Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “học tập Bác” đến với công chúng

Các thành viên tham gia đợt quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “học tập Bác”

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 1/11, Nhà hát Kịch TPHCM tổ chức gặp mặt báo chí thông tin đợt biểu diễn tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong năm 2023.

30 suất diễn 6 tác phẩm chọn lọc

Theo đó, đợt diễn sẽ diễn ra trong 2 tháng 11 và 12/2023 với 30 suất diễn giới thiệu, quảng bá 6 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao, có nội dung thiết thực về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 6 tác phẩm được chọn quảng bá đợt này, gồm có: múa Huyền thoại rừng Sác, kịch múa Tổ quốc, kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung, kịch Cánh đồng rực lửa, kịch Rặng trâm bầu, và kịch thiếu nhi Đại náo long cung.

Trong đó, tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (biên đạo: Huỳnh Quang Trí) được Đoàn Văn công Quân khu 7 thực hiện tái hiện những chiến công anh hùng của các chiến sĩ “đặc công rừng Sác” một thời gây khiếp vía quân thù.

Kịch múa Tổ quốc (biên đạo: NSƯT Tạ Thùy Chi - NSND Hà Thế Dũng - Lương Xuân Thành) do các nghệ sĩ Trường trung cấp Múa TPHCM thực hiện và biểu diễn. Vở gồm 4 phần: “Dấu ấn thời gian”, “Bên kia vĩ tuyến”, “Cuộc chiến nội đô” và “Khúc khải hoàn” là những lát cắt về những thời khắc bi hùng của dân tộc trải dài từ nỗi đau chia cắt năm 1954 đến ngày non sông thu về một mối: 30/4/1975.

Cuộc hành trình tìm bức chân dung (kịch bản: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn) có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên: Thanh Tuấn, Thái Kim Tùng, Hoàng Tấn, Tuấn Nghĩa… Tác phẩm nói về tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác Hồ của Nhà hát Kịch TPHCM, vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM vinh danh giải A khối chuyên nghiệp giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM đợt 1, giai đoạn 2021 – 2025.

Vở kịch Cánh đồng rực lửa (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) của Sân khấu Kịch Quốc Thảo ra mắt nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vở khắc họa sâu sắc sự khốc liệt của chiến tranh cùng tấm lòng kiên trung, quả cảm của người dân Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đối với cách mạng, với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Vở kịch Rặng trâm bầu (kịch bản: Vũ Trinh - Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi) của Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi tái hiện cuộc đời một nguyên mẫu có thật là Liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp ở Cai Lậy, Tiền Giang – một đại diện tiêu biểu trong muôn vàn người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Thay vì mang Dấu xưa hay Điều ước thiêng liêng – những tác phẩm từng đạt giải cao trong các đợt vận động sáng tác chủ đề “học tập Bác”, NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B – mong muốn đưa vở kịch thiếu nhi Đại náo long cung (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) đến với đợt diễn này. Theo NSƯT Mỹ Uyên, việc nuôi dưỡng thế hệ khán giả kế thừa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền sân khấu vững mạnh.

Chung tay lan tỏa

Đây là đợt biểu diễn quảng bá đầu tiên được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM chủ trì thực hiện, giao Nhà hát Kịch TPHCM giữ vai trò kết nối, tổ chức biểu diễn. Phó Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM Trần Quý Bình cho biết, dù cuối năm bận rộn, công tác tổ chức gấp rút nhưng chương trình được sự hưởng ứng tích cực không chỉ của các đơn vị công lập mà cả các sân khấu xã hội hóa với mong muốn mang thêm nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng đến với công chúng, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Vở kịch Cuộc hành trình Tìm bức chân dung sẽ mở đầu đợt quảng bá với suất diễn vào ngày 12/11 tại Trung tâm Văn hóa Quận 8 Vở kịch Cuộc hành trình Tìm bức chân dung sẽ mở đầu đợt quảng bá với suất diễn vào ngày 12/11 tại Trung tâm Văn hóa Quận 8

Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lâm Hữu Đức cho biết, giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức từ năm 2008 với hàng trăm tác phẩm đoạt giải đủ thể loại. Những năm qua, TPHCM bằng nhiều nguồn, nhiều cách nỗ lực hỗ trợ các đơn vị biểu diễn, quảng bá tác phẩm. Dù chưa thể đáp ứng được hết nguyện vọng của các đơn vị nhưng TPHCM xác định đây là việc quan trọng cần kiên trì và đã thành lập ban chỉ đạo quảng bá các tác phẩm “học tập Bác” chất lượng.

“Nối tiếp đợt diễn này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng đang tham mưu chương trình quảng bá trong năm 2024 với dự kiến 19 tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có 2 vở sân khấu là Cuộc hành trình tìm bức chân dungCâu hò đất mẹ” - đồng chí Lâm Hữu Đức cho biết.

Đồng chí Lâm Hữu Đức cho rằng việc giới thiệu, tuyên truyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng góp phần nâng cao “món ăn tinh thần” của người dân không chỉ dừng lại ở nỗ lực của cơ quan, đơn vị nào mà cần sự chung tay đồng bộ của cả hệ thống chính trị - xã hội và phát huy trách nhiệm công dân của các văn nghệ sĩ, của mỗi người trong chúng ta. “Vừa có sự quan tâm của lãnh đạo, vừa có sự nỗ lực, chủ động của các đơn vị nghệ thuật, và góp tiếng nói lan tỏa của báo chí, truyền thông sẽ giúp công tác quảng bá hiệu quả hơn trong thời gian tới” – đồng chí Lâm Hữu Đức khẳng định.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo