Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán (Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 12/6, đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tiến hành bỏ phiếu kín phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán. Trước đó, vào sáng 11/6, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thảo luận ở đoàn về nội dung này.
Kết quả kiểm phiếu sẽ được Ban kiểm phiếu báo cáo trong phiên làm việc buổi chiều, sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Cũng trong sáng 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tờ trình của Chính phủ cho thấy, mục đích của việc xây dựng dự án Luật này là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu tán thành với việc ban hành dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ trong việc quản lý xuất, nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế và tạo thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể về các vấn đề tạm hoãn xuất cảnh với người có bản án hình sự, kinh tế, hội đồng cạnh tranh… Cũng có ý kiến cho rằng như việc giải thích từ ngữ còn chung chung, chưa đầy đủ.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) Liên quan đến quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử và kiểm soát tự động xuất, nhập cảnh, nhiều ý kiến cho rằng, việc sản xuất và phát hành để đưa vào sử dụng hộ chiếu điện tử là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay; vừa tạo thuận lợi, nhanh chóng cho công dân trong việc làm thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, khi xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu của Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét cấp thị thực, nhập cảnh các nước. Việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Theo đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), hộ chiếu có gắn chíp điện tử và kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động là vấn đề mới của Việt Nam nhưng phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Đã có trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử. Đây là xu thế toàn cầu, được tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khuyến khích sử dụng hộ chiếu điện tử, do đó, dự thảo luật quy định về hộ chiếu điện tử và công dân quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho người sử dụng hộ chiếu điện tử. Mặt khác, đến nay, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử), do đó cần đẩy nhanh tiến độ để khi luật được thông qua là có thể phát hành được hộ chiếu điện tử.
Nhiều nội dung khác liên quan đến các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, tạm hoãn xuất nhập cảnh… cũng được đại biểu quan tâm thảo luận. Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng khoản 3 điều 28 quy định người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế, quyết định của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Hội đồng trọng tài thì bị tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết, nhưng có phần hơi mở rộng, cần quy định gọn hơn.