Cô giáo Nguyễn Thụy Ngọc Trâm và cô giáo Đinh Lan Phương tham gia giao lưu tại chương trình. (Thanhuytphcm.vn) – Dẫu biết rằng con đường đó gặp nhiều khó khăn, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương từ ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ sẽ cảm nhận được hạnh phúc của nghề dạy học. Với giáo viên dạy học sinh khuyết tật không chỉ dạy kỹ năng, kiến thức mà còn là điểm tựa tinh thần, giúp các em có thể mở lòng, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đó là những chia sẻ của các giáo viên được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024 tại chương trình kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024); vinh danh Nhà giáo ưu tú và trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024 do Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM tổ chức ngày 18/11.
Nhận lại tình yêu thương từ ánh mắt, nụ cười
Với việc linh hoạt áp dụng các phần mềm công nghệ, trình chiếu hình ảnh lên màn hình tương tác giúp cho giờ học trở nên sinh động, tăng hiệu quả tiếp nhận đối của các bé lớp Lá 2, Trường Mầm non 4 (Quận 3), cô giáo Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giáo viên lớp Lá 2 cho biết, để làm được điều đó, giáo viên phải có kỹ năng tìm kiếm, chọn lựa tư liệu trên mạng internet, kết hợp thêm hiệu ứng công nghệ giúp bài học trở thành chuyến du hành hấp dẫn với học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thụy Ngọc Trâm chia sẻ, giáo viên mầm non được tiếp xúc với trẻ ngay giai đoạn đầu tiên đến trường của trẻ nên có được yêu thương quan tâm của trẻ dành cho mình. Thử thách với giáo viên là do các bé chưa thể kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình; có bạn dễ cáu giận, có hành vi cảm xúc chưa đúng, giáo viên phải thích ứng, linh hoạt trong công việc. Mỗi ngày đến lớp, cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm luôn giữ nguồn năng lượng tích cực, chủ động gần gũi, yêu thương học sinh.
Theo cô giáo Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, cái khó của giáo viên là làm sao trở thành bạn đồng hành với tất cả học sinh. Có những lúc cũng mệt mỏi, nhưng với tình thương dành cho trẻ, cô chưa bao giờ muốn dừng lại. Nghề giáo tuy vất vả, song càng dấn thân càng muốn gắn bó. Có trẻ khi lên bậc học cao hơn quay về trường thăm cô, có trẻ không bao giờ gặp lại, nhưng với cô, việc được đồng hành trong những bậc thang đầu đời của trẻ là niềm hạnh phúc to lớn, giúp cô luôn tự hào về sứ mệnh “trồng người”.
Cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm chia sẻ, động lực lớn nhất của tôi là niềm đam mê với nghề và mỗi ngày tìm ra điều mới để phục vụ cho công tác giảng dạy. Tôi rất vui, khi thấy được ý nghĩa từ sự đầu tư, chuẩn bị của mình đem lại sự hứng thú với hoạt động trong tiết học cho các em. Gửi gắm đến các đồng nghiệp, cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm bày tỏ, nghề giáo viên mầm non rất ý nghĩa, mỗi ngày đến trường là khoảng thời gian đang gieo hạt mầm yêu thương một cách kiên trì. “Dẫu biết rằng con đường đó gặp nhiều khó khăn, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương từ ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ sẽ cảm nhận được hạnh phúc của nghề. Cho dù còn khó khăn trong cuộc sống hay trong nghề, chúng ta cố gắng giữ ngọn lửa đam mê, yêu nghề và kiên nhẫn”.
Kết nối yêu thương đến với các học sinh
Trong hành trình “gieo chữ” cho học sinh khuyết tật, cô giáo Đinh Lan Phương, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từng dạy nhiều học sinh đơn tật và nhiều năm trở lại đây, số em đa tật cô dạy ngày càng tăng. Cô giáo Đinh Lan Phương chia sẻ, học sinh của cô thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa. Trên đường đồng hành cùng học sinh khuyết tật có lúc khó khăn nên giáo viên dễ có cảm giác chán nản, thậm chí bất lực, đứng khóc. Không chịu đầu hàng, cô quyết tâm mày mò tìm đọc tài liệu trên mạng, tham gia các buổi tập huấn với chuyên gia nước ngoài, mỗi ngày tích lũy thêm kinh nghiệm để tìm ra phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật.
“Với học sinh khuyết tật, dù các em không thể nhìn thấy nhau nhưng những cái vỗ tay, nắm tay sự chia sẻ chính là cầu nối giúp mọi người xích lại gần nhau hơn” - cô giáo Đinh Lan Phương bộc bạch. Cô cho biết, giáo viên chúng tôi không chỉ dạy học sinh khuyết tật kỹ năng, kiến thức mà còn là điểm tựa tinh thần, giúp các em có thể mở lòng, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, kết nối yêu thương đến với các học sinh.
“Giáo dục đặc biệt xuất phát từ tình yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với học sinh. Mỗi học sinh khuyết tật là một câu chuyện, một hành trình đầy khó khăn. Nhưng khi thấy sự tiến bộ của các em dù rất nhỏ là niềm vui đối với giáo viên như được nhân lên gấp nhiều lần” – cô giáo Đinh Lan Phương chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thụy Ngọc Trâm và cô giáo Đinh Lan Phương là hai trong số 50 nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục TP được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024. Trong hành trình cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của đất nước, mỗi nhà giáo đều đóng góp theo cách riêng của mình cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Nhiều thầy cô đã nỗ lực vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh với nghề. Đó là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo trên bục giảng, khơi dậy khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò của mình.