Chủ Nhật, ngày 29 tháng 6 năm 2025

Giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân

Quang cảnh chương trình đối thoại cùng chính quyền TP số tháng 6/2023.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/6, HĐND TPHCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền TP” số tháng 6/2023 phát trực tiếp trên sóng AM 610KHz, với chủ đề "Thực thi pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên địa bàn TPHCM".

Hòa giải thành, đối thoại thành, hạn chế mâu thuẫn giữa người khởi kiện và người bị kiện

Tại chương trình, các đại biểu cho rằng, hiện nay, chế định hòa giải đã được quy định trong các đạo luật và triển khai trên thực tế, góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, giữ gìn và củng cố tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, quan hệ hợp tác kinh doanh, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội.

Đồng thời, hòa giải thành sẽ chấm dứt mâu thuẫn, xung đột hoặc xích mích, tranh chấp một cách ổn thỏa nhất. Nếu như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp xét xử, khi kết thúc phiên tòa Hội đồng xét xử phải ra bản án tuyên chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự; hay nói cách khác phán quyết của Tòa án sẽ có bên thắng bên thua, bên được bên mất, thậm chí có nhiều trường hợp cả hai bên đều thua, suy cho cùng các bên đều không hài lòng.

Ngược lại, nếu tranh chấp giải quyết bằng con đường hòa giải thì các bên hoàn toàn tự nguyện thỏa thuận về những giải pháp giải quyết tranh chấp. Khi hòa giải thành, các nội dung giải quyết tranh chấp chính là ý chí của các bên, các chủ thể tranh chấp đều mong muốn, hài lòng, hay nói cách khác khi hòa giải thành, các bên đều thắng, không có kẻ thắng, người thua.

Thực tiễn nhiều vụ tranh chấp sau khi hòa giải thành các bên không cần yêu cầu thi hành án, họ tự nguyện thực hiện theo nội dung thỏa thuận và thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng. Có thể thấy hòa giải thành là một phương thức giải quyết tranh chấp dân sự tốt nhất, ổn thỏa nhất.

Phó Chánh án Toà án nhân dân (TAND) TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, từ ngày 1/10/2022 đến 31/3/2023, TAND hai cấp TP nhận 88.155 đơn khởi kiện, trong đó có 6.428 đơn có yêu cầu chuyển sang hòa giải, đối thoại chiếm tỷ lệ (7,29%). Trong đó, có 2.501 trường hợp tiến hành hòa giải, đối thoại thành, đương sự thống nhất việc giải quyết vụ việc, đạt 39%. Qua đó, Tòa án đã ban hành 2.209 Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, đạt 88,3%; các trường hợp còn lại là quyết định đình chỉ giải quyết do người khởi kiện rút đơn sau khi được hòa giải, đối thoại.

Trong các đơn vị ở quận huyện, TAND huyện Bình Chánh là đơn vị có số lượng đơn chuyển sang hòa giải và có kết quả hòa giải thành, công nhận sự thỏa thuận lớn nhất với 1.236/5.078 đơn được chuyển sang trung tâm, kết quả hòa giải thành  869 đơn, đạt 70% và công nhận sự thỏa thuận 688 đơn, đạt 79,17%.

Theo hoà giải viên TAND huyện Bình Chánh Phan Thị Dòn, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp cho người dân rất nhiều khi gửi đơn khởi kiện tại Tòa án cụ thể như: người khởi kiện không đóng án phí; hạn chế mâu thuẫn giữa người khởi kiện và người bị kiện; đối với những vụ tranh chấp ly hôn không tạo áp lực cho vợ, chồng và các con; khi hòa giải thành thì các bên đều thắng không có kẻ thăng người thua...

Đối với nhiệm vụ của hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm: Phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên; Tạo điều kiện để các bên đề xuất, trao đổi về phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

Bên cạnh đó, phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.

Giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp

Để khắc phục những khó khăn của hoạt động hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhằm góp phần đưa Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án ngày càng nâng cao hiệu quả thi hành cũng như phát huy hiệu quả tích cực, lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đồng chí Nguyễn Thị Thùy Dung cho rằng, TAND 2 cấp tại TP tăng cường phối hợp các đơn vị tại địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ hơn về quy trình, cách thức tiến hành cũng như các lợi ích của việc hòa giải, đối thoại từ đó tin tưởng và lựa chọn phương pháp này trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án.

Đồng thời, kịp thời kiện toàn số lượng hòa giải viên, nâng cao chất lượng hòa giải đối thoại, thường xuyên cập nhật, tập huấn văn bản pháp luật mới cho lực lượng hòa giải viên.

Bên cạnh đó, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất tại các Trung tâm hòa giải quận huyện và TP.

Kết luận tại chương trình, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Lê Minh Đức cho rằng, sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định mang tính đột phá, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Theo đồng chí Lê Minh Đức, sau gần 2 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp TPHCM đã bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của tòa án mà rất nhiều đương sự đã lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết đơn khởi kiện của mình. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử. “Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.”- đồng chí Lê Minh Đức nhấn mạnh. Đồng chí khẳng định, với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp trong khi biên chế không tăng. Và điều đó chứng minh tính thực tiễn đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa.

Theo đồng chí Lê Minh Đức, hiện nay, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã và đang được người dân trên địa bàn TP quan tâm, tìm hiểu; rất nhiều đương sự đã lựa chọn hòa giải viên giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được tuyên truyền về Luật hòa giải, đối thoại. Đây cũng sẽ là một trong những cơ sở, định hướng quan trọng để các cơ quan, ban ngành liên quan đề ra những giải pháp phù hợp hơn nhằm nâng cao hiệu quả thi hành. Qua đó, góp phần tạo những chuyển biến mang tính đột phá trong thời gian tới.

Đồng thời, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của hoạt động hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, giải quyết bất cập, vướng mắc, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành luật, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo