Quyên chia sẻ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư trao quà và động viên các trẻ bị tự kỷ tại Trường chuyên biệt Khai Trí, huyện Củ Chi.Giám đốc Trường chuyên biệt Khai Trí Võ Thị Thuỳ cho rằng cần liên kết thành mạng lưới ngành chuyên biệt trong công tác nghiên cứu về tự kỷ với sự hỗ trợ về chuyên môn và cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức trong và ngoài nước; tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về tự kỷ để phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm nhằm giúp trẻ hoà nhập tốt vào cộng đồng; đưa vấn đề trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý vào Luật Khuyết tật và có chế độ chính sách cho các trẻ tự kỷ nói chung, nhất là đối với trẻ tự kỷ nghèo không có điều kiện đến trường; cần định hướng chương trình chuyên môn can thiệp chung tại TP và cả nước…
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Triệu Lệ Khánh đề nghị Ủy ban MTTQ 24 quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi chuyên đề đến các hộ gia đình có con bị rối loạn tự kỷ; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên để xây dựng các câu lạc bộ cha, mẹ có con bị rối loạn tự kỷ để họ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn; khảo sát nắm bắt với gia đình có con tự kỷ; phối hợp UBND các phường quan tâm chế độ chính sách, tuyên truyền, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ bị tự kỷ…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Triệu Lệ Khánh đề nghị HĐND TP và UBND TP kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đề xuất Quốc hội những cơ chế, chính sách cho trẻ tự kỷ để được can thiệp kịp thời và được đáp ứng các nhu cầu đặc biệt để sau này có thể lo được cho bản thân, cũng như cần được phát triển các năng lực để hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội.