Chủ Nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024

Đồng chí Mai Chí Thọ với phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn – Gia Định giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đồng chí Mai Chí Thọ và các đồng chí lãnh đạo Thành phố trò chuyện thân mật với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, năm 1986. (Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 1971 tôi vào chiến trường B2. Sau một thời gian ngắn công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, tôi và một số người được biệt phái chi viện cho chiến trường T4 (Sài Gòn – Gia Định). Sau đó, tôi về công tác tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Phân khu 6, sau này là Quân khu Sài Gòn - Gia Định lại thường xuyên được gặp chú Năm Xuân, lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy, kiêm Chính ủy Quân khu. Nhân dịp “Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Mai Chí Thọ”, tôi xin nêu một số nét hoạt động phong trào cách mạng đô thị trong thời gian cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ (1973 – 1975).

1. Đồng chí Mai Chí Thọ với quá trình xây dựng và phát triển phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn – Gia Định 1973 – 1974

Trong suốt 30 năm kháng chiến chống quân xâm lược để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông, đồng chí Mai Chí Thọ gắn bó với chiến trường Nam Bộ, trong đó hơn 10 năm (1965 – 1975) đồng chí giữ những trọng trách trong phong trào cách mạng Sài Gòn – Gia Định: Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, Thành ủy, rồi Phó Bí thư và Bí thư, kiêm Chính ủy Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Đặc biệt sau Hội nghị Bình Giã V (01/1972), đồng chí được phân công trực tiếp phụ trách phong trào đô thị. Với cương vị Phó Bí thư Thành ủy phụ trách cánh đô thị, đồng chí Mai Chí Thọ đã chỉ đạo khắc phục những yếu kém của phong trào đô thị được Hội nghị Bình Giã V vạch ra và chuẩn bị mọi tình huống để đưa phong trào đô thị phát triển thành cao trào cách mạng quyết liệt, rộng lớn. Những yếu kém của phong trào cách mạng đô thị lúc bấy giờ là nhận thức không đúng về giai cấp công nhân và phong trào công nhân; phong trào học sinh, sinh viên do bị đàn áp gắt gao nên yếu hơn trước; cơ sở trong quần chúng cơ bản chưa mạnh, do đó mặt trận bên trên được hình thành nhưng thiếu nền tảng vững chắc; thực lực cách mạng còn mỏng và yếu (chỉ có 14 chi bộ, 175 đảng viên và 70 tổ nòng cốt bám được quần chúng). Trong lúc đó Trung ương nhận định: “Xu thế chung của tình hình trong thời gian sắp tới có thể dẫn đến những sự thay đổi mạnh mẽ, những bước phát triển nhảy vọt về chính trị ở Sài Gòn[1]. Do vậy, Ban Thường vụ Thành ủy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Mai Chí Thọ đã tập trung các công việc chủ yếu lúc này là:

- Xây dựng đội quân chính trị đông và mạnh.

- Xây dựng đội ngũ hạt nhân lãnh đạo.

- Chuẩn bị mọi mặt để giành quyền làm chủ cơ sở khi có điều kiện.

Các mục nêu đó được triển khai theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Bình Giã V là phải căn cơ theo từng bước cơ bản, vững chắc. Ngày 01/7/1972, Thành ủy ra Chỉ thị 08/CT-72 về đẩy mạnh phong trào đấu tranh và công tác xây dựng thực lực ở đô thị, nhằm đạt được 4 mục tiêu:

- Giành quyền làm chủ ở xóm lao động.

- Tập hợp được quần chúng vào các tổ chức cách mạng (Đảng, Đoàn, Hội, các ngành quân sự, an ninh, binh vận).

- Hình thành mặt trận đấu tranh của nhân dân thật rộng rãi.

- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt. Lấy khu dân cư lao động làm nền tảng chung, ở đó phải lãnh đạo nhân dân chống bọn địch vơ vét sức người, sức của; chống bắt lính, bảo vệ thanh niên, trốn lính và lính trốn. Phương châm hoạt động là tận dụng những khả năng công khai, trước mắt lấy nửa công khai, xé rào làm chủ yếu, lấy bí mật làm gốc, dồn sức cho xây dựng cơ sở, cho công tác ở xóm lao động. Về công tác mặt trận ở “bên trên” chủ ý đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, lập chính phủ hòa bình, hòa giải dân tộc. Tranh thủ lôi kéo các phần tử trung gian và liên hiệp hành động với họ trong từng lúc, từng khẩu hiệu. Chú ý thành lập mặt trận ở các phường, xóm gồm các bác sỹ, kỹ sư, luật sư, tư sản dân tộc. Nhờ những chỉ đạo cụ thể và sát sao đó mà phong trào đô thị có sự chuyển biến rõ ràng ở cấp cơ sở, từng bước khắc phục tình trạng “bỏ cơ sở” trước đó. Cùng với đó, Thành ủy đẩy mạnh công tác chỉ đạo báo chí đô thị để hỗ trợ cho phong trào từ cơ sở. Tháng 7/1972, Thành ủy tổ chức Hội nghị bàn về việc đẩy mạnh phong trào báo chí, giao trách nhiệm cho các ban Công vận, Thanh vận, Phụ vận, Binh vận đều phải có báo chí nửa công khai và nửa bí mật bên cạnh báo chí công khai của ngành, của giới mình.

Sau Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), phong trào đấu tranh chính trị ở nội đô Sài Gòn có điều kiện phát triển mạnh. Chỉ trong vòng hơn một tháng, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5/1973 ở nội thành Sài Gòn đã có 55 cuộc đấu tranh do Thành ủy chỉ đạo với trên 8.000 quần chúng tham gia. Đặc biệt, cuộc đấu tranh chống thuế VAT diễn ra rất quyết liệt. Từ tiểu thương, bạn hàng chợ Kim Biên, đến giới chủ xe đò, các nghiệp đoàn, Tổng đoàn công kỹ nghệ… đã vận động mọi người tham gia đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bãi bỏ thuế VAT. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Ban Công vận đã phát động phong trào đấu tranh đòi đình chỉ thu thuế VAT và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Thành ủy cũng chỉ đạo cuộc vận động cứu đói, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau để từ đó tập hợp lực lượng, đón thời cơ thực hiện mục tiêu chiến lược là “đánh cho ngụy nhào”.

Sau Hiệp định Paris, Thành ủy chuyển về Củ Chi và Bến Cát (Bình Dương). Tháng 10/1973, đồng chí Nguyễn Văn Linh thôi điều hành công tác của Thành ủy để trở lại Trung ương Cục. Đồng chí Mai Chí Thọ thay đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy vừa phụ trách công tác chung của Thành ủy vừa trực tiếp chỉ đạo cánh công tác nội thành (Chỉ đạo công tác ngoại thành do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Thơ phụ trách).

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, phong trào đô thị tiếp tục phát triển mạnh ở tất cả các ngành, các giới, liên quận. Công nhân lái xe taxi đấu tranh đòi giảm giá xăng dầu, công nhân xích lô đòi giảm giá tiền thuê xe, công nhân các cư xã Mỹ nhất loạt bãi công, tuyệt thực đòi tăng lương và cải thiện chế độ lao tù. Sinh viên, học sinh đấu tranh chống kiểu thi cử theo lối Mỹ, đòi dạy tiếng Việt ở bậc đại học, đòi miễn giảm học phí được đông đảo quần chúng ủng hộ. Phong trào vận động thanh niên trốn lính và bảo vệ lính trốn phát triển rộng khắp cả nội ngoại thành. Cơ sở cách mạng phát triển tốt ở các quận, liên quận, các lõm chính trị và nhiều kho, trạm giao liên cất vũ khí trong nội thành được xây dựng. Ngày 18/6/1974, có hơn 300 linh mục Công giáo đã họp báo tại Nhà thờ Tân Sa Châu (Gia Định) công bố bản tuyên cáo chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, bất công và gây ra tệ nạn xã hội trầm trọng. Cán bộ Thành ủy hoạt động trong nội thành đã nhanh chóng chỉ đạo dấy lên phong trào chống Thiệu, đòi thi hành Hiệp định Paris và chỉ đạo các ngành tích cực hoạt động.

Qua các phong trào hoạt động ở nội thành, công tác xây dựng lực lượng được đề ra sau Hội nghị Bình Giã V đã thu được những kết quả khả quan. Đã xây dựng được 27 chi bộ với 227 đảng viên, trên 20 chi đoàn với 172 đoàn viên; 127 tổ hạt nhân, 22 tổ giải phóng với 356 quần chúng nòng cốt, gần 650 hội viên giải phóng; trên 2.500 quần chúng cảm tình tích cực; hơn 22.000 quần chúng tham gia trên 400 tổ chức công khai, nửa công khai; xây dựng được hơn 40 lõm chính trị và nhiều cơ sở, kho tàng, trạm cất dấu vũ khí[2]

Như vậy, trong hơn 1 năm, từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết đến quý 4/1974, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định đã thực hiện được cơ bản những nhiệm vụ và mục tiêu của Hội nghị Bình Giã V và Chỉ thị 08/CT-72 của Thành ủy đề ra. Phong trào ở cơ sở, xí nghiệp, xóm, chợ, trường học được chú trọng xây dựng; các hình thức hoạt động công khai và bí mật được kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, cơ sở bên dưới và các trung tâm bên trên trong từng quận, huyện được xây dựng, tạo ra thế hợp pháp, liên kết ủng hộ nhau trong toàn thành phố… Những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng về công sức, trí tuệ của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ.

2. Đồng chí Mai Chí Thọ với phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn – Gia Định (1974 – 1975)

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau Hội nghị Bình Giã V, đặc biệt là sau Hiệp định Paris, vào quý III năm 1974, Thành ủy đẩy mạnh cao trào chính trị để tiến tới một cuộc bùng nổ cách mạng, kết hợp chặt chẽ việc khẩn trương đưa phong trào lên một cách căn cơ, phát triển theo từng bước cơ bản với việc khai thác thật nhạy bén, triệt để thời cơ xuất hiện.

Sau khi Tổng thống Mỹ Nichxon buộc phải từ chức, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định dưới sự chủ trì của Bí thư Mai Chí Thọ họp Hội nghị và nhận định “Tình hình hiện nay đang có những chuyển biến mới, nhanh và đang tạo ra tình thế cách mạng ở đô thị[3]. Thành ủy đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng trong nội đô và ven đô, yêu cầu toàn Đảng bộ phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao, chống chần chừ, cố thủ… Ban Lãnh đạo cánh A – cánh phụ trách đô thị, khẩn trương phổ biến Nghị quyết Hội nghị của Thành ủy đến tận cơ sở và đảng viên toàn thành, tăng cường cán bộ nội thành…

Theo đó, Ban Công vận đã phát động các phong trào chống sa thải công nhân được tập hợp từ nhiều trung tâm, nhiều nghiệp đoàn, xí nghiệp; phong trào cứu đói, tổ chức cho công nhân phá kho gạo chia cho người nghèo… Ủy ban Bảo vệ quyền lợi lao động được thành lập, đã tập hợp và quy tụ 30 tổ chức của nhiều nghiệp đoàn, liên đoàn, tổng liên đoàn và trên 20 nhân sỹ, trí thức là những dân biểu, linh mục, luật sư… Đó là một phong trào mang tính chất mặt trận rộng rãi ở đô thị do đại diện của giai cấp công nhân làm nòng cốt. Khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế kết hợp với các khẩu hiệu mang tính chính trị như đòi dân chủ, hòa bình, hòa hợp dân tộc…, nên có sự lan tỏa rộng rãi đến các phường, khóm, xóm lao động, xí nghiệp lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia.

Trong thời gian này, ở Sài Gòn đã diễn ra một sự kiện có lẽ hiếm thấy ở nhiều nơi khác, đó là “Ngày ký giả đi ăn mày”, lúc đầu có khoảng 200 ký giả thuộc nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Hội ái hữu ký giả Việt Nam xuống đường đấu tranh, sau đó được quần chúng các ngành, các giới hưởng ứng, gia nhập đoàn lên đến 20 ngàn người kéo dài từ nhà Hạ Nghị viện (Quốc hội) nay là Nhà hát Thành phố, dọc theo đường Lê Lợi đến công trường Quách Thị Trang trước cửa Nam chợ Bến Thành. Đây được coi là cuộc đấu tranh lớn nhất và có tác động mạnh nhất, sâu sắc nhất cả trong và ngoài nước của lịch sử hoạt động của báo chí Việt Nam, mang đặc trưng tiêu biểu của đời sống đô thị Sài Gòn.

Các tầng lớp nhân dân các giới đều xuống đường đấu tranh chống chế độ Sài Gòn, đòi dân sinh dân chủ như của công chức, đồng bào Công giáo, học sinh, sinh viên, kể cả thương phế binh của quân đội Sài Gòn, tạo nên một cao trào chính trị rộng lớn, như một bản cáo trạng của nhân dân Sài Gòn đối với chế độ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đó cũng là tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ của một thể chế chính trị, tay sai của đế quốc xâm lược.

Sự đa dạng, phong phú, độc đáo của phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, liên tục của nhân dân Sài Gòn – Gia Định từ sau Hiệp định Paris trở thành hành trang quý báu, nền tảng vững chức cho một cuộc xung trận mới, trận quyết chiến chiến lược, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp, quyết định tập trung lực lượng để giải phóng Sài Gòn với quyết tâm là bắt đầu và kết thúc vào tháng 4/1975. Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định do đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư được phân công “chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để khi thời cơ đến, phát động quần chúng nổi dậy và tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ cơ sở đến Trung ương”. Ngày 12/4/1975, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra Chỉ thị “Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi Thành phố được giải phóng” với nhận thức và quán triệt sâu sắc tinh thần “thời cơ 20 năm mới có một lần”.  

Chỉ thị nêu rõ “thời cơ khởi nghĩa là lúc mà các cuộc công kích và khởi nghĩa xung quanh Thành phố thành công lớn, lực lượng quân địch bảo vệ Thành phố bị đánh sập, bọn địch đảo chính lẫn nhau hoặc thay đổi cấp lãnh đạo chóp bu, hàng ngũ địch rối loạn, không kiểm soát được tình hình hoặc rút chạy khỏi Thành phố. Lúc này, dù quân chủ lực chưa vào vẫn phải phát động quần chúng nổi dậy tấn công và khởi nghĩa”[4]. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời và sát đúng đó của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định nên khi Chiến dịch Hồ Chí Minh khai màn vào ngày 26/4/1975 đội quân chính trị đông đảo của quần chúng nhân dân đã đồng loạt xuất trận, tạo nên khí thế và sức mạnh to lớn, ngập tràn đường phố.

Lực lượng công nhân với khí thế “dũng cảm tiến lên, đoàn kết lại, phất cao ngọn cờ tiên phong, đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân” đã tham gia khởi nghĩa ở khu phố, ở các xí nghiệp, nhà máy, nhất là ở nhà máy điện, nước, bưu điện, đài phát thanh, đài tuyền hình, các kho tàng lớn, không để cho kẻ địch phá hoại trước khi chúng rút chạy.

Lực lượng trí thức vốn đông về số lượng, có địa vị xã hội quan trọng… đã theo sự chỉ đạo của Ban Trí vận linh hoạt, nhạy bén tìm cách làm suy yếu hàng ngũ địch, nhất là đối với bộ phận “chóp bu” của chính quyền Sài Gòn, tập trung lực lượng đánh đổ Ngụy quyền từ bên trên và từ trong ruột đánh ra, góp phần tạo nên “cục diện mới” để kết thúc chiến tranh theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lực lượng thanh niên vốn là “ngòi pháo” trong phong trào đấu tranh chính trị ở đô thành Sài Gòn được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng lớn tham gia khởi nghĩa, nổi dậy trong toàn Thành phố, trong đó chú trọng các khu dân cư Bàn Cờ, Vườn Chuối, Cầu Bông, Đa Kao – Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội – Vĩnh Hội, Tân Phú, Bảy Hiền… hỗ trợ cho đại quân đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm như Dinh Độc Lập, Toà Đại sứ quán Mỹ, Biệt khu Thủ Đô, Bộ Tổng Tham mưu ngụy… Đồng thời, Thành ủy đã điều động một lực lượng lớn do Thành Đoàn quản lý tăng cường cho các quận 6, 7, 8, 10, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì, Gò Vấp để cùng quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền làm chủ, ứng chiến với các mũi tiến công của quân chủ lực từ các hướng.

Lực lượng Phụ nữ ngay từ sáng 30/4 đã tham gia cắm cờ, nổi dậy giành chính quyền ở nhiều nơi từ các quận của Gia Định đến nội đô Sài Gòn. Hình ảnh chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn xe tăng vào chiếm lĩnh mục tiêu là một điển hình về biểu tượng oai hùng của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và lịch sử mãi mãi ghi đậm công lao to lớn của biết bao nữ công nhân Sài Gòn kiên trì, dũng cảm bảo vệ cơ sở vật chất của các nhà máy, xí nghiệp được vẹn toàn trong cơn bão táp chiến dịch, tô đậm thêm truyền thống anh hùng của Phụ nữ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, đồng bào người Hoa theo sự chỉ đạo của Ban Hoa Vận trực thuộc Thành ủy, đã rải truyền đơn, giăng biểu ngữ, phát loa kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền, treo cờ giải phóng ở nhiều cơ sở trường học, Hội quán người Hoa; bao vây chiếm lĩnh Tòa Hành chính và Ty cảnh sát Quận 5, bảo vệ hệ thống Kho tàng dọc bến Hàm Tử, Lê Quang Liêm; Tòa Hành chính và Ty cảnh sát Quận 6 và nhiều nơi khác.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, công tác binh vận, địch vận được tiến hành một cách đa dạng với nhiều mũi đột kích vào những đối tượng có vai trò trực tiếp trong quá trình kết thúc cuộc chiến. Nhiều nơi diễn ra binh biến, làm náo loạn hàng ngũ ngụy quân, gom quân, thu cất vũ khí, “dọn sạch đường” cho quân chủ lực hành tiến qua các trung tâm, trại lính ngụy. Những hành động của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trong 3 ngày cuối tháng 4/1975 chịu sự tác động mạnh của các mũi binh vận.

Những sự kiện nêu ra trên đây dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong bức tranh toàn cục cuộc nổi dậy của các tầng lớp, các giới đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định song đã nói lên sự vào cuộc đúng lúc của đội quân chính trị của phong trào cách mạng đô thị dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, đã góp phần quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chỉ trong 2 ngày 29 và 30/4/1975, toàn Thành phố Sài Gòn – Gia Định đã có 107 điểm nổi dậy trước khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hầu hết các huyện lỵ, Ty Cảnh sát các quận và Tòa hành chính đã được nhân dân nổi dậy giải phóng, “cờ sao tung bay khắp phố phường”, đồng bào tràn ngập đường phố hòa cùng các cánh quân chủ lực tiến công vào trung tâm Thành phố, hát vang bài ca “Đại thắng mùa Xuân”.

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng đã đánh giá: “Quần chúng đã vào trận chiến đúng lúcĐây là cái quý nhất của quần chúng Sài Gòn – Gia Định và đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ Thành phố[5]. Trực tiếp, gần gũi nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy xây dựng cao trào chính trị một cách căn cơ, vững chắc từ sau Hiệp định Paris. Kết quả đó mang đậm dấu ấn về công lao, bản lĩnh và trí tuệ của Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, Đại tướng Mai Chí Thọ.

Thực vậy, trải qua nhiều năm công tác ở Ban Nghiên cứu địch tình của Xứ ủy, phụ trách trực tiếp Hệ thống tình báo chính trị, lăn lộn nhiều nơi trên chiến trường Nam bộ, có lúc hoạt động ngay trung tâm Sài Gòn, nơi hang ổ của kẻ thù, đồng chí Mai Chí Thọ hiểu rất rõ về thế trận lòng dân. Không có dân thì không nắm được địch tình, và cũng không tồn tại được. Nên đồng chí nằm lòng bài học về lòng dân và công tác vận động nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Trước hết phải hiểu, phải khơi dậy được và trọng dụng được sức dân. Với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, với những điểm cốt lõi của Hội nghị Bình Giã V tổng kết một thời kỳ hoạt động của Thành ủy chỉ rõ những sai sót đã mắc phải, với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh, người gắn bó máu thịt với phong trào cách mạng đô thị, người giữ chức Bí thư Thành ủy/Khu ủy Sài Gòn – Gia Định nhiều lần nhất, với bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm của bản thân, đồng chí Mai Chí Thọ hiểu rõ rằng cách mạng không phải là âm mưu của một số ít người, mà phải là sự vùng dậy long trời lở đất của quần chúng mới có thể đánh đổ được chế độ cũ. Lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch, đấu tranh dư luận, nghị trường… là làm cho địch suy yếu thêm, làm cho cách mạng mạnh lên thêm, chứ tuyệt nhiên không nên ảo tưởng nhờ những biện pháp đó mà giành được chính quyền. Vấn đề là ở chỗ tập hợp, phát huy cho được lực lượng cách mạng của đông đảo quần chúng cơ bản mới có thể giành được thắng lợi, quyết định. Cho nên, với cương vị là Bí thư Thành ủy lại trực tiếp phụ trách nội thành, trong một thời gian ngắn, đồng chí đã lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn – Gia Định tích cực thực hiện kỳ được một cao trào chính trị tiến tới một cuộc bùng nổ cách mạng vừa căn cơ theo từng bước vững chắc vừa nhạy bén triệt để thực hiện mục tiêu khi có thời cơ như lịch sử những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã diễn ra trên chiến trường Sài Gòn – Gia Định như trên đã nêu.

PGS.TS Phan Xuân Biên

(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên cán bộ Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định)

____________________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000). Văn kiện Đảng toàn tập. NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội. Tập 33. Tr.157.

[2] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 – 1975). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2014. Tr. 876-877.

[3] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 – 1975). Sdd Tr.878.

[4] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 – 1975). Sđd Tr.892.

[5] Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đại thắng mùa Xuân 1975. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976. Tr.299


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo