Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống – thường gọi là Năm Xuân, sinh ra ở Thành phố Nam Định. Quê hương và gia đình có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp của ông từ những bài học đầu tiên của tuổi thơ về tình người, lòng nhân ái, tính vị tha qua người bà, người mẹ. Năm 1936, ông đã tham gia phong trào học sinh tại Huế và sau đó được kết nạp vào Đảng năm 1939. Trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời, ông có 16 năm thời niên thiếu ở quê nhà Nam Định, 5 năm ở tù trong những nhà lao khét tiếng từ Bắc chí Nam của Pháp (1940-1945), 5 năm sống ở Hà Nội khi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), còn lại gần như phần lớn cuộc đời ông gắn với Nam bộ thành đồng, với Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc đời đồng chí Mai Chí Thọ như có mối lương duyên với ngành công an. Trước khi làm Bộ trưởng, ông đã kinh qua nhiệm vụ Trưởng ty Công an ở Cần Thơ, Mỹ Tho; Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ; Phó ban rồi Trưởng ban địch tình của Xứ ủy Nam bộ, Giám đốc Công an TPHCM trong những năm đầu giải phóng… Đồng chí Mai Chí Thọ đóng vai trò xây dựng ngành công an – một ngành luôn gắn bó máu thịt với nhân dân trong một thời gian dài và có công trong xây dựng lực lượng tình báo, phản gián, xây dựng lực lượng cơ sở ngay trong lòng địch. Ông khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát: Công tác chủ yếu của công an là vận động và tổ chức quần chúng hình thành trận địa an ninh, trật tự ở cơ sở… đừng đề cao công tác nghiệp vụ công an như là cái gì thần bí đến mức cô lập nó, làm cho nó mất đi sức mạnh của quần chúng. Gắn bó và tin tưởng nhân dân, trong thời kỳ khó khăn, ông vẫn ra vào hoạt động ở nội thành và hay đi theo đường giao liên hợp pháp, luôn được người dân bảo bọc, chở che.
Dấu ấn của ông đối với ngành công an – thanh bảo kiếm lợi hại, trừ gian diệt ác, phá kìm, trấn áp kẻ thù hung bạo và hết lòng bảo vệ dân, bảo vệ lẽ phải, đó là thái độ quyết liệt trong đấu tranh chống biểu hiện chủ quan, nóng vội đối với cán bộ, chiến sĩ trong ngành, ra sức minh oan và sửa sai khi vấp phải lỗi lầm. Phong cách của ông là sâu sát, lắng nghe, sẵn sàng đối thoại với dân khi có bức xúc và không ngại giao tiếp với mọi đối tượng. Ông được cho là người xử lý khá nhuần nhuyễn những vấn đề dân tộc, tôn giáo, vì lợi ích nhân dân. Ông là Đại tướng đầu tiên của ngành công an. Đối với ông đó là vừa một vinh dự lớn, vừa là một trách nhiệm lớn với dân.
Ông có ân tình sâu nặng với dân bởi trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và 21 năm chống Mỹ chỉ có 5 năm là ở chiến khu còn lại là ở trong nhà dân, được người dân nuôi chứa, che giấu, sẵn sàng chấp nhận tù tội, tán gia, bại sản để bảo vệ “Cộng sản thứ thiệt” dám chấp nhận gian khó, hy sinh. Trong kháng chiến, khi là người lãnh đạo cao nhất ở thành phố này, ông có thời gian dài bám trụ ở Hố Bò, Gót Chàng, Củ Chi – khu vực “tam giác sắt” (Củ Chi - Bến Cát - Trảng Bàng), và có lúc ở ngay trong nhà dân ở nội đô, vẫn đi lại và sâu sát với địa bàn thành phố. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thành ủy chia làm 2 cánh, ông được phân công phụ trách cánh A nội thành.
Khi là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông luôn là một nhà lãnh đạo toàn diện, không chỉ lo kinh tế mà quan tâm các vấn đề văn hóa, xã hội, lo cho người nghèo, luôn thương yêu lớp trẻ, cán bộ trẻ. Cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, đồng chí Mai Chí Thọ là nhà lãnh đạo có công trong công cuộc đổi mới ở thành phố và thực tiễn sinh động của Thành phố Hồ Chí Minh đã có sức thuyết phục lớn, đóng góp quan trọng vào đường lối đổi mới của Đảng ta.
Làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm đầu giải phóng, ông được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì lo chạy gạo cho dân (bởi có lúc gạo dự trữ cho mấy triệu người thành phố chỉ còn độ một tuần). Ông phải tổ chức giao ban liên tục để chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, xử lý các vấn đề kiều hối, mua trước, trả sau... Ông cho rằng ngày nào đối với ông cũng là ngày bận rộn và giải quyết các tình huống không giống bất cứ những ông thị trưởng nào trên thế giới. Ông đặc biệt quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân nghèo.
Với ông, ngày nào cũng là ngày bận rộn nhưng vẫn sắp xếp ổn thỏa công việc, có khi hẹn trả lời báo chí nước ngoài vào lúc 2 giờ sáng (trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng), cũng có khi ra Cần Giờ thăm nông trường của Thanh niên Xung phong, cùng hòa nhập với không khí của người trẻ cả đêm.
Những năm cuối đời, sau khi về hưu từ năm 1991, ông dành thời gian chăm lo cho người nghèo, cố vấn cho hoạt động xóa đói giảm nghèo. Ông cho rằng đây là yêu cầu bức thiết của xã hội chúng ta và cũng là đạo đức truyền thống của dân tộc ta mà ông đã hấp thu từ hồi còn nhỏ. Đây là định hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt, là lý tưởng mà ông mơ ước ấp ủ, tìm cách thực hiện cả cuộc đời mình. Riêng việc tham gia hoạt động xóa đói giảm nghèo, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
Ông cho rằng con người mình hợp với tính cách người Nam bộ, bộc trực, thẳng thắn. Có người còn nói vui: “Ông này người Bắc mà còn quá tổ Nam bộ” bởi phong cách bộc trực và thói quen sinh hoạt, ăn uống hợp với người Nam bộ (trong đó có thích ăn món mắm).
Nhìn dáng vẻ bề ngoài của ông oai phong, dễ ngán nhưng từ trong sâu thẳm ông là con người có tấm lòng nhân hậu và có nụ cười hiền. Khi làm lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hễ Đoàn Thanh niên cần gì, gặp trực tiếp ông, ông sẵn sàng lắng nghe và nếu thấy phù hợp là giải quyết ngay.
Thời gian sống tại thành phố từ sau giải phóng gia đình ông đã chuyển nhà mấy lần, từ nơi rộng đến nơi hẹp hơn. Có một thời gian ngôi nhà ông ở trước đây được dùng làm nơi huấn luyện cán bộ phụ trách Đội. Thỉnh thoảng, các lớp cán bộ Đoàn cũng được đến nhà ông để được ông chiêu đãi những món ăn dân dã và món chè trôi nước. Những món ăn này do thím Năm và các anh chị em trong nhà nấu nên mọi người cảm thấy rất ấm áp, rất chân tình.
Điều ông quan tâm và luôn nung nấu là sao cho thế hệ mới