Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm được thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn có thế mạnh về các mặt hàng nông, thủy sản.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, EU là một thị trường khó tính, khách hàng luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, xét về tổng thể, Hiệp định EVFTA khi được thông qua sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng thêm hơn 44% vào năm 2030; giúp GDP của Việt Nam tăng từ 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033.
Các ngành sản xuất hàng hóa, thực phẩm chế biến, đặc biệt là thủy sản, cùng với gạo, rau củ, trái cây… đều có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu.
“Trong dự báo của chúng tôi, đến năm 2025, tức khoảng hơn 5 năm nữa thì chúng ta sẽ tăng hơn 40% giá trị xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ tăng ở mức tương ứng như vậy. Doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy mô năng lực sản xuất để đáp ứng thị trường này,” ông Lam nói.
Nhiều năm qua, EU là một trong những thị trường chính của cá tra Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 300 triệu USD.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2018, ba thị trường xuất khẩu cá tra phi lê lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và EU. Sang những tháng đầu năm 2019 thì EU đã vươn lên vị trí thị trường lớn thứ hai của Việt Nam, vượt qua Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Dương Nghĩa Quốc nhận xét, với hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này.
Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0% thì còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.
Theo ông Quốc, với những điều lệ, tính pháp lý rõ ràng của EVFTA, chỉ cần doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thực hiện đúng thì sẽ dễ dàng vào thị trường này. Trên thực tế, trước khi đạt được thỏa thuận từ EVFTA thì doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị trường này rồi. Bằng chứng là số lượng hàng hoá xuất khẩu mỗi năm mỗi tăng thêm.
Vì thế, năng lực tiếp cận thị trường châu Âu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực sẽ càng được chứng minh.
Lãnh đạo một công ty thủy sản tại Khu công nghiệp Sa Đéc, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, vài năm trước, thị trường EU đứng đầu về tiêu thụ sản phẩm cá tra của Việt Nam. Thế nhưng, khoảng ba năm qua, thị trường này sụt giảm đáng kể, từ 35% xuống còn 11% trong tổng doanh số của công ty, đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, năm 2018, doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại thị trường châu Âu tăng lên 17% và trong sáu tháng đầu năm 2019 đã tăng lên hơn 30%.
“Riêng công ty tôi doanh thu xuất khẩu trung bình 90 triệu USD/năm, thì thị trường châu Âu chỉ chiếm khoảng 10%. Vấn đề là con cá tra Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với một loại cá rẻ nhất của châu Âu - là cá tuyết Alaska. Nếu như cá tuyết Alaska giá rẻ hơn thì họ ngưng ăn cá tra, ngược lại thời điểm này cá tuyết Alaska có giá cao hơn nên họ đang nhập cá tra của Việt Nam. Theo kinh nghiệm của tôi đối với thị trường này quan trọng nhất là giá. Thời điểm từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu trong nước sụt giảm, giá xuất khẩu của chúng ta cũng thấp nên châu Âu đang đẩy mạnh mua,” vị lãnh đạo này nói.
Cũng theo lãnh đạo công ty thủy sản này, nếu như Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị đánh thuế tại thị trường châu Âu, khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo "cú hích" cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu, rộng hơn.
“Với những lợi thế ưu đãi của EVFTA thì công ty của tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trở lại thị trường này. Bởi phải chia nhỏ thị trường ra, không nên tập trung ở thị trường một số nước châu Á,” ông cho biết.
Tuy nhiên, đối với thị trường EU, thách thức lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam là chất lượng. Mặc dù giá cá tra xuất khẩu thị trường này không cao, nhưng tiêu chuẩn chất lượng luôn đòi hỏi cao.
Ông Florian J Beranek, Chuyên viên Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM) cho hay, yếu tố tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được khi EVFTA được thông qua là cần tập trung cải thiện vị trí của sản phẩm trong thị trường nội địa trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu ra quốc tế.