Đông đảo người dân đến tham quan và tìm những cuốn sách mình yêu thích tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1). (Ảnh: Daidoanket.vn)(Thanhuytphcm.vn) – Những ngày nghỉ dài, chẳng hạn dịp giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 năm nay, hoặc các ngày nghỉ Tết, nhiều người chọn cách đi du lịch, đi về quê hoặc thăm họ hàng… Khi tạm gác các công việc thường ngày, tạm thời giảm các áp lực tiến độ… chúng ta nên chọn cách đọc sách để thư giãn, kể cả trong thời gian đi du lịch (như lúc trên máy bay, lúc nghỉ chân…). Đó là việc không chỉ để giải trí mà còn để bổ sung kiến thức và bồi bổ những xúc cảm, những suy nghĩ tích cực cho tâm hồn…
Cách đây khá lâu, bản tin Chào buổi sáng của kênh VTV1 có một tiết mục là Mỗi ngày một quyển sách. Mỗi ngày có nhiều quyển sách mới được xuất bản; cho dù duy trì đều đặn hàng ngày thì mỗi năm tiết mục này cũng chỉ giới thiệu được 365 quyển sách, nên chẳng qua là điểm những sách nổi bật mà thôi! Nhưng việc điểm sách còn có nhiều cơ quan truyền thông khác thực hiện. Các báo đều có mục điểm sách ở trang văn hóa văn nghệ để giới thiệu, phê bình những tác phẩm mới, những cây bút mới gắn với một hoặc một số tác phẩm nào đó. Đây cũng là cách làm cho người đọc biết đến tác phẩm và tác giả, từ đó tìm đọc hoặc nghiên cứu thêm, hoặc giới thiệu cho người khác tìm đọc.
Thật ra, công việc của những người thực hiện việc giới thiệu sách có ý nghĩa biết bao! Và tác dụng của mục này cũng không nhỏ. Việc giới thiệu sách không chỉ đọc trước cho bạn đọc để giới thiệu những nét chính hoặc những điểm thú vị nhất, đáng xem nhất cho bạn đọc mà còn thực hiện công tác phê bình, tức là khen, chê, góp ý, gợi mở… Không chỉ vậy, việc giới thiệu còn bằng những hình thức khác phong phú như phỏng vấn tác giả (dịch giả hoặc đại diện nhà xuất bản), một nhà phê bình, một chuyên gia…, để làm cái công việc định hướng cho người đọc quan tâm, tìm đọc và có cách đọc quyển sách đó hiệu quả nhất.
Ngày trước, việc giới thiệu sách có nét đặc sắc. Có tờ báo giới thiệu bằng cách liệt kê một số sách của một số nhà xuất bản đang phát hành (cách gần như quảng cáo); có báo chỉ đơn giản nêu thông tin rằng tòa soạn vừa nhận được những sách tặng của các tác giả sau…; có báo thực hiện việc điểm sách bằng một bài phê bình (thường là khen)… Những cách đó cũng tạo điều kiện để người đọc có thể tìm được cuốn sách mình thích hoặc của tác giả mình thích. Tức là, tờ báo đang làm công việc khuyến khích người đọc báo đi… đọc sách!
Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, người ta có biết bao nhiêu thông tin từ internet, đủ các thể loại, và có thể tiếp cận thông tin, đi đường, ngồi trên xe buýt, lúc chuẩn bị ngủ…, người ta đều có thể đọc được rất nhiều điều, chỉ bằng cách mở điện thoại thông minh hoặc cái máy tính bảng. Bên cạnh đó, cuộc sống hối hả khiến nhiều người thậm chí không còn nhiều thời gian để đọc sách! Nên ngồi giở từng trang sách, cả những đoạn mình không hiểu rõ hoặc không thích đọc thì có thể làm lãng phí thời gian lắm chứ! Hơn nữa, đọc tài liệu trên mạng, đoạn nào thích hoặc cần thiết thì copy lại hoặc in ra, chẳng cần phải mua cả quyển sách, có thể tiện lợi hơn nhiều!
Học sinh đọc sách "Tìm hiểu về Bác Hồ kính yêu" tại thư viện Trường THCS Hiệp Bình, TP Thủ Đức. (Ảnh: HB) Tuy nhiên, đọc sách không chỉ là thói quen, sở thích mà còn là một nhu cầu, một lối sống. Đọc sách để bổ sung kiến thức cho công việc, cho yêu cầu mà cũng một cách rèn luyện khả năng tư duy. Đọc sách thể thỏa mãn tình yêu đối với sách, đối với tác giả, đối với tri thức. Đọc sách thực sự là một cách thư giãn, thực ra rất “lành tính” bởi tính chất “thuần” (không pha tạp, lẫn lộn về phương thức, nội dung…) của nó, bên cạnh nhiều cách thư giãn khác. Đọc sách còn là một phương pháp giáo dục cho con trẻ, trước hết là việc làm gương cho trẻ về tình yêu với sách và lòng ham đọc sách. Đọc sách cũng là một nét văn hóa, bởi từ đọc sách sẽ hình thành tình yêu sách và thúc đẩy tình yêu đó đến nhiều người khác, để góp phần phát triển văn hóa đọc...
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà suốt những ngày chinh chiến, hoàng đế, nhà quân sự người Pháp nổi tiếng Napoléon Bonaparte (1769 – 1821) vẫn không quên mang sách theo bên mình; thậm chí ông còn khoe với đại văn hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832) rằng ông đã đọc vài lần quyển Nỗi đau chàng Werther, tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Goethe. Mục sư nổi tiếng người Mỹ gốc Anh Parker Cadmand (1864 – 1936) có lịch trình làm việc trong ngày là đọc trọn một cuốn sách mới xuất bản, đồng thời ông cũng đọc vài ba tiểu thuyết trinh thám mỗi tuần, trong đó ông đặc biệt thích Sherlock Holmes. Hay nhà văn Mỹ Upton Sinclair (1878 – 1968) trứ danh với cuốn The Jungle mãi 10 tuổi mới được đến trường nhưng trước đó đã biết đọc và đọc hết các tác phẩm của Dickens và Thackeray, lại đọc thêm mấy chục cuốn sách khác, trong đó có phần lớn bộ Bách khoa Từ điển nên học được hai năm thì đủ sức theo ban đại học rồi.
Còn Bác Hồ của chúng ta cũng vậy, chẳng mấy lúc rời quyển sách, từ lúc làm bồi trên tàu buôn cho đến lúc trở thành lãnh tụ; ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, người ta đã tìm thấy cuốn Từ điển Việt Nam – Tây Ban Nha dưới gối nằm của Bác...
Dĩ nhiên với phần lớn chúng ta, mỗi ngày không thể nào đọc được một cuốn sách. Nhưng chúng ta có thể đặt ra mục tiêu mỗi ngày ta đều cố gắng có đọc sách, một vài trang cũng được. Mục tiêu đó giúp chúng ta không quên thói quen đọc sách, không quên được một hoạt động có tính văn hóa và thể hiện một tinh thần say mê học hỏi.
Chẳng biết từ bao giờ có câu “quyển sách gối đầu giường” để chỉ những quyển sách rất cần thiết trong cuộc sống và có thể đọc đi đọc lại đến nỗi phải để ngay ở đầu giường cho dễ lấy, có khi làm gối ngủ luôn! Có thể mỗi người trong chúng ta đều có một quyển gối đầu giường như thế. Chính cuốn sách ấy và kiến thức thâu thái được từ nhiều cuốn sách khác đã góp phần thay đổi cuộc đời của chúng ta theo hướng tích cực hơn!