Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đồng chí Võ Văn Kiệt với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định kinh tế - xã hội ở TPHCM những năm đầu sau giải phóng

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Định ở quận 10 TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Là người con của quê hương Vĩnh Long, tham gia phong trào Thanh niên Phản đế từ năm 1938 khi mới 16 tuổi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trải qua nhiều chặng đường cách mạng với nhiều cương vị khác nhau và ở bất kỳ nhiệm vụ công tác nào, đồng chí cũng để lại những dấu ấn đậm nét bởi những cống hiến có ý nghĩa và giá trị của mình. Trong đó, quãng thời gian giữ trọng trách tại Đảng bộ và chính quyền thành phố Sài Gòn – Gia Định, TPHCM đã ghi dấu những đóng góp quan trọng của đồng chí đối với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định kinh tế - xã hội ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung những năm đầu sau giải phóng.

Bài viết điểm lại một số sự kiện theo trình tự thời gian – không hẳn là những sự kiện tiêu biểu – nhằm làm rõ vai trò và đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt ở các cương vị: Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định (4/1975 – 1/1976); Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng TPHCM (1/1976 – 4/1977); Bí thư Thành ủy TPHCM (5/1977 – 12/1981).

Ở cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng thành phố (từ tháng 4/1975 đến tháng 4/1977)

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bước vào giai đoạn quyết định, ngày 10/4/1975 Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành chỉ thị về công tác tiếp quản và thành lập Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định gồm 11 thành viên, trong đó, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch, phụ trách công tác tiếp quản. Hơn 8 tháng sau, ngày 20/1/1976 Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành quyết định công nhận Ủy ban Nhân dân cách mạng TPHCM[1], do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch.

Tình hình thành phố Sài Gòn – Gia Định ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh khái quát: “Thành phố được giải phóng nhanh có nghĩa là sự chuẩn bị quản lý thành phố của chúng ta chưa đầy đủ…; về mặt quản lý xã hội nhất là vào buổi đầu thì lại là một bài toán hóc hiểm, nếu không có biện pháp đối phó tốt thì khó mà giữ vững an ninh và ngăn ngừa bạo loạn; lại phải lo cái ăn, lo điện nước cho một thành phố đông đến 4 triệu người… Và trên tất cả, chúng ta chưa có kinh nghiệm quản lý một thành phố công nghiệp lớn”[2].

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã nỗ lực hoàn thành các lĩnh vực công tác – như phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng thành phố (ngày 24/1/1976): “Ý thức được vấn đề hàng đầu và cơ bản của cách mạng là vấn đề chính quyền, sau khi giải phóng, đi liền với việc đập tan bộ máy chính quyền cũ và truy quét tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, chúng ta đã khẩn trương xây dựng và từng bước củng cố chính quyền cách mạng các cấp, nhất là ở cơ sở, thông qua các cuộc phát động quần chúng và các cuộc đấu tranh loại trừ những phần tử xấu chui vào bộ máy chính quyền cách mạng. Đến nay, hệ thống chính quyền cách mạng đã được hình thành, hoàn chỉnh và củng cố ở tất cả các cấp, từ thành phố đến cơ sở. Chính quyền cách mạng, với Ủy ban Quân quản thành phố và Ủy ban Nhân dân cách mạng các cấp, vừa ra đời, tuy còn gặp nhiều khó khăn về bộ máy, cán bộ, đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ tiếp tục truy quét tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng phá hoại hiện hành và tổ chức giáo dục, cải tạo hằng mấy chục vạn binh lính, sĩ quan của chế độ cũ tan rã tại chỗ, từng bước quét tàn dư văn hóa phản động và đồi trụy, giải quyết một mức tệ nạn xã hội do địch để lại (như du đãng, lưu manh, trộm cướp, gái mại dâm, xì ke, ma túy, cô nhi, bụi đời, người ăn xin…). Chúng ta đã từng bước ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo đảm các sinh hoạt và hoạt động bình thường của nhân dân thành phố, đưa tình hình thành phố đi vào chiều hướng ngày càng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc từng bước ổn định đời sống quần chúng, bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố”[3].

