NSND Giang Mạnh Hà cho rằng cần quan tâm đến đối tượng nhạc công biểu diễn(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/6, tại TPHCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) đã tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTT-DL) Nghiêm Thị Thanh Nguyệt đã trình bày báo cáo quá trình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, việc ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 89 và Nghị định số 40, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật (VHNT), góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực VHNT nói riêng.
Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 89; Nghị định số 40. Đáng chú ý, dự thảo Nghị định bổ sung thêm đối tượng mới “người sáng tạo tác phẩm VHNT” (đây là đối tượng mới được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022).
Để việc quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với đối tượng người sáng tạo tác phẩm VHNT phù hợp với từng loại hình của từng chuyên ngành, tháng 3/2023, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, đề nghị báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng người sáng tạo tác phẩm VHNT thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực VHNT của từng đối tượng…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến bàn thảo tập trung vào nội dung mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu trong dự thảo, gồm nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ khi đưa vào quy tặng xét tặng danh hiệu, vì hai đối tượng được dự thảo đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu là nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia là đối tượng xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, nên nếu đưa vào xét danh hiệu NSND, NSƯT e rằng không phù hợp, cần phân định không rõ nếu không dễ dẫn đến chồng chéo. Tuy nhiên, các ý kiến khác cho rằng việc mở rộng các đối tượng này phù hợp với quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng là hợp lý, để không bỏ sót đối tượng, đồng thời kịp thời tôn vinh, động viên những người sáng tạo nghệ thuật.
Bên cạnh đó, các quy định về quy đổi huy chương cũng được các đại biểu quan tâm, việc quy đổi phải mang tính hợp lý cho đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật và khuyến khích sáng tạo. NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết không đồng ý đưa đối tượng mới gọi là “sáng tạo văn hóa” đề xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, bao gồm nhạc sĩ sáng tác và nhiếp ảnh gia. “Chúng ta cần quan tâm đến lực lượng nhạc công tại các đơn vị chuyên nghiệp, không chuyên và cơ sở. Nhạc công là những người trực tiếp diễn tấu. Họ cống hiến thầm lặng cả đời mà vẫn chưa có giải thưởng, danh hiệu gì để tôn vinh, tôi cho rằng lực lượng này cần trao tặng NSƯT, NSND” – NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại hội nghịVề tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, tại điểm a khoản 4 Điều 8 dự thảo Nghị định quy định có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (giải tập thể), trong đó có 1 giải Vàng cá nhân, nhiều đại biểu cho rằng nếu quy định như thế này thì không đủ sức thuyết phục và xứng tầm tài năng của NSND. Do đó cần quy định ít nhất phải có 2 giải Vàng cá nhân. Tương tự, tại điểm b khoản 4 Điều này, quy định trong trường hợp không có 1 giải Vàng cá nhân, có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (giải tập thể), có ý kiến cho rằng nên bỏ tiêu chí này vì không thuyết phục. “Ở tầm NSND rất khác, rất cao quý. Nếu anh chưa phấn đấu xứng tầm các huy chương Vàng cá nhân thì cũng không thể được xét danh hiệu NSND. Tuy nhiên lúc này anh vẫn là NSƯT, đây cũng là một vinh dự lớn, vinh danh của Đảng và Nhà nước rồi. Nên tôi đề nghị bỏ mục này” - NSND Giang Mạnh Hà nêu ý kiến.
Tại hội nghị, lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật mong muốn được Bộ VHTT-DL nâng cấp giá trị giải thưởng của các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức, như Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nhạc sĩ và Hội Sân khấu Việt Nam. Nếu như trước đây quy định giải Vàng các cuộc thi, liên hoan do các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức, được quy đổi bằng 2/3 giải Vàng các cuộc thi, liên hoan của Bộ VHTTDL, thì nay được nâng lên tương đương…
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT-DL) Phạm Cao Thái, cho hay, trên cơ sở các ý kiến góp ý, ban soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khoa học, khả thi, hiệu quả, bám sát thực tế để tôn vinh những nghệ sĩ, đồng thời vẫn phải đảm bảo bảo các quy định.