Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) –  Ngày 28/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối 300 điểm cầu trên cả nước.

Xem xét tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

Tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (trong đó TPHCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần. Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Về việc tiêm vaccine sởi cho trẻ em, đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp.

Cùng với bệnh sởi, số mắc ho gà cũng cao hơn 23 lần, với hơn 1.000 ca mắc, trong đó có 1 ca tử vong.

Đối với một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với bệnh cúm mùa số ca có xu hướng giảm tuy nhiên số tử vong tăng 7 trường hợp (Bình Định 4 ca, Hà Nội 2, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương 1 ca tử vong).

Từ đầu năm đến nay, nước ta cũng ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương, với 73 ca mắc, chủ yếu tập trung tại TPHCM và các tỉnh miền Nam. Trong năm, nước ta cũng ghi nhận 12 ca mắc bệnh than (Điện Biên  có 11 ca và 1 ca ở Sơn La), số ca mắc giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm qua, nước ta ghi nhận một ca mắc bệnh bại liệt tại tỉnh Đắk Lắk.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch với các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), các bệnh dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu), bệnh viêm phổi nặng do virus và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...).

Đồng thời, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ em tại TPHCM. Tiêm vaccine sởi cho trẻ em tại TPHCM.

Một số dịch bệnh có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá về cơ bản các dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương cũng lưu ý, thực tế trên thế giới và Việt Nam tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện một số dịch bệnh vẫn có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao như: sởi, ho gà, bại liệt, bạch hầu có một ca cũng là cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, Cục Y tế dự phòng hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương chỉnh sửa Thông tư số 10 hướng dẫn về công tác tiêm chủng được Bộ Y tế ban hành ngày 13/6/2024, bổ sung 2 vaccine HPV triển khai từ năm 2026 và PVC bắt đầu bổ sung từ năm 2025.

Đối với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, có văn bản chỉ đạo việc tổ chức các đoàn giám sát và hướng dẫn địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý, các viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, giám sát các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh sát sao hơn nữa để kịp thời phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các đoàn tới các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, phát sinh các dịch bệnh để hướng dẫn, cùng các địa phương giải quyết đối với công tác tiêm chủng và phòng dịch.

Đối với Viện Pateur TPHCM phải phối hợp với Sở Y tế TPHCM đánh giá lại nguyên nhân nhiều người dân có con trong độ tuổi tiêm chủng nhưng không cho trẻ đi tiêm để tìm cách khuyến cáo động viện phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. 

Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương cần nghiêm túc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ, Bộ Y tế ban hành đối với công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch, đặc biệt lưu ý quy trình kiểm soát lây nhiễm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo