Đó là bà Vũ Minh Nghĩa, hội viên Hội Cựu chiến binh phường 6 quận Gò Vấp ở TPHCM. Bà Nghĩa là con gái của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đáng, ở quê hương cách mạng Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Gia đình bà Nghĩa có chín anh chị em đều tham gia cách mạng. Năm 1965, khi vừa tròn 18 tuổi, cô gái Nghĩa đã tham gia Quân giải phóng, làm giao liên của Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định, nhận mọi nhiệm vụ đơn vị giao cho như liên lạc đưa tin tức từ thành ra căn cứ, đưa cán bộ, vận chuyển vũ khí thuốc nổ từ chiến khu vào nội thành, lúc bí mật, khi hợp tác, lúc bán công khai.
Bồi hồi kể lại lần tham gia trận đánh “Dinh Độc Lập” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Lúc bấy giờ, Minh Nghĩa vừa tròn 21 tuổi, là thành viên nữ duy nhất của Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đội có 15 người do ông Tô Hoài Thanh chỉ huy, được giao nhiệm vụ đánh chiếm “Dinh Độc Lập”, một trong năm mục tiêu chủ yếu trong đợt 1 cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ, đêm 30 Tết, toàn Đội đón giao thừa ở Trảng Bàng (Tây Ninh), xong hành quân về Hóc Môn, thuê xe gắn máy chở từng tốp vào nội thành…
Theo kế hoạch, Đội dùng một khối thuốc nổ 100kg đựng trong một thùng phuy đặt trên một chiếc xe vận tải nhẹ cùng 3 chiếc xe khác chở lực lượng, vũ khí, đánh từ cổng sau Dinh (phía đường Nguyễn Du), khối thuốc nổ sẽ phá tung cửa để lực lượng chủ lực của ta tiến công đánh chiếm Dinh.
Minh Nghĩa là y tá và cũng tham gia chiến đấu, nên được trang bị một khẩu súng ngắn K.54 và một khẩu cạc-bin. Sau khi ta đánh chiếm Dinh, Nghĩa sẽ chiếm máy phát thanh ở phòng thủ tướng ngụy để kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng và cùng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền.
Đêm mùng một Tết Mậu Thân, đơn vị tiếp cận cách Dinh Độc Lập khoảng 200m thì bị địch phát hiện ngăn chặn. Đội đã nổ súng diệt một số tên, chiếc xe chở thuốc nổ đã vào sát cổng Dinh và điểm hỏa, nhưng khối thuốc không nổ. Đội phải chủ động nổ súng diệt một số tên địch gác cổng, 2 xe sau chạy tới thì bị lực lượng địch phía công viên Tao Đàn bắn sang làm một chiến sĩ của ta hy sinh. Song cả đội đều vượt tường, đột nhập được vào trong, tiếp tục chiến đấu diệt một số tên.
Địch bên trong chống trả quyết liệt, thêm 3 đồng chí của ta hy sinh. Song toàn Đội vẫn kiên cường bám trụ, chờ lực lượng lớn phía sau tiếp viện. Nhưng… một giờ, rồi hai giờ vẫn không thấy quân tiếp viện. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 14 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch càng lúc càng căng thẳng. Đồng chí Tô Hoài Thanh đội trưởng bị thương nặng, vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu, rồi Minh Nghĩa cũng bị thương, nhưng tất cả đều động viên nhau cầm cự chống địch, chờ lực lượng trên theo hợp đồng.
Mãi đến gần sáng, không liên lạc được với lực lượng cấp trên, anh em khẩn trương đưa các đồng chí hy sinh vào sau khu nhà đối diện Dinh, còn 7 anh em đưa nhau lên ém quân ở lầu 1 của nhà cao tầng đối diện với Dinh, sẵn sàng đánh trả khi địch lùng sục truy tìm.
Đúng như dự đoán, khoảng 8-9 giờ sáng mồng hai Tết, hơn 50 tên địch bung sang tìm kiếm Việt Cộng, cả đội còn lại 7 người vẫn kiên cường chiến đấu, đánh trả nhiều đợt tiến công của địch.
Đến chiều, có thêm 2 đồng chí bị thương. Đạn hết, anh em vẫn bình tĩnh dùng lựu đạn, đá gạch ném lại chúng. Khoảng 18 giờ mồng hai Tết, địch phát hiện lực lượng ta ít nên liên tục tấn công, vừa bao vây, kêu gọi bắt sống, nhưng anh em vẫn ngoan cường bám trụ chống trả, địch vẫn không vào được.
Đến 9 giờ tối mồng hai Tết, toàn đội bám theo đường ống nước của những căn nhà xung quanh để thoát ra ngoài, nhưng vì địch đông, chúng truy đuổi và đón chặn ở các ngã đường, nên Minh Nghĩa và một số anh em đều bị địch bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Minh Nghĩa vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, không khai báo điều gì có hại cho cách mạng.
Không khai thác được gì, chúng đày Minh Nghĩa đi hết trại giam Thủ Đức, rồi Tân Hiệp (Biên Hòa), cuối cùng là đày ra Côn Đảo từ năm 1970-1974. Sau Hiệp định Paris, trong đợt trao trả tù binh tháng 4/1974, Minh Nghĩa được chúng trao trả tại Lộc Ninh; sau đó, tiếp tục về công tác tại Phòng Quân báo Miền.
Kể lại chuyện tham gia trận đánh cách đây 45 năm, bà Nghĩa bồi hồi tưởng nhớ các đồng đội trong Đội 5 đã hy sinh anh dũng, đồng thời cũng tự hào được tham gia trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong chiến cuộc Mậu Thân, Đội 5 Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã hoàn thành nhiệm vụ đánh trúng mục tiêu đầu não của địch (tuy không chiếm được) cùng thời điểm quy định với các mục tiêu khác như Tòa đại sứ quán Mỹ, Biệt khu Thủ Đô, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh Sài Gòn… gây cho địch nhiều tổn thất.
Đặc biệt là ta đã đánh trúng đầu não của Mỹ-ngụy và tạo bất ngờ mọi mặt đối với địch khi lực lượng vũ trang ta thực hiện tấn công đồng loạt thẳng vào hậu phương và sào huyệt của chúng, khiến địch hết sức kinh hoàng.