Bám sát thực tiễn, hiểu dân, trọng dân, chăm lo đời sống cho dân
10 năm sau giải phóng (1975 – 1985) là thời kỳ đầy sóng gió, nhiều phức tạp (kinh tế sa sút, nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất, dịch vụ xuống dốc, giá cả tăng vọt, chiến tranh biên giới Tây Nam, thiên tai, chống phá của các thế lực phản động, sai lầm trong chủ trương. Lần đầu tiên người dân Sài Gòn phải ăn độn dù không xa vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long…). Từ bối cảnh ấy, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân “vượt lên chính mình”, “nỗ lực phấn đấu”, bước ra khỏi vòng phấn do ta khoanh, thoát ra khỏi cảnh làm tù binh của chúng ta”[1], để tìm con đường phát triển phù hợp. Từ đó đã tạo nên những mốc son, làm nên những sự kiện mang tính lịch sử, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý kinh tế và quản lý phát triển xã hội.
Thành ủy Thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực thảo gỡ khó khăn, trước hết bám sát thực tiễn, hiểu dân, trọng dân, chăm lo đời sống cho dân là động lực và mục tiêu của sự sáng tạo, là phương châm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của Thành phố và con người Thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, với kinh nghiệm truyền thống hoạt động trên chiến trường đô thị, trọng dân, luôn dựa vào dân như lời dạy của Bác Hồ, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe trăn trở, nguyện vọng, thắc mắc của dân, rồi cùng cán bộ cơ sở bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “phá rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lưu thông phân phối, mở rộng thị trường trước hết là trong khu vực và thị trường quốc tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ đó mà ra đời những sáng kiến như thực hiện 3 lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, cải tạo công thương nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công…; xuất hiện nhiều đơn vị thí điểm thực hiện cơ chế mới đã đạt hiệu quả cao như Công ty Lương thực Thành phố, Gạch bông Đức Tâm, Dệt Thành Công, Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng, Cao su Phạm Hiệp, Bột giặt Viso, Nhà máy Bia Sài Gòn, Xí nghiệp Cơ khí Caric, Sinco…
Một sự kiện khắc ghi như là một mốc son lịch sử của quá trình đổi mới tư duy trong 10 năm đầu sau ngày giải phóng là sự kiện “Hội nghị Đà Lạt” vào trung tuần tháng 7 năm 1983. Hội nghị là một dấu ấn đáng ghi nhớ trong quá trình lãnh đạo đầy bản lĩnh, năng động, sáng tạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương thường xuyên chỉ đạo, kinh tế trên địa bàn thành phố đã có sự phát triển rõ rệt, tạo điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân trong thời kỳ khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm thời kỳ 1980 – 1985 đạt 8,17% so với 2,18% thời kỳ 1976 – 1980, thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.
Với những “vốn quý” được tích lũy từ thành công bước đầu và kinh nghiệm “phá rào”, với tinh thần cách mạng không mệt mỏi, không khoan nhượng trước những trì trệ, với truyền thống luôn khích lệ lựa chọn cái mới, được đường lối đổi mới của Đảng soi đường, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội, “cùng cả nước, vì cả nước” thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế trong hơn 3 thập kỷ đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Thành phố trở thành “đô thị đặc biệt”, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước[2].
Sự đánh giá tổng quát đó của Bộ Chính trị về tình hình Thành phố phản ánh chân thực bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, vị trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động sáng tạo, đoàn kết. Đó là nét son ngời sáng của Đảng bộ Thành phố trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
45 năm (1975 – 2020) Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước xây dựng và phát triển, đổi mới và hội nhập đã trải qua bao thăng trầm với nhiều khó khăn thử thách gay gắt, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được, có những lúc va vấp, hạn chế, khuyết điểm. Song nhìn tổng thể, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân, toàn hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội, phấn đấu bền bỉ, đưa Thành phố phát triển trên mọi lĩnh vực, đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước[3]. Trong đó có những mốc son, nhiều điểm sáng mang tính điển hình, nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: “Thành phố anh hùng”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, được hai lần tặng Huân chương Sao vàng.
Giữ trọn truyền thống, đặc trưng của chính quyền cách mạng là phục vụ nhân dân
Ôn cổ tri tân! Điểm lại một số sự kiện quan trọng với những mốc son lịch sử trong chặng đường 90 năm hình thành và phát triển Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh như trên đây để tôn vinh truyền thống vẻ vang, nhận biết sự nghiệp to lớn, bản lĩnh, năng lực, phẩm chất đạo đức, tính chất của một tổ chức chính trị - Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của phong trào cách mạng 90 năm (1930 – 2020) trên địa bàn đô thị có sự phát triển nhất của nước ta. Đó mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá, là nguồn lực, động lực cho sự phát triển trong hiện tại và tương lai.
Đảng bộ TPHCM luôn thể hiện được đặc trưng của chính quyền cách mạng là phục vụ nhân dân. Trong ảnh: Sinh viên nghiên cứu, học tập trong không gian hiện đại tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Võ Quốc Thanh Trước hết là vấn đề quán triệt nhận thức, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc chủ trương đường lối của Đảng để bảo đảm sự thống nhất và triển khai kịp thời, năng động, sáng tạo, tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn để có hiệu quả cao. Đảng bộ TPHCM vốn có kinh nghiệm rất quý báu là mỗi khi có đường lối, chủ trương chung của Đảng thì phát huy mọi nguồn lực, ráo riết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, bằng nhiều giải pháp. Qua đó, chủ trương nào đưa lại hiệu quả thì phải tích cực nhân rộng, còn những gì làm “ạch đụi” hoài mà không “ra môn ra khoai” gì thì phải xem xét lại, truy xuất vì sao, tích cực khám phá thực tiễn, lấy thực tiễn là nơi kiểm nghiệm cuối cùng, từ đó tìm những giải pháp mới phù hợp và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương để điều chỉnh. Không quán triệt sâu sắc, không bám sát sự chỉ đạo chung mà tự sử dụng quyền lực của mình hoặc áp dụng máy móc, không bám sát thực tiễn đều dẫn đến hậu quả khôn lường.
Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định trước đây là nôi nuôi dưỡng tổ chức Công Hội Đỏ và An Nam Cộng sản, nơi làm việc bí mật của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam kỳ trong nhiều năm, là căn cứ thần thánh của Đảng trong lòng dân, giữa nanh vuốt kẻ thù. Cho nên, bài học lòng dân cần luôn thẩm thấu trong mọi thời kỳ, mọi sự kiện, mọi vấn đề, không bao giờ được sao lãng. “Không có nhân dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng thì Đảng bộ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh không thể tồn tại và phát triển, không có những thắng lợi to lớn vừa qua và hôm nay. Tấm lòng và công ơn mà nhân dân Sài Gòn – TPHCM đối với Đảng bộ như công ơn sinh thành của cha mẹ”[4].
Đảng bộ Thành phố trực tiếp là Thành ủy TPHCM qua các thời kỳ đã giữ trọn truyền thống, bám sát quần chúng hết lòng vì lợi ích nhân dân, lấy vận động quần chúng làm phương pháp hoạt động chính kể cả trong thời kỳ hoạt động bí mật cho đến khi trở thành Đảng cầm quyền. Dù nội dung vận động quần chúng trong thời chiến và trong thời bình có khác nhau, song tất cả đều vì lợi ích của nhân dân. Đảng bộ Thành phố luôn thể hiện được đặc trưng của chính quyền cách mạng là phục vụ nhân dân, lấy thái độ phục vụ và hiệu quả phục vụ quần chúng làm thước đo phẩm chất của Đảng bộ, của từng cơ sở Đảng, từng đảng viên. Trong tình hình mới, có nhiều chính sách để giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích chung, lợi ích lâu dài, ví như “thu hồi đất” để xây dựng thành phố mới khang trang hơn có thể ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của người dân. Trong trường hợp đó, cần quan tâm, có biện pháp thiết thực kết hợp giải quyết thỏa đáng lợi ích trước mắt của quần chúng trong mức khả năng cho phép. Tránh tình trạng “suy nghĩ của người sống trong lâu đài khác với người ở nhà tranh”. Cố gắng tránh sử dụng “quyền lực” của tổ chức “cầm quyền”. Cần hiểu hơn ai hết: quần chúng hy sinh cho cách mạng thắng lợi, không phải để tái sinh những hình thức đè nén quần chúng, tái sinh dạng quyền thế, quyền lực, cửa quyền, sản phẩm của chế độ áp bức, bóc lột[5]. Trọng dân, vì dân, cái gì khó phải hỏi, phải bàn với dân. Cần thẩm thấu lời dạy của Bác Hồ: Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có dân, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra[6].
Gắn bó mật thiết với quần chúng, tất cả vì lợi ích nhân dân sẽ gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, am hiểu thực tiễn để có quyết sách phù hợp. Do vậy, mọi việc cần sâu sát, biết tập trung vào những điểm nóng, biết chọn điển hình và nhân rộng, phát triển điển hình. Xem xét vấn đề tận nơi, giải quyết tại chỗ, khuyến khích tinh thần trách nhiệm của cấp dưới và quần chúng. Thiết tưởng, thẩm thấu truyền thống và kinh nghiệm này để áp dụng vào những công việc hiện nay ở rất nhiều nơi, là điều tối cần thiết. Giữ vai trò lãnh đạo một thành phố lớn, là đô thị đặc biệt, là trung tâm nhiều mặt và có số dân đông nhất, Đảng bộ luôn hiểu chỗ mạnh, chỗ yếu của mình. Có quần chúng cách mạng có óc sáng tạo, năng động của con người Thành phố công nghiệp, sự gắn bó của Thành phố với cả nước, truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, đường lối của Đảng, Nghị quyết và sự chỉ đạo của Trung ương Đảng là những thế mạnh làm nên truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Thành phố 90 năm. Đó vừa là hành trang, là bài học kinh nghiệm, để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh phát triển cao hơn!
PGS.TS Phan Xuân Biên
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
----------------------------------------------------
[1] Nguyễn Văn Linh. Tuyển tập, T1. Nxb Chính trị quốc gia – sự thật. Hà Nội 2011. Tr.1036.
[2] Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
[3] TPHCM có diện tích bằng 0,6% và dân số chiếm 8,56% so với cả nước, đã đóng góp 21,3% GDP của cả nước; 29,3% tổng thu ngân sách nhà nước; 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58,33% khách du lịch quốc tế; 27,3% kim ngạch xuất khẩu; 26% kim ngạch nhập khẩu; GDP bình quân đầu người/năm 2019 là 6.800 USD, cao hơn 2,3 lần mức bình quân cả nước. (Xem tài liệu Quán triệt, Triển khai thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính Trị (khóa XI) về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Văn phòng Thành ủy. Tr.44.
[4] Lê Khả Phiêu. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một hình ảnh tiêu biểu thể hiện sức mạnh truyền thống Đại đoàn kết dân tộc và ý chí thống nhất non sông. Trong sách: Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh: Con người & văn hóa trên đường phát triển. Nxb Đại học Quốc gia TPHCM 2006. Tr.11.
[5] Nguyễn Văn Linh. Tài liệu đã dẫn. Tr. 1034.
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 6. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2011. Tr.262