Cũng từ thời điểm này, với cương vị người đứng đầu bộ máy chính quyền thành phố, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn có mặt ở những “điểm nóng” của một đô thị lớn nhất, đông dân nhất; là địa bàn được xem là năng động nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là nơi ẩn chứa những vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, văn hóa…

Đáp ứng yêu cầu cải tạo và xây dựng lại thành phố, nhằm khơi dậy và phát huy sức lực, trí tuệ của lực lượng thanh niên, ngày 15/3/1976, Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 06, phát động “Phong trào thanh niên lao động tình nguyện khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu đẹp”. Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Thành ủy, ngày 28/3/1976, Thành Đoàn tổ chức trọng thể “Ngày hội thanh niên ra quân lao động sản xuất” tại sân vận động Thống Nhất, với sự góp mặt của hơn 20.000 đoàn viên thanh niên các quận nội, ngoại thành, các cơ quan, xí nghiệp, các lực lượng vũ trang... Đến dự và phát biểu tại ngày hội, đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định: “Thành ủy và Ủy ban, ngay từ buổi đầu tiên này, xin ra quân cùng với các bạn và các em, trực tiếp tham gia lao động chia nguồn vui mới với tuổi trẻ hăng say lao động của thành phố chúng ta”. Đồng chí kêu gọi: “Thanh niên miền Nam, thanh niên thành phố ta, một khi nhận rõ con đường đi của mình, nhất định sánh kịp bước tiến của thanh niên cả nước, nhất định vươn lên hàng đầu trong phong trào lao động mới… Muốn cho vững chí bền lòng, các em và các bạn nên nhớ đến ý nghĩa của việc mình làm. Đó là một việc làm lợi dân, ích nước, thiết thực góp phần cứu sống thành phố chúng ta, không những rèn luyện bản thân mình, mà còn góp phần nêu gương cho bạn trẻ đông đảo đang còn chưa hiểu, lôi cuốn họ đến với chúng ta… Hãy quyết tâm xây dựng mỗi công trường thành một trường học thật sự của tinh thần tập thể đầy thân ái, của lao động tập thể trên cơ sở kỷ luật tự giác, một trường học về sự giác ngộ chính trị, về đầu óc tổ chức, và phát triển nhân cách con người, về trau dồi tất cả những quan điểm mới và năng lực mới mà mỗi người thanh niên xây dựng xã hội mới cần có”[4]. “Nhiệt huyết Võ Văn Kiệt” đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến đông đảo thanh niên thành phố, “Ngày hội thanh niên ra quân lao động sản xuất” trở thành ngày thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM và Võ Văn Kiệt trở thành “thần tượng” của Thanh niên xung phong, là người bạn lớn của tuổi trẻ thành phố.

Khoảng một tuần sau Ngày hội thanh niên ra quân lao động sản xuất, một sự kiện tưởng như rất bình thường đã cho thấy rõ hơn “phong cách Võ Văn Kiệt” trong chỉ đạo công tác: ngày 7/4/1976, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng thành phố Võ Văn Kiệt chủ trì hội nghị chuyên đề nhằm tìm biện pháp giải quyết nạn ô nhiễm dòng nước từ cầu Tham Lương ra rạch Bến Cát (thuộc các quận Tân Bình, Hóc Môn, Gò Vấp) theo nguyện vọng của bà con nông dân trong vùng. Để chuẩn bị cho hội nghị, ngày 4/4/1976 đồng chí Võ Văn Kiệt đã đến tận nơi quan sát tình trạng ô nhiễm của dòng kênh do chất thải của một số nhà máy. Tại hội nghị, những khía cạnh phức tạp của vấn đề đã được phân tích thấu đáo, sát hợp với thực tế và đi đến thống nhất các giải pháp thực hiện theo nguyên tắc: một mặt bảo vệ sức khỏe của đồng bào trong vùng và khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp ven bờ sông, mặt khác bảo đảm yêu cầu sản xuất của các nhà máy[5].

Ngày 8/4/1976, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục chủ trì hội nghị chuyên đề “Gỡ, hủy mìn trái để lấy đất canh tác”. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí khẳng định: Thành ủy coi đây là một mặt trận như nhiều mặt trận khác, thậm chí đây là mặt trận khó khăn nhất, gian khổ nhất, phức tạp nhất mà chúng ta phải quyết thắng. Chúng ta cố hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, nhưng có khi cũng phải sẵn sàng hy sinh để khắc phục hậu quả chiến tranh, để nhân dân có đất canh tác… Phải tập trung chỉ đạo chỉ huy trực tiếp, sâu sát, tại chỗ, kịp thời giải quyết những trường hợp phức tạp; đồng thời phải có chính sách đúng đối với những người có công trong việc gỡ, hủy mìn, trái[6].

Trong các ngày 16/4, 18/4 và 20/4/1976, đồng chí Võ Văn Kiệt đều có mặt ttại các buổi “Lễ tiến quân vào mặt trận sản xuất” của Đoàn tình nguyện lao động Mặt trận Dân tộc giải phóng TPHCM, của giới văn nghệ sĩ thành phố, của Lực lượng vũ trang thành phố. Những lời kêu gọi tâm huyết của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng thành phố được đón nhận và hưởng ứng nhiệt thành. Không chỉ tham dự lễ tiến quân, đồng chí còn cùng anh chị em văn nghệ sĩ lên công trường trực tiếp tham gia lao động[7].

