Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Linh. (Nguồn: Gia đình cung cấp) Năm 1925, khi đang học tiểu học ở Hà Nội, bà nội và chú ruột Nguyễn Đức Thụ chuyển về Hải Phòng, đã đưa đồng chí về thành phố này học tập tại trường Bonnan (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Quyền thuộc quận Lê Chân), học lớp đệ nhất bậc Thành chung. Khi lên lớp nhất bậc Thành chung, niên khóa 1929-1930, Nguyễn Đức Cúc được chuyển về học tại Trường Jean Dupuis.
Được giác ngộ và tham gia sôi nổi các hoạt động cách mạng từ trường Bonnan và trường Jean Dupuis từ rất sớm, sáng ngày 01/5/1930, được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ, Nguyễn Đức Cúc cùng hai người bạn học là Nguyễn Văn Thiên và Lê Viên mang truyền đơn cách mạng kỷ niệm Ngày quốc tế lao động đi rải ở phố Cát Dài thì bị mật thám bắt và mặc dù còn ở tuổi vị thành niên, tòa án thực dân Pháp kết tội đồng chí 18 tháng tù giam khi mới 15 tuổi. Ngày 26/01/1931, tòa án Pháp đưa đồng chí ra xử lại cùng với 191 tù chính trị, trong đó có 72 người tù cộng sản, bị kết án chung thân, lưu đày đi Côn Đảo. Vậy là ở tuổi 15, đồng chí đã bị kẻ địch lưu đày, rồi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng.
Khi bị lưu đày ở Côn Đảo, đồng chí có cơ hội được gặp hầu hết các nhà lãnh đạo của Đảng cũng đang bị cầm tù ở đây như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Bùi Công Trừng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Ngô Gia Tự,... Đầu năm 1932, chi bộ đặc biệt của Đảng ra đời ở banh 1 để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của kẻ thù, giữ vững khí tiết của những người cộng sản. Được sự kèm cặp của lớp cách mạng đàn anh, đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục được học văn hóa, học nâng cao trình độ tiếng Pháp và lý luận Mác – Lênin.
Tháng 5/1936, chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp thắng cử, ra lệnh đại ân xá tù chính trị ở các thuộc địa, đồng chí Nguyễn Văn Linh được thả tự do cùng với rất nhiều nhà cách mạng khác. Khi tàu cập cảng Hải Phòng, đồng chí lên ngay Hà Nội bắt liên lạc với tổ chức để hoạt động. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được tái lập lại ở Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công giúp việc cho cơ quan Xứ ủy và sau đó Xứ ủy cử đồng chí xuống Hải Phòng tổ chức lập lại Thành ủy Hải Phòng. Tháng 4/1937, tại cơ sở cách mạng ở Ngõ Đá, phố Cát Dài đã diễn ra hội nghị lập lại Thành ủy. Hội nghị đã nhất trí cử đồng chí làm Bí thư Thành ủy nhưng đồng chí dứt khoát từ chối vì chưa phải là đảng viên, vì vậy Hội nghị cử đồng chí Nguyễn Văn Túc – tức Nguyễn Cộng Hòa làm Bí thư. Khi trở lại Hà Nội báo cáo với đồng chí Bí thư Xứ ủy Trường Chinh thì Xứ ủy mới biết đồng chí chưa phải đảng viên vì Trung ương vẫn nghĩ Nguyễn Văn Linh đã vào Đảng năm 1930 khi bị đày đi Côn Đảo. Do vậy, đồng chí Bí thư Xứ ủy Trường Chinh đã công nhận đồng chí vào Đảng kể từ năm 1936 và tiếp tục cử xuống Hải Phòng hoạt động, làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng – Kiến An khi đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Túc được Xứ ủy cử đi vùng khác hoạt động.
Tháng 01/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cúc được Trung ương yêu cầu bàn giao nhiệm vụ ở Hải Phòng cho đồng chí Tô Hiệu để vào tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy. Từ đây cho đến cuối đời, đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn bó máu thịt với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trực tiếp giao nhiệm vụ ra Nghệ Tĩnh gặp đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập đang bị địch cho an trí tại quê nhà, truyền đạt tình hình mới và mời hai đồng chí vào Sài Gòn dự họp Hội nghị Trung ương. Trong chuyến đi này, đồng chí bị địch bắt, nhưng nhờ các đồng chí linh hoạt nên thoát nạn.
Cuối năm 1939, tại Sài Gòn, đồng chí được Trung ương phân công cùng với đồng chí Võ Văn Tần và các đồng chí khác lập lại Xứ ủy Nam kỳ và trở thành cán bộ trẻ cấp Xứ ủy; được Trung ương cử ra miền Trung lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt tại Vinh, đưa về Sài Gòn xử 5 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai cùng với nhiều đồng chí khác.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Ủy ban nhân dân Nam bộ đã cử phái đoàn đưa tàu ra Côn Đảo đón các đồng chí tù cộng sản trở về. Ngày 23/9/1945 khi tàu về đến đất liền thì cuộc kháng chiến ở Nam bộ bùng nổ. Đồng chí Mười Cúc được Xứ ủy phân công trở lại Sài Gòn lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tháng 11/1947, tại căn cứ Vườn Thơm, Hội nghị Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn được triệu tập. Tại Hội nghị này đồng chí Nguyễn Văn Linh chính thức được bầu làm Bí thư Thành ủy. Vào giữa năm 1948, đồng chí được điều động về Xứ ủy công tác, đồng chí Lê Văn Sĩ được chỉ định thay đồng chí làm Bí thư Thành ủy.
Tháng 7/1948, được sự ủy nhiệm của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn triệu tập và chủ trì Đại hội đại biểu Đảng bộ Xứ ủy Nam bộ. Tại Đại hội lần này đồng chí Mười Cúc được bầu làm Thường vụ Xứ ủy, Bí thư là đồng chí Lê Duẩn; Phó Bí thư là các đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Đức Thuận.
Năm 1950, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Xứ ủy điều động về tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Tháng 8/1950, Hội nghị Thành ủy được triệu tập dưới sự chủ trì của đồng chí Mười Cúc để thực hiện quyết định của Xứ ủy Nam bộ thành lập Đặc khu ủy. Hội nghị đã chính thức bầu đồng chí Mười Cúc làm Bí thư Đặc khu ủy kiêm Chính ủy Ban chỉ huy quân sự đặc khu. Cuối năm 1952, đồng chí được Trung ương triệu tập ra Việt Bắc học tại Trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Học xong đồng chí được giữ lại đề bạt làm Phó ban Tuyên huấn Trung ương và cuối năm 1953 tham gia làm công tác cải cách ruộng đất thí điểm ở Thái Nguyên. Tháng 9/1954, đồng chí được điều động trở lại miền Nam chiến đấu.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh trong lần về thăm Trường Phổ thông trung học Ngô Quyền. (Nguồn: Gia đình cung cấp) Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi nhưng đất nước vẫn bị chia thành hai miền Nam – Bắc. Sau Hội nghị Genève, Trung ương Đảng có những điều chỉnh lớn về tổ chức đối với miền Nam. Trung ương Cục được giải thể để lập Xứ ủy Nam bộ cho thích ứng với hình thức mới.
Tháng 10/1954, tại căn cứ Chắc Băng – Cà Mau, Hội nghị thành lập Xứ ủy được triệu tập. Hội nghị đã quyết định chia Nam bộ thành ba Liên khu ủy và Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuối năm 1956, Trung ương và Xứ ủy Nam bộ phân công đồng chí về công tác chuyên trách ở Xứ ủy, bàn giao chức Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn cho đồng chí Trần Quốc Thảo.
Năm 1957, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương chỉ định làm quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ từ năm 1957-1960.
Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh và một số đồng chí công tác ở chiến trường được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, nhưng vì đảm bảo bí mật nên không được công bố. Sau Đại hội, ngày 23/01/1961, Ban Chấp hành Trung ương họp bàn về cách mạng miền Nam, quyết định giải thể Xứ ủy Nam bộ để lập lại Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Trung ương Đảng được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10/1961, đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục (mở rộng), xem như Hội nghị thành lập Trung ương Cục. Tháng 02/1961, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam được thành lập do đồng chí Trần Văn Quang làm tư lệnh, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam đến cuối năm 1964.
Cuối năm 1967, khi đồng chí Phạm Hùng vào để tăng cường cho miền Nam, đồng chí làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy miền, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam; đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ chức vụ Phó Bí thư Trung ương Cục.
Trong mười năm liền (1957-1967), đồng chí Mười Cúc – Nguyễn Văn Linh liên tục làm Quyền Bí thư Xứ ủy (1957-1960) rồi làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961-1967).
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ngày 25/10/1967, tại Chiến khu Dương Minh Châu, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam làm việc với Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn – Gia Định lập thành Khu Trọng điểm, cử đồng chí Nguyễn Văn linh trực tiếp làm Bí thư Khu trọng điểm.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Công ty vận tải Biển Sài Gòn. (Nguồn: Gia đình cung cấp) Tháng 8/1968, khi phân tích tình hình Nam bộ qua các đợt tổng công kích, Trung ương Cục quyết định lập lại Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Tháng 4/1972, một lần nữa, đồng chí Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh lại trực tiếp được phân công làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định đến tháng 10/1973.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao nhiệm vụ phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định vào ngày 30/4 lịch sử. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 29/9/1975, tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: “Giải thể Trung ương Cục miền Nam… đồng thời, thành lập Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam”[1]. Theo đó, tháng 12/1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thay đồng chí Võ Văn Kiệt. Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính Trị và Ban Bí thư, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến tháng 4/1977.
Từ tháng 4/1977, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban cải tạo Xã hội chủ nghĩa Trung ương. Cuối năm 1977, Bộ Chính trị phân công đồng chí sang làm Trưởng ban Dân vận – Mặt trận Trung ương. Chỉ mấy tháng sau, năm 1978, Đại hội IV Tổng Công đoàn Việt Nam bầu đồng chí làm Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam thay đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đến cuối năm 1980, đồng chí thôi giữ chức chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Chính trị phân công đồng chí theo dõi thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ tại miền Nam. Tháng 12/1981, đồng chí được Bộ Chính trị điều động trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, tại Đại hội V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, nhưng không tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới.
Trước những khó khăn của Thành phố, khi được biết các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đang ở Đà Lạt, từ ngày 12 đến 19/7/1983, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh cùng nhiều giám đốc xí nghiệp xin gặp để tháo gỡ cơ chế cho thành phố phát triển. Chính thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã dần hình thành để tiến tới xác định: “Đổi mới là sự nghiệp mang ý nghĩa sống còn”. Do những đóng góp to lớn trong giai đoạn này, cho nên Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa V (tháng 6/1985) đã bầu đồng chí trở lại Bộ Chính trị. Một năm sau, tháng 6/1986, để chuẩn bị cho Đại hội VI, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Trung ương Đảng và phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Tháng 12/1986, tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí được tin cậy bầu làm Tổng Bí thư của Đảng để lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội xác định. Năm 1987, đồng chí Nguyễn Văn Linh kiêm chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Đồng chí đã nỗ lực cao độ cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương kiên định triển khai đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, tiến hành đổi mới hệ thống chính trị một cách vững chắc.
Tháng 6/1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Khi hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo đất nước mở đầu thời kỳ đổi mới, mặc dù được Đảng tín nhiệm, nhưng do tuổi cao, sức khỏe giảm, đến Đại hội VII của Đảng, tháng 6/1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh xin thôi nhiệm và được Đại hội cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí còn được Đại hội VIII, tháng 6/1996, tiếp tục cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương cho đến khi qua đời vào tháng 4/1998.
Trên cương vị là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn luôn đóng góp hết mình cho sự phát triển chung của đất nước. (Nguồn: Gia đình cung cấp) Năm 1985, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho công bố cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm do Nxb. Sự thật ấn hành. Đây là tác phẩm rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn tổng kết 10 năm trăn trở tìm đường đổi mới (1975-1985) của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh có tác phẩm Đổi mới để tiến lên (5 tập) cũng do Nxb. Sự thật xuất bản.
Đồng chí còn là tác giả của 27 bài báo rất nổi tiếng trong chuyên mục Những việc cần làm ngay, với bút danh NVL, đăng trên báo Nhân dân từ ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990.
Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn là người cộng sản kiên định và sáng tạo. Khi đồng chí qua đời, Đảng ta trân trọng đánh giá: “Từ buổi đầu tham gia cách mạng đến khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hy sinh cao cả vì lý tưởng cao đẹp của Đảng. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất người cộng sản “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức”[2].
Do những công lao to lớn với cách mạng Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng đồng chí Huân chương vàng quốc gia. Nhà nước Campuchia tặng đồng chí Huân chương Angkor. Nhà nước Cuba tặng đồng chí Huân chương José Marti.
Để tưởng nhớ đồng chí, Đảng và Nhà nước ta đã cho xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Tại thành phố Hưng Yên, một con đường, một quảng trường đẹp mang tên đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trường chính trị tỉnh, một trường tiểu học, một trường phổ thông cơ sở và một trường trung học phổ thông cũng được mang tên đồng chí.
Ở thủ đô Hà Nội, con đường 5 cũ, đoạn đường nối từ Gia Lâm đi Hưng Yên, dài 5,7 km cũng mang tên đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một con đường mới đẹp xuyên Đông –Tây song song với đường Võ Văn Kiệt, từ quận 4 đi qua quận 8 nối vào đường cao tốc đi miền Tây cũng được Thành phố đặt là đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
_______________________
[1] Viện lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy và Trung ương cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.1374.
[2] Xem: Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.14-15.