Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Dòng thơ giữa phố - một dòng chảy văn hóa và tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm mỹ

Các câu lạc bộ dựng lều thơ tại khuôn viên Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 4/2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tọa đàm “Dòng thơ giữa phố” trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2023. Tọa đàm có sự tham dự của Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Nguyễn Trường Lưu; Chủ tịch Hội Nhà văn TP Trịnh Bích Ngân cùng đông đảo nhà thơ và các bạn trẻ yêu thích thơ.

Tọa đàm “Dòng thơ giữa phố” được chọn làm hoạt động chính thức mở màn cho Ngày Thơ Việt Nam 2023 tại TPHCM, với mong muốn thông qua tọa đàm để nhận diện sức sống thi ca ở đô thị lớn nhất phương Nam.

Thi ca TPHCM đa đạng vì sự hội tụ và dung nạp. Từ năm 1975 đến nay, TPHCM có nhiều thế hệ nhà thơ xuất thân khác nhau cùng sinh sống và sáng tác: Thế hệ nhà thơ đã thành danh tại TPHCM, thế hệ nhà thơ trở về từ chiến khu, thế hệ nhà thơ di cư từ miền Bắc và miền Trung, thế hệ nhà thơ trong phong trào đấu tranh học sinh - sinh viên, thế hệ nhà thơ của lực lượng thanh niên xung phong, thế hệ nhà thơ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất...

Lực lượng sáng tác thơ tại TPHCM được bổ sung và tiếp nối thường xuyên, tạo ra một dòng chảy văn hóa và tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm mỹ. Thế nhưng, điều đáng tiếc là thành tựu thơ TPHCM vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá đúng mức, bằng các công trình nghiên cứu công phu của những nhà phê bình đích thực.

Tại tọa đàm, cô giáo, nhà thơ Nguyệt Thu bày tỏ sự quan tâm đến dòng thơ dành cho thiếu nhi hiện nay. Theo nhà thơ Nguyệt Thu đối với các em trong độ tuổi đến trường, các em được tiếp xúc nhiều văn bản thơ trong sách giáo khoa, trong các hoạt động văn nghệ, hoạt động “Viết văn hay - rèn chữ đẹp” của nhà trường để giúp các em thêm yêu Tiếng Việt, có thêm niềm vui, niềm lạc quan, yêu đời và quan trọng là giáo dục các em tình cảm yêu thương gia đình, bạn bè, thầy cô... Từ đó, các vần thơ cũng góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống trong dòng thơ dành cho thiếu nhi hiện nay. Do vậy, theo nhà thơ Nguyệt Thu, để các em học sinh yêu thích thi ca, cần có nhiều đề tài mới, hay hơn cho dòng thơ thiếu nhi, đặc biệt thơ cho thiếu nhi phải gần gũi, là tiếng nói của các em.

Với dòng thơ nữ hiện nay đang định hình chỗ đứng của mình trên văn đàn, nhà thơ Ngô Thị Hạnh nhìn nhận nội dung thơ nữ thế hệ 8X ở TPHCM cũng không quá khác biệt so với thế hệ trước nhưng cách thể hiện trẻ trung hơn, gần với giới trẻ và sinh viên hơn nên được đón nhận. Và để cho độc giả đón nhận dòng thơ nữ nhiều hơn nữa, cần có sự tiếp sức từ hội nghề nghiệp, từ các đơn vị xuất bản dành cho thơ nữ để in, phát hành tập thơ đến độc giả.

Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín cho rằng, TPHCM là thành phố luôn trẻ. Trẻ không chỉ ở sự liên tục vận động phát triển cơ hữu của nó, mà còn ở sự cập nhật, khuyến khích, cởi mở của văn chương thành phố với thơ trẻ. Vì văn chương thành phố luôn chấp nhận mọi sự tiềm tòi, khám phá, lối viết mới đối với những người làm thơ trẻ. Tôi cho rằng đây là một điều rất quan trọng để văn chương phát triển. Và tính cởi mở của văn chương thành phố còn nằm ở sự tương trợ của nó. Các khuynh hướng sáng tác chưa bao giờ đối kháng nhau, mà nó dung nạp và bổ trợ cho nhau, tạo nên một tổng thể đầy tiềm năng.

Nhà thơ Xuân Trường cho rằng, thơ là nguồn lực động viên tinh thần cho đời sống cư dân, thúc đẩy sự đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Phong trào thơ ca của các câu lạc bộ rất hồn nhiên và trong sáng, không hề vướng bận danh lợi thị phi, nên rất sinh động và bền vững. Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng nghệ thuật ở các câu lạc bộ thơ rất được chú trọng. Một số câu lạc bộ đã mời các diễn giả nói chuyện chuyên đề về ngôn ngữ nghệ thuật, thi pháp cũng như về các hiện tượng thơ trên thi đàn.

Nhìn chung, hoạt động thơ của các câu lạc bộ trên địa bàn TPHCM rất đáng khuyến khích, vì những âm thanh bình dị từ đời sống của phố phường được xuất hiện. Đồng thời, hoạt động của các câu lạc bộ thơ cũng rất cần sự quan tâm của tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà văn TPHCM.

Nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày Thơ Việt Nam 2023, 24 câu lạc bộ tham gia dựng 28 lều thơ. Bám sát chủ đề “Khát vọng phương Nam”, các câu lạc bộ sẽ trình bày các lều thơ một cách sáng tạo, đa dạng để thu hút khách thưởng lãm, thưởng thơ, nghe thơ. Quanh các lều thơ là poster chân dung và thơ tự chọn của các nhà thơ tham gia Ngày thơ. Từ chiều đến tối ngày 4/2, các câu lạc bộ tham gia trình diễn văn nghệ, giao lưu, trình diễn thơ.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo