
Toàn cảnh Hội nghị đối thoại
(Thanhuytphcm.vn) - Tại hội nghị đối thoại do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ tổ chức chiều 13/12, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã được các bộ, ngành trao đổi, giải đáp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự hiện diện của Đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN liên quan đến nhập khẩu máy móc cũ. Ông Satoru Wachi, Trưởng nhóm các vấn đề liên quan đến quy định nhập khẩu máy móc cũ (JBAV) phản ánh khi doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất sang nước ngoài, việc tiến hành sản xuất bằng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đã quen dùng là trường hợp phổ biến. Khi đưa thiết bị mới vào, không chỉ phải triển khai thiết bị mà còn cần sản xuất dụng cụ, điều chỉnh và thay đổi chương trình, việc triển khai sớm sẽ trở nên khó khăn.
“Chúng tôi nghĩ rằng mặc dù cùng là thiết bị, máy móc giống nhau nhưng tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng mà tuổi thọ thiết bị sẽ khác nhau, nên việc hạn chế nhập khẩu vì tuổi thiết bị máy móc là không thực tế”, ông Satoru Wachi nói.
Theo ông, với việc Việt Nam đang phát triển nền công nghiệp phụ trợ thì việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hỗ trợ công nghệ sản xuất của Nhật Bản là cần thiết và việc hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ sẽ trở thành nguyên nhân chính làm cản trở lớn đến đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản vừa và nhỏ. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn, với doanh nghiệp sản xuất, nếu là máy móc, thiết bị nhập khẩu dùng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì không hạn chế về tuổi thiết bị và không thuộc đối tượng áp dụng quy định nhập khẩu.
Giải đáp băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Quý Dương cho hay, Thông tư 23 xây dựng với tiêu chí chính là hạn chế nhập khẩu những máy móc quá cũ để đảm bảo năng suất chất lượng, tránh gây giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tránh bị tiêu tốn năng lượng do sử dụng máy móc thiết bị cũ. Sau khi ban hành Thông tư, nhiều doanh nghiệp phản ánh có những khó khăn, vướng mắc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp thu và tiến hành sửa đổi.
Thứ trưởng Phạm Quý Dương cho biết, Luật Quản lý ngoại thương sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Dự kiến sẽ đưa vào Điều 9 của Nghị định hướng dẫn Luật này 7 mục liên quan đến tuổi của máy móc thiết bị và hướng dẫn những trình tự thủ tục.
Cho rằng Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô có một số vướng mắc cho nhà nhập khẩu, ông Toru Kinoshita, thành viên JBAV phân tích: nghị định yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, Chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận theo quy định của quốc gia đó cho việc sử dụng trong nước. Xe sản xuất để xuất khẩu nằm ngoài sự quan tâm của họ.
Nghị định cũng yêu cầu thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe nhập khẩu nguyên chiếc theo từng lô hàng. Tuy nhiên, mỗi lần thử nghiệm sẽ mất khoảng 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD. Nếu như các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tuân thủ theo quy định này thì sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. "Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ áp dụng việc thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo trong thời gian 6 tháng", ông Toru Kinoshita đề xuất.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lý giải việc yêu cầu nhà nhập khẩu phải có bảo hành, bảo dưỡng là để gắn trách nhiệm của nhà nhập khẩu đối với người tiêu dùng. Còn đối với kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng lưu ý cần tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu, sản xuất, nếu cùng lô hàng, không có sự thay đổi thì thuận lợi hơn cả là hậu kiểm và đánh giá tuân thủ pháp luật.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Công Thương xem lại quy định về phải có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nhà nước của nước ngoài, Bộ Tư pháp làm rõ quy định này.