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, ngày 27/4/1976, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng thành phố đến thăm Xưởng Dệt len sợi Sài Gòn, Xưởng quốc doanh Dệt 2P, Xưởng Cơ khí Khánh Hội và Xí nghiệp tư doanh Dệt thảm len quận 4. Đồng chí đặc biệt quan tâm việc tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy phục hồi và phát triển sản xuất, giải quyết tại chỗ những khó khăn của mỗi cơ sở, lưu ý lãnh đạo các đơn vị chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khỏe cho công nhân (như tìm cách giảm tiếng ồn, giảm nhiệt độ nơi sản xuất, thu xếp chỗ nghỉ trưa...). Tại Xưởng cơ khí Khánh Hội, đồng chí nêu vấn đề tập hợp lực lượng trí thức có kiến thức và kinh nghiệm, có nhiệt tâm cống hiến, tạo cơ hội cho họ đem tài năng của mình phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước; đồng thời khuyến khích các nhà tư doanh công nghiệp, chăn nuôi khôi phục và phát triển sản xuất, góp phần xây dựng đất nước[8].

Ngày 11/5/1976, đông đảo văn nghệ sĩ thành phố tham dự cuộc hội thảo chủ đề “Sáng tác để phục vụ nhân dân và Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”. Phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng thành phố Võ Văn Kiệt tại hội thảo để lại ấn tượng sâu sắc, khi đồng chí bộc bạch: “Để tạo cho mọi người đều có công ăn việc làm, trên cơ sở đó ổn định một cách căn bản và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời góp phần cải thiện mọi mặt tình hình của thành phố, lối ra duy nhất và biện pháp mấu chốt là phải động viên và tổ chức cho hàng triệu nhân dân hiện không có công ăn việc làm hoặc làm những nghề không cần thiết cho nhu cầu xây dựng thành phố đi lao động sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng vành đai xanh, vành đai lương thực, thực phẩm ven thành phố và xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, làm giàu cho Tổ quốc. Để làm được công việc to lớn và khó khăn trên, cần có sự đóng góp tích cực của mọi người, mọi ngành, mọi giới, trong đó có đóng góp của anh chị em văn nghệ sĩ. Đóng góp đó hết sức rất quan trọng, bởi nó góp phần cổ vũ hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người hăng say lao động sản xuất, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, ấm no hạnh phúc. Chính vì vậy, anh chị em văn nghệ sĩ cần khẩn trương chuẩn bị và suy nghĩ mình sẽ viết cái gì, sáng tác cái gì để thiết thực phục vụ cho bước đi lên của thành phố. Anh chị em đã tích cực tham gia phong trào lao động sản xuất như vừa qua là rất tốt, nhưng Đảng yêu cầu và đòi hỏi anh chị em phục vụ phong trào lao động sản xuất, xây dựng thành phố giàu mạnh bằng khả năng và chức năng của văn nghệ sĩ, nghĩa là bằng sáng tác và lao động nghệ thuật. Đảng và chính quyền cách mạng sẽ cố gắng để tạo điều kiện cho anh chị em văn nghệ sĩ phát huy nhiệt tình và khả năng của mình phục vụ cho sự nghiệp chung đó, kể cả giải quyết khó khăn trong đời sống của anh chị em. Dĩ nhiên, chắc anh chị em cũng biết và thông cảm là đất nước ta còn nhiều khó khăn, những khó khăn của anh chị em cũng nằm trong khó khăn chung đó”[9].

Ngày 20/5/1976, Hội nghị bàn biện pháp đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản của thành phố được tổ chức giữa bộn bề phức tạp, khó khăn. Tại hội nghị, tầm nhìn và phong cách Võ Văn Kiệt thể hiện rõ qua các ý kiến sâu sắc: “Đừng làm theo kiểu khi còn ở trong rừng, xây dựng bây giờ phải có quy hoạch chung, lâu dài để khỏi phải thay đổi về sau”; “Xây dựng mới phải có tính quy mô, hiện đại, nhưng vài năm trước mắt cần làm sao cho đỡ tốn kém, làm nhanh”; “Yêu cầu của công tác xây dựng cơ bản là phải làm thế nào sử dụng hợp lý nhất các cơ sở sẵn có…, làm sao cho phù hợp với điều kiện ta còn nhiều khó khăn”; “Phải phân bố lại, quy hoạch lại, bất cứ cơ quan hay tư nhân đều không được làm trở ngại cho việc quy hoạch lại thành phố một cách hợp lý”; “Cần nghiên cứu quy định quản lý xây dựng cơ bản một cách tập trung, thống nhất, đồng bộ và hợp đồng giữa các cơ quan cho thật chặt”…[10].

Để giải quyết những yêu cầu cấp thiết cho thành phố, đồng chí Võ Văn Kiệt còn trực tiếp đến các địa phương Nam Bộ thiết lập quan hệ công tác. Ngày 4/12/1976, đồng chí cùng cán bộ Sở Thương nghiệp, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá thành phố về Kiên Giang tìm hiểu tình hình và hợp lực cùng tỉnh bạn giải quyết tại chỗ vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất và lưu thông, đảm bảo cung cấp cá biển ngày càng nhiểu và ổn định cho nhu cầu của người dân thành phố. Không chỉ làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí còn xem xét thực tế một số cơ sở sản xuất nước đá và sửa chữa tàu thuyền, tiếp xúc với một số chủ tàu đánh cá để nắm bắt thực tế công việc, từ đó đưa ra những quyết định hợp lý hợp tình. Chẳng hạn: thành phố có thể giúp tỉnh Kiên Giang khôi phục một số xí nghiệp quốc doanh sản xuất nước đá, giúp xây dựng kho lạnh để chứa đá và giúp đóng các tàu lạnh từ 50 đến 100 tấn; cần động viên các chủ tàu cá ở Kiên Giang thấy rõ triển vọng to lớn của nghề đánh cá, yên tâm duy trì và tiến tới mở rộng sản xuất theo hướng phù hợp; cần thiết lập bộ máy mạnh để chỉ đạo tốt ngành thủy sản; tăng cường cấp ủy, cán bộ, đảng viên cho một số ngành kinh tế rất then chốt của tỉnh Kiên Giang…[11].

Chủ tịch Cu ba Fidel Castro trao tặng Huân chương Josse Marti cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cu Ba ngày 7/7/1993. Chủ tịch Cu ba Fidel Castro trao tặng Huân chương Josse Marti cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cu Ba ngày 7/7/1993.

Quan tâm lắng nghe ý kiến của quần chúng, sâu sát với nhân dân, trong thư gửi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ở các phường, xã và các cơ quan, đơn vị cấp quận, cấp thành (ngày 11/12/1976), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Kiệt nêu rõ: “Qua phong trào quần chúng góp ý kiến vào bản Đề cương Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, quần chúng đã có những nhận xét và đánh giá cán bộ, đảng viên chúng ta rất khách quan, công bằng, chí tình chí nghĩa, đánh giá cao đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta… Tuy nhiên, quần chúng cũng đã thẳng thắn đóng góp về những thiếu sót, nhược điểm, nêu lên những hiện tượng sai phạm cụ thể, đang có chiều hướng phát triển và có mức nghiêm trọng, tập trung ở những cán bộ có chức, có quyền, hoặc có vũ khí. Những phản ảnh kêu ca của quần chúng chủ yếu ở hai mặt: thứ nhất, tình trạng mất dân chủ và vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân, nhất là ở cơ sở; thứ hai, tình hình đời sống khó khăn do sự thiếu công bằng của cán bộ có chức, có quyền. Rất nhiều ý kiến quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên ta còn hống hách khinh thường quần chúng, không dựa vào quần chúng, không quan tâm đến đời sống quần chúng, nhiều cán bộ mất phẩm chất… Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải thấy xót xa, đau lòng trước các sự việc đã xảy ra và chúng ta phải nghiêm túc chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về các khuyết điểm và tác hại nghiêm trọng trên đây”[12].

Ở cương vị Bí thư Thành ủy (từ tháng 5/1977 đến tháng 12/1981)

Từ ngày 19 đến ngày 30/4/1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM lần thứ nhất (vòng 2) được triệu tập. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 1977-1980 gồm 49 ủy viên, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Bí thư Thành ủy. Với vai trò người lãnh đạo cao nhất của thành phố, đồng chí tiếp tục để lại những dấu ấn sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, tầm quan trọng của bộ máy chính quyền và mối quan hệ Đảng - chính quyền, tại hội nghị ngày 12/6/1977 do Ủy ban Nhân dân thành phố triệu tập nhằm kiểm điểm việc thực hiện các bước chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân phường, xã, thị trấn, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt khẳng định: “Hội đồng Nhân dân ở cơ sở là cơ quan quyền lực trực tiếp của nhân dân, cơ quan trực tiếp giải quyết lợi ích thiết thực nhiều mặt trong đời sống hàng ngày của nhân dân, do vậy cần tập trung nỗ lực cao nhất làm cho cuộc bầu cử sắp tới đạt kết quả tốt… Hai yêu cầu mà cuộc bầu cử phải thực hiện cho được là: làm cho đồng bào quan tâm chọn lựa, cân nhắc, bầu những đại biểu xứng đáng nhất vào chính quyền nhân dân ở cơ sở; đồng thời qua việc tham gia bầu cử, phát động nhân dân xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở cơ sở[13].

Từ ngày 11 đến 14/7/1977, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Kiệt, Hội nghị Thành ủy lần thứ 2 (khóa I) ban hành hai nghị quyết về “Phát động phong trào cần kiệm xây dựng đất nước, xây dựng thành phố, xây dựng nề nếp quản lý lao động, vật tư, tiền vốn, chống lãng phí, tham ô, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, làm ăn phi pháp thoái hóa biến chất”; và về “Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, chống quan liêu, giấy tờ, cửa quyền, giảm bớt phiền hà cho nhân dân trong công tác quản lý và phục vụ của các cơ quan nhà nước, giảm bớt hội họp để cán bộ đi sâu sát dân, sâu sát cơ sở”. Đây thực sự là những nghị quyết đáp ứng kịp thời và thiết thực yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trên địa bàn thành phố cũng như nguyện vọng chính đáng của người dân thành phố.

Không chỉ tập trung chỉ đạo quyết liệt những vấn đề cấp thiết, mang tính chất “nước sôi lửa bỏng”, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt còn quan tâm thích đáng đến một số lĩnh vực chưa được chú ý đúng mức trong bối cảnh đất nước nói chung và thành phố nói riêng lúc bấy giờ. Ngày 26/9/1977, Thành ủy triệu tập Hội nghị bàn về công tác khoa học kỹ thuật với sự tham dự của Bí thư Thành ủy, đại diện Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước cùng gần 200 cán bộ khoa học kỹ thuật đại diện cho các ngành, trường học, cơ quan nghiên cứu của thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; đóng góp nhiều ý kiến vào bản dự thảo Đề cương của Thành ủy về xây dựng mục tiêu, phương hướng, chủ trương về công tác khoa học kỹ thuật của thành phố đến năm 1980, nhằm tập hợp và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức.

Tại hội nghị cán bộ chủ chốt các quận, huyện, ban, ngành, sở, đoàn thể (từ ngày 13 đến 16/11/1977) bàn phương hướng, biện pháp phát triển nông nghiệp ngoại thành trong ba năm 1978-1980, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Nông nghiệp ngoại thành có rất nhiều lợi thế, song tự nó tuyệt đối không tạo ra thắng lợi, mà đòi hỏi phải được tổ chức”. Đồng chí yêu cầu tập trung mọi nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền để chỉ đạo tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện, nhằm phát huy triệt để thế mạnh của nông nghiệp ngoại thành[14].

Ngày 31/12/1977, dự lễ khởi công xây dựng khu kinh tế mới của TPHCM tại huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang), đồng chí Võ Văn Kiệt nêu rõ quan điểm xây dựng khu kinh tế mới: “Chúng ta phải chuẩn bị về cơ sở vật chất xong, rồi mới đưa đồng bào đến lập nghiệp. Khi đồng bào đến, đã có chỗ ăn ở tươm tất, có đất sản xuất và trồng trọt”. Đồng chí cũng nhấn mạnh vấn đề phát huy sức mạnh tổng hợp của thành phố, để xây dựng nhanh và tốt hơn nữa cơ sở vật chất bước đầu cho các vùng kinh tế mới[15].

Ngày 9/1/1978, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật thành phố, kéo dài trong 4 ngày. Tham dự hội nghị có 850 đại biểu trí thức có trình độ trên đại học, được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang công tác tại các cơ quan, xí nghiệp địa phương và trung ương đóng tại thành phố; cùng các đoàn đại biểu Việt kiều trí thức ở 5 nước Mỹ, Canada, Anh, Ý, Cộng hòa Liên bang Đức. Sự có mặt của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trong Đoàn Chủ tịch hội nghị thể hiện rõ tầm quan trọng của hoạt động khoa học kỹ thuật nhằm góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết của sản xuất và đời sống trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung[16].

Ngày 15/2/1978, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về công tác văn hóa văn nghệ. Nghị quyết đề ra yêu cầu phải nhanh chóng đem thành tựu văn hóa đến với mọi người, mọi tầng lớp, trước hết là công, nông, trí thức, thanh thiếu niên; phải phát động được sức sáng tạo và khả năng tổ chức văn hóa văn nghệ từ trong phong trào quần chúng; việc chăm lo cho các hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở, phục vụ quần chúng cần được quan tâm như chăm lo đời sống, bữa ăn cho nhân dân[17].

Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bước vào giai đoạn căng thẳng, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Sáng ngày 10/6/1978, đồng chí có mặt tại sân vận động Thống Nhất, trực tiếp tham dự lễ tiễn đợt đầu những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thành phố lên đường cùng với quân và dân Tây Ninh chiến đấu bảo vệ lãnh thổ biên giới.

Khi tình hình sản xuất gặp căng thẳng, Nhà nước chưa kiểm soát được nguồn hàng, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố lập tức họp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện (ngày 14 /10/1978), tập trung bàn về công tác phân phối lưu thông. Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ đạo: Các ngành, các cấp cần tiến hành phân công, phân cấp hợp lý việc thu mua, nắm nguồn hàng, cải tiến cách thức phân phối theo lao động, đảm bảo những nhu cầu cơ bản đối với các mặt hàng thiết yếu, thực hiện chặt chẽ hợp đồng hai chiều giữa Nhà nước với nông dân, dựa chắc vào dân, đưa hàng đến đúng đối tượng[18].

Trước tình hình đời sống công nhân và trí thức ngày càng trở nên khó khăn, Thường trực Thành ủy ban hành Thông tri 90/TT-TU (ngày 2/3/1979) chỉ đạo các phương thức giải quyết kịp thời, như: kiểm tra lại việc thực hiện và đảm bảo thực hiện đầy đủ theo tiêu chuẩn chế độ đã quy định, chăm sóc tốt hơn nữa các bữa ăn trưa, ăn giữa ca 3 và ăn sáng cho công nhân; giải quyết trợ cấp cho gia đình công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề bằng hiện vật hoặc một khoản tiền nhất định đảm bảo được đời sống; tổ chức bán thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác với giá cung cấp để giảm bớt khó khăn cho gia đình trí thức; riêng đối với các trí thức giỏi, tiêu biểu, cần có chế độ trợ cấp đặc biệt, đủ đảm bảo cuộc sống cho họ yên tâm làm việc[19].

Để giải quyết vấn đề căn cơ hơn, ngày 2/5/1979, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 37 “Về giải quyết một số vấn đề cấp bách trong đời sống cho anh chị em trí thức” theo hướng: tổ chức cho trí thức phát huy tài năng và hiệu quả cụ thể trong công tác, trên cơ sở đó trả thù lao tương ứng; đối với một số trí thức tại chỗ, trí thức là Việt kiều về nước phục vụ…, ngoài lương bổng đã sắp xếp và điều chỉnh, cần có trợ cấp thêm hàng tháng nhằm bảo đảm mức thu nhập ổn định đủ sống…[20].

Đồng chí Võ Văn Kiệt  trả lời phỏng vấn các phóng viên tại đại hội đảng bộ TPHCM lần thứ VIII (năm 2005). Đồng chí Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn các phóng viên tại đại hội đảng bộ TPHCM lần thứ VIII (năm 2005).

Quan tâm đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt dự hội nghị đại biểu các huyện và các quận vùng ven (do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức từ ngày 14 đến ngày 18/6/1979); thẳng thắn phân tích những mặt được và chưa được của công tác cải tạo nông nghiệp, rút ra bài học kinh nghiệm cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Thường vụ Thành ủy nhắc nhở các huyện ủy, quận ủy vùng ven chú ý lãnh đạo, giáo dục các chi bộ, các tập đoàn sản xuất phải nắm vững nguyên tắc tự nguyện trong hợp tác hóa để kiên trì vận động thuyết phục nông dân; tuyệt đối không được gò ép, mệnh lệnh bất kỳ dưới hình thức nào. Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện phát triển sản xuất, thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách về cải tạo nông nghiệp; hết sức chăm sóc, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để quản lý sản xuất nông nghiệp[21].

Nhằm từng bước nâng cao đời sống của bà con ngư dân và phát triển ngư nghiệp, trong hai ngày 10 và 11/7/1979 thành phố mở hội nghị chuyên đề về phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản tại huyện Duyên Hải, có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt. Hội nghị thống nhất các biện pháp cần khẩn trương thực hiện: nhanh chóng hoàn thành xưởng cơ khí huyện và cụm cơ khí xã để sửa chữa tàu thuyền; cố gắng đảm bảo ngư cụ (lưới, cước, cọc…) cho ngư dân[22]. Tiếp đó, trong hai ngày 6 và 7/10/1979, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lại có mặt tại hội nghị bàn việc phát triển nghề nuôi cá, hướng tới mục tiêu xây dựng vành đai thực phẩm cho thành phố, phấn đấu tự túc khối lượng lớn tôm, cá đáp ứng yêu cầu cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân[23].

