Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Chuẩn bị xạ trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy.

(Thanhuytphcm.vn) - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã, tháo gỡ nhiều “nút thắt”, khó khăn cho các bệnh viện trong việc giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị y tế tuyến cuối tại khu vực phía Nam, sau gần 3 tuần các chính sách được ban hành, việc mua sắm vật tư y tế khấu hao thuận lợi hơn; nhiều trang thiết bị y tế được sửa chữa đưa vào hoạt động trở lại; phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân ung bướu.

Tháo gỡ nhiều “nút thắt” mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế

Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước khi Nghị định 07, Nghị quyết 30 được ban hành, có khoảng 2 tuần Bệnh viện Chợ Rẫy không thể đặt stent cho người bệnh nhân mạch vành mà chỉ dành để đặt cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim phải cấp cứu. Khi có Nghị định số 07 một loạt vật tư tiêu hao trước đây không thông quan được thì đã thông quan ồ ạt. Việc đặt stent  cho bệnh nhân mạch vành tại bệnh viện đang dần trở lại bình thường. Nghị quyết 30  tháo gỡ việc cho phép thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) khi sử dụng máy đặt máy, máy  mượn và thiết bị y tế đã tặng cho bệnh viện nhưng chưa kịp làm thủ tục để nhập vào tài sản quốc gia; giải tỏa được những vướng mắc trong công tác chẩn đoán bệnh, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh.

Cùng về nội dung này, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy Phạm Thanh Việt cho biết, trước khi Nghị quyết số 30 ra đời, đấu thầu vật tư y tế của bệnh viện vướng lại khoảng 57% số vật tư y tế trong gói thầu, do thiếu 3 bảng báo giá. Khi có Nghị quyết số 30 các vật tư y tế vướng do bảng báo giá đã được giải quyết.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Việt Thanh thông tin thêm, trước đây chỉ có 1/6 máy CT của bệnh viện hoạt động, buộc chỉ dùng cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân nội trú bởi bệnh nhân cấp cứu, nội trú, bệnh nhân nặng không để chuyển đi nơi khác được; nhân viên y tế buộc phải làm gần như liên tục và lãnh đạo bệnh viện rất lo vì nếu máy CT này hỏng không biết xử lý theo hướng nào. Sau khi Nghị quyết số 30, Nghị định số 07 được ban hành, bệnh viện tiến hành các gói sửa chữa, mua sắm linh kiện thay thế; đến nay đã có thêm 1 máy CT phục vụ cấp cứu được đưa vào hoạt động.

Đại diện Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiến sĩ, Bác sĩ  Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm cho biết, trước khi Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 được ban hành, Trung tâm chỉ còn một máy xạ trị chung, khiến bệnh nhân phải chờ đợi  lâu, có khi đến 2 giờ khuya để xạ trị, rất bất tiện. Đến nay, đã có 3 máy xạ (trong tổng số 5 máy của trung tâm) đã hoạt động sau khi có hợp đồng bảo hành, sửa chữa, mua thiết bị thay thế. Điều này giúp quá trình điều trị được thông suốt hơn, quan trọng là hiệu quả điều trị khi máy xạ trị đủ, đơn vị sẽ tập trung nâng cao và áp dụng những kỹ thuật mới.

TS.BS Trần Thành Vinh, Trưởng khoa Sinh hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, ở lĩnh vực xét nghiệm sinh hóa, Nghị quyết số 30 tháo gỡ bước đầu rất nhiều, tuy nhiên, xa hơn nữa, cần khuyến khích xã hội hóa, trong khi chưa đủ nguồn lực về kinh tế, chưa có cơ chế đầy đủ cho vấn đề thuê máy… thì máy đặt, máy mượn là thích hợp nhất trong thời điểm hiện nay.

Thực hiện xét nghiệm tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Chợ Rẫy. Thực hiện xét nghiệm tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nên có một chương đấu thầu riêng cho lĩnh vực y tế

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30, đại diện bệnh viện cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy định rõ ràng giúp giải quyết triệt để vấn đề về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức chia sẻ, trước đây khi xây dựng giá đấu thầu, một trong những biện pháp là phải có 3 bảng báo giá, ngoài ra, còn thẩm định giá, lấy hợp đồng tương tự. Nghị quyết số 30 đã giải quyết linh động nếu sau khi đăng báo theo thời gian quy định chỉ có 1 báo giá thì chấp nhận báo giá đó. Tuy nhiên, khi có 1 bảng báo giá, các bệnh viện băn khoăn báo giá đó có sát với giá trị thực sản phẩm hay không? Quản lý các bệnh viện không đủ cơ sở để kiểm chứng việc này, khi nhận báo giá cũng không biết giá đó gấp bao nhiêu lần so với giá nhập khẩu. Nếu khi hậu kiểm, giả sử cơ quan hậu kiểm thấy bệnh viện mua trang thiết bị đó với giá gấp 5 - 7, thậm chí 10 lần so giá nhập khẩu, chủ đầu tư không thể trả lời được dù rất công khai minh bạch trong mua sắm. Vì vậy, cần có  quy định bắt buộc với các bên cung cấp trang thiết bị y tế về việc niêm yết giá. Các bệnh viện mong muốn giá thiết bị y tế phải rõ ràng, giống như quản lý giá thuốc thì việc mua sắm sẽ rõ ràng, tránh được rủi rõ. 

Cũng theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Nghị quyết số 30 đã tháo gỡ được nhiều vấn đề trong thời điểm cấp bách và chỉ được thí điểm đến 31/12/2023. Để giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) sắp tới, nên chia hàng hóa phục vụ lĩnh vực y tế là nhóm hàng hóa đặc biệt vì liên quan đến sinh mạng người bệnh. Cùng với đó, nên có một chương đấu thầu riêng cho lĩnh vực y tế, trong đó quy định rõ ràng các tình huống khẩn cấp trong lĩnh vực y tế để các đơn vị thuận lợi trong việc mua sắm, phục vụ giải quyết các tình huống khẩn cấp. Trong thời gian chờ Luật Đấu thầu (sửa đổi) được ban hành, Quốc hội có thể xem xét ban hành Nghị quyết tạm thời cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế giải quyết những vấn đề về thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế; tạo hàng lang pháp lý vững chắc cho các bệnh viện thuận lợi trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và cũng tránh được tiêu cực trong mua sắm.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo