Chân dung đồng chí Trương Văn NhâmSớm ý thức được những bất công của xã hội và giá trị của lao động, hơn nữa, quê hương Cần Giuộc của ông vốn là vùng giàu truyền thống đấu tranh chống bọn thực dân xâm lược, nơi phát sinh các phong trào cách mạng vô sản sớm nhất tỉnh Long An. Những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và ý chí của người thanh niên Trương Văn Nhâm.
Năm 1930, Chi bộ cộng sản làng Phước Lại ra đời do đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư, phát động quần chúng địa phương đấu tranh chống lại kẻ thù, Trương Văn Nhâm hăng hái tham gia. Lúc đầu, Trương Văn Nhâm tiếp cận những công việc nhỏ như canh gác, liên lạc. Dần dần ông được giao những công việc quan trọng hơn như treo cờ, vận động quần chúng thanh niên, học sinh. Đầu năm 1931, Trương Văn Nhâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tại chi bộ Phước Lại. Sau đó, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Chi bộ Phước Lại, Bí thư Quận ủy Cần Giuộc. Ngoài ra, đồng chí còn phụ trách công tác liên lạc cho Xứ ủy với các tổ chức Đảng ở miền Tây Nam Kỳ. Năm 1934, Xứ ủy Nam Kỳ được củng cố lại do đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư, đồng chí Trương Văn Nhâm được chỉ định là Xứ ủy viên. Trong giai đoạn này, Xứ ủy Nam Kỳ đã cử đồng chí Trương Văn Nhâm về trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh do các đồng chí trong Tỉnh ủy Trà Vinh lần lượt bị bắt giam vào các nhà tù thực dân, phong trào quần chúng nơi này tạm thời lắng xuống.
Hoạt động tại địa bàn mới, để thuận tiện liên lạc với các cơ sở, đồng chí Trương Văn Nhâm nuôi vịt chạy đồng thuê cho các chủ vịt. Mùa vịt chạy đồng cũng là lúc đồng chí tìm đến các cơ sở ở vùng Long Hậu, Mỹ Thập, Mỹ Hòa, Hiệp Mỹ rồi trở lên vùng Long Đức, An Trường, Tân An… Không lâu sau đó, các cơ sở này tập hợp lại các đồng chí đảng viên cũ và các đồng chí mãn hạn tù trở về. Các Quận ủy Cầu Ngang, Càng Long được củng cố, phát triển, ra đời kịp thời lãnh đạo các chi bộ và phong trào cách mạng ở địa phương mình. Ngay sau đó, Tỉnh ủy Trà Vinh được tái lập với các đồng chí Nữ, Cầm, Trung... do đồng chí Trương Văn Nhâm trực tiếp làm Bí thư. Trụ sở chính của Tỉnh ủy đặt tại Chùa Dơi (xã Mỹ Long, Cầu Ngang). Có được sự lãnh đạo thống nhất từ Tỉnh ủy, vào cuối năm 1934, các phong trào đấu tranh quần chúng phát triển mạnh mẽ ở khắp nông thôn Trà Vinh.
Cuối năm 1935, Xứ ủy cử đồng chí Trương Văn Nhâm về Thủ Dầu Một tổ chức thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Đầu năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập do Đồng chí Trương Văn Nhâm làm Bí thư. Tỉnh ủy thực hiện chủ trương chuyển hình thức tổ chức không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, nhằm tập hợp và lãnh đạo đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó nhằm giáo dục, phát triển đội ngũ cách mạng như các tổ chức công hội, nông hội, ủy ban hành động và đặc biệt là lập thêm các chi bộ Đảng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Tỉnh ủy được thành lập, trên địa bàn Thủ Dầu Một đã nổ ra hàng chục cuộc đấu tranh với hàng ngàn lượt người bao gồm công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo, công chức… tham gia. Tiếp sau đó, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Đảng, nô nức tham gia vào cuộc vận động tổ chức Đông Dương Đại hội nhằm mục đích đòi chính quyền thực dân thi hành những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho dân chúng.
Ngoài việc tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phát triển Đảng. Đến cuối năm 1936, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lớn mạnh, trưởng thành nhiều so với đầu năm, đến cuối năm 1936, toàn Đảng bộ đã có hơn 30 đảng viên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên rất được coi trọng. Ngoài việc vẫn duy trì hình thức hội họp bí mật, Đảng bộ còn có hình thức sinh hoạt khác là tổ chức tìm đọc các báo chí cách mạng (tờ Giải Phóng của Xứ ủy Nam kỳ, tờ Dân Quyền xuất bản công khai ở Sài Gòn…) và các báo chí tiến bộ (tờ Đuốc Nhà Nam, tờ Tranh Đấu…).
Chỉ trong một năm hoạt động, Đảng bộ Thủ Dầu Một do đồng chí Trương Văn Nhâm làm Bí thư, phong trào cách mạng trong tỉnh đã lớn mạnh nhanh chóng.
Cuối năm 1936, đồng chí Trương Văn Nhâm, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được cấp trên điều động nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (Thường vụ Xứ ủy). Đây là giai đoạn Đảng ta chủ trương ra hoạt động công khai, các Ủy ban Hành động và Ủy ban Điều tra các cấp ra đời để thu thập kiến nghị của công dân. Đồng chí Trương Văn Nhâm trực tiếp phụ trách Ủy ban Hành động Sài Gòn – Chợ lớn và còn là Ủy viên của Ủy ban Điều tra Nam bộ, góp phần vào cuộc đấu tranh chung.
Năm 1940, trước sự chuyển biến của tình hình, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương chuẩn bị mọi mặt để tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Đồng chí Trương Văn Nhâm được Xứ ủy cho thôi đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy nhằm có điều kiện tập trung vào nhiệm vụ Thường vụ Xứ ủy, phụ trách vận động khởi nghĩa vũ trang ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, vào lúc việc chuẩn bị khởi nghĩa đang diễn ra tích cực thì đồng chí Trương Văn Nhâm bị thực dân Pháp bắt đang lúc phổ biến lệnh và kế hoạch cho các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Biết là đã bắt được một nhân vật quan trọng, giặc tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí vẫn vững vàng trước mọi thử thách, thủ đoạn hung bạo của kẻ thù. Thực dân Pháp đày đồng chí lên căng tù chính trị ở Bà Rá, rồi lên Tà Lài. Ở Tà Lài, đồng chí Trương Văn Nhâm gặp các đồng chí Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Tô Ký và hình thành nhóm các đồng chí lãnh đạo trong tù để tổ chức đấu tranh có hiệu quả với thực dân Pháp.
Cuối tháng 3, tổ chức Đảng tại nhà tù Tà Lài đã lên kế hoạch vượt ngục lần thứ hai (vào ngày 27/3/1941) một cách kỹ càng và khẩn trương: từ việc chọn người để tham gia nhóm vượt ngục, điều tra đường đi, hướng đi để khi kẻ thù phát hiện thì không thể nhận biết sớm và truy bắt kịp, đến việc phơi cơm khô, trữ thuốc men dự phòng cho trên đường đi, tạo giấy tờ hợp pháp, kiếm tiền và tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên bên ngoài còn sống sót, chưa bị địch truy bắt để tập hợp, gây dựng lại cơ sở... Nhóm vượt ngục lần này gồm có 8 đồng chí: Trần Văn Giàu, Tô Ký, Châu Văn Giác, Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Trần Văn Kiệt (tên thường gọi là Văn), Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Hoàng Sính), Nguyễn Công Trung, Trương Văn Nhâm.
Cuộc vượt ngục thành công nhưng bị địch truy bắt ráo riết nên chỉ có ba đồng chí trở về được là đồng chí Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm và đồng chí Đức. Ba đồng chí này thành lập Ban phục hồi cơ sở Nam Kỳ do đồng chí Dương Quang Đông làm chỉ huy.
Ngày 01 tháng 5 năm 1941, nhân ngày Quốc tế lao động, đồng chí Trương Văn Nhâm theo sự phân công của Ban phục hồi cơ sở Đảng Nam bộ đã treo lá cờ Búa Liềm ngay đường Marc Mahon (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay). Sự hiện diện của cờ Búa Liềm trong lòng thành phố Sài Gòn đã tạo ra tiếng vang.
Sau đó, ba đồng chí Trương Văn Nhâm, Trần Văn Giàu và đồng chí Đức đã tách ra hoạt động ở các địa bàn khác nhau. Đồng chí Trương Văn Nhâm phụ trách vùng Chợ Lớn, Long An, Mỹ Tho. Nhờ sự tích cực cũng như kinh nghiệm hoạt động bí mật của đồng chí, các tổ chức Đảng vùng Phước Lại, Phú Lạc, Cần Giuộc, Bình Chánh... được củng cố và hoạt động lại để dập tắt phong trào, địch đã phục kích bắt được đồng chí Trương Văn Nhâm vào đầu năm 1942. Đồng chí bị chúng kết án chung thân và đày ra Côn Đảo.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy Nam Kỳ đã cho tàu ra Côn Đảo để đón các đồng chí trở về Cần Thơ. Khi trở về cũng là lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ bắt đầu. Đồng chí Trương Văn Nhâm trở về ngay Chợ Lớn, một địa bàn nóng bỏng, và được bổ sung vào Tỉnh ủy Chợ Lớn, phụ trách Ủy ban kháng chiến để cùng nhân dân chiến đấu với kẻ thù.
Năm 1949, Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Đồng chí Trương Văn Nhâm được điều động về Trung ương Cục cho đến ngày ký Hiệp định Genève.
Năm 1954, đồng chí Trương Văn Nhâm được Đảng phân công ở lại miền Nam, đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Giao liên thuộc Xứ ủy Nam bộ. Với nhiệm vụ này, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho việc hình thành mạch máu giao thông liên lạc từ Xứ ủy (sau này là Trung ương Cục) đến các tỉnh, thành, các tổ chức Đảng ở cơ sở cũng như bảo đảm cho mạch máu này vận hành liên tục, góp phần cho sự nghiệp cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 01 năm 1961, đồng chí bị cảnh sát đồn Lê Văn Duyệt bắt khi đang thi hành nhiệm vụ. Đồng chí bị chúng tra tấn hết sức dã man nhưng không khai thác được gì nên đã đưa đồng chí vào nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Tháng 6 năm 1941, đồng chí ra tù nhưng trong thời gian ở trại giam, sự tra tấn cùng với các bệnh liên quan đến tim, phổi… sức khỏe của đồng chí đã bị suy yếu nên tổ chức Đảng đã cho đồng chí nghỉ ngơi và trị bệnh tại nhà. Dù trong giai đoạn trị bệnh nhưng đồng chí Trương Văn Nhâm vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở, củng cố phong trào cách mạng vùng Phát Diệm và địa bàn Xóm Chiếu.
Đồng chí từ trần năm 1998 tại Xóm Chiếu, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 92 tuổi.
Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, đồng chí Trương Văn Nhâm đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Hhất và Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.