Đối với sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đồng chí Võ Văn Kiệt dành nhiều thời gian trực tiếp đến làm việc với các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất (như Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, Dệt Phước Long, Dệt Thành Công, Bột giặt Viso, Cảng Sài Gòn…), nắm bắt sâu sát tình hình thực tế và nguyện vọng của nhà quản lý, của công nhân. Trong năm 1980, “Câu lạc bộ giám đốc” được thành lập từ ý kiến của Bí thư Thành ủy, quy tụ khoảng 100 thành viên là các giám đốc, bí thư tổ chức Đảng, phụ trách công đoàn các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh… Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ và tại các buổi sinh hoạt luôn có mặt Bí thư Thành ủy để trực tiếp lắng nghe, trao đổi; trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo và cho phép thực hiện những sáng kiến, đề xuất của đội ngũ quản lý.

Cùng với việc khảo sát trực tiếp hoạt động của các cơ sở công nghiệp và chỉ đạo thành lập “Câu lạc bộ giám đốc”, đồng chí Võ Văn Kiệt còn chỉ đạo thành lập “Văn phòng công tác nghiên cứu kinh tế” trực thuộc Thành ủy, tập hợp trí thức từ các nguồn, trong đó có những chuyên gia đã từng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn trước 1975. Từ kết quả nghiên cứu và đề xuất của Văn phòng liên quan đến các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, ngoại thương…, Thành ủy đã đề ra các chủ trương tìm ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất, nhất là những ngành có sản phẩm xuất khẩu…[24]. Một trong những trường hợp đột phá tiêu biểu là Xí nghiệp Dệt Thành Công. Năm 1979, sản lượng vải của dệt Thành Công đạt 4,2 triệu mét; năm 1980 giảm xuống 2,5 triệu mét, xí nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, Dệt Thành Công được vay 180.000 USD từ Vietcombank, dùng nguồn vốn này nhập nguyên liệu, sản xuất rồi bán. Kết thúc năm 1981, Dệt Thành Công tích lũy được vốn ngoại tệ tự có là 1,3 triệu USD, sang năm 1982 số vốn tự có tăng lên 2,5 triệu USD. Cán bộ, công nhân viên có đủ việc làm, thu nhập tương đối cao[25].

Ở lĩnh vực văn hóa văn nghệ, sự quan tâm của Thành ủy, của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt thể hiện rõ qua việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị trong những năm 1980-1981, tiêu biểu là Chỉ thị 05 (ngày 8/5/1981) về kiện toàn tổ chức lãnh đạo và quản lý, củng cố các lực lượng văn nghệ cách mạng. Trên cơ sở đánh giá thực trạng lực lượng làm công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng ở thành phố không nhỏ, nhưng chưa vươn lên ngang tầm của tình hình mới; bản thân lực lượng văn nghệ của ta chưa có sức hấp dẫn, chưa có tính tiêu biểu; áp lực của đời sống khó khăn, dễ bị tác động của thị trường văn hóa dẫn đến có lúc thả nổi; cấp ủy và chính quyền các cấp, từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã chưa thật quan tâm lãnh đạo mặt trận này; Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo: phải kiên quyết xử lý, không chậm trễ, không do dự mọi hoạt động văn hóa - văn nghệ không lành mạnh; làm cho nhân dân phát huy tình cảm quê hương và tinh thần dân tộc, bồi dưỡng ý thức tự hào về Tổ quốc và con người Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, tổ chức giới thiệu các tác phẩm văn nghệ cổ điển, cách mạng và tiến bộ của nhân loại…[26]

Trong công tác xây dựng Đảng, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ II (tháng 10/1980), ngày 20/11/1980 Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa II) đã ra Nghị quyết “Về một số vấn đề kiện toàn tổ chức và cải tiến chế độ làm việc của Thành ủy”. Nghị quyết nêu rõ vai trò, chức trách của người đứng đầu Đảng bộ thành phố: “Bí thư Thành ủy là người có trọng trách và là người tiêu biểu nhất của Đảng bộ thành phố. Trình độ lãnh đạo, năng lực hoạt động và phong cách làm việc của đồng chí Bí thư có tác động rất quan trọng và sâu sắc đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và của các cấp, các ngành. Đồng chí Bí thư có trách nhiệm bao quát chung, nhưng cần nắm chắc vấn đề kinh tế, nhất là khâu công nghiệp, vấn đề đời sống, vấn đề an ninh chính trị và quốc phòng, vấn đề quyền làm chủ tập thể của quần chúng và xây dựng lực lượng, nhất là công tác xây dựng Đảng, đặc biệt trong cơ sở công nghiệp và giai cấp công nhân”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện những yêu cầu về kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc, phải hết sức kiên trì quan điểm tất cả cho sản xuất và đời sống, coi sản xuất được phát triển, đời sống quần chúng được ổn định và cải tiện từng bước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu hiện nay của Đảng bộ thành phố, là thước đo chủ yếu về phẩm chất, năng lực và kết quả hoạt động của các ngành, các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải có quan điểm thực tiễn, sâu sát quần chúng, gắn bó thường xuyên với cơ sở, không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng tạo thành động lực mạnh mẽ thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng”[27].

Qua thời gian công tác với cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thực hiện xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của mình như Nghị quyết Thành ủy đã đề ra. Tháng 12/1981, đồng chí được Trung ương phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Rời TPHCM, ra thủ đô Hà Nội công tác, nhưng TPHCM vẫn luôn là nơi gắn bó thiết thân, là nơi đồng chí Võ Văn Kiệt gửi gắm nhiều kỳ vọng, như phát biểu của đồng chí ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ III (tháng 11 năm 1983): “Mỗi lần Đại hội đều làm cho chúng ta càng cảm thấy rõ sức sống vươn lên bất tận của Đảng bộ, tin tưởng sâu sắc ở tinh thần và ý chí cách mạng của đồng bào thành phố... Thành phố ta quả đã chuyển mình mạnh mẽ theo kịp đà chung cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và trong tiến bộ chung của cả nước đã có phần đóng góp nhất định của thành phố chúng ta... Nhìn đến một tương lai tương đối xa hơn, thành phố và khu vực trong quá trình phát triển gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau, nương tựa vào nhau mà đi lên, đến cuối thập kỷ này nhất định sẽ tạo ra một bước biến chuyển trong cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp trên địa bàn khu vực, mà thành phố càng tỏ rõ vai trò tích cực của một trung tâm”.

Quãng thời gian đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền TPHCM từ sau ngày giải phóng đến khi ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ hơn 6 năm (từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1981), nhưng vai trò và đóng góp của đồng chí trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định kinh tế - xã hội ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung là hết sức quan trọng. Cũng chính quãng thời gian đó đã hun đúc và trui rèn thêm bản lĩnh và phong cách Võ Văn Kiệt, để đồng chí tiếp tục có những cống hiến xuất sắc cho đất nước, cho nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới ở cương vị cao hơn và trọng trách lớn hơn. 

Lê Hữu Phước

(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM)

_____________________

[1] Mặc dù đến ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới ra nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là TPHCM, nhưng tại Quyết định số 03 ngày 20/1/1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ghi rõ: “Công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng TPHCM”.

[2] Nguyễn Văn Linh – Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 80-81.

[3] Bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng TPHCM, ngày 24/1/1976. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[4] Diễn văn của đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố, đọc tại Ngày hội thanh niên ra quân lao động sản xuất kỷ niệm 45 năm thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, 28/3/1976. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[5] Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 9/4/1976.

[6] Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 10/4/1976.

[7] Báo Sài Gòn Giải Phóng, các ngày 17, 20 và 22/4/1976.

[8] Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 29/4/1976.

[9] Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 14/5/1976.

[10] Bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Bí thư Thành ủy trong Hội nghị bàn biện pháp đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản của thành phố, ngày 20/5/1976. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[11] Văn bản ngày 4/12/1976 của Ban Thường vụ Thành ủy. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[12] Thư của đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Bí thư Thành ủy, gửi cán bộ đảng viên, chiến sĩ ở phường, xã và các cơ quan, đơn vị cấp quận và thành, ngày 11/12/1976. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[13] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 13/6/1977.

[14] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 17/11/1977.

[15] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 2/1/1978.

[16] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 9 và 13/1/1978.

[17] Nghị quyết số 52-NQ/TV ngày 15/2/1978 của Ban Thường vụ Thành ủy. Lưu tại Văn phòng Thành ủy).

[18] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 19/10/1978.

[19] Thông tri số 90/TT-TU ngày 2/3/1979 của Thường trực Thành ủy. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[20] Chỉ thị số 37/CT-TV, ngày 2/5/1979 của Ban Thường vụ Thành ủy. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[21] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 20/6/1979.

[22] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 12/7/1979.

[23] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 8/10/1979.

[24] Phan Xuân Biên – “Dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh”, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 22/11/2017.

[25]  Hoàng Lan -  “Câu lạc bộ giám đốc”, sáng kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau 1975; https://danviet.vn/cau-lac-bo-giam-doc-sang-kien-cua-co-thu-tuong-vo-van-kiet-sau-1975-7777975908.htm.

[26]  Chỉ thị số 05/CT-TU ngày 8/5/1981 của Ban Thường vụ Thành ủy. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[27] Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa II Về một số vấn đề kiện toàn tổ chức và cải tiến chế độ làm việc của Thành ủy, ngày 20/11/1980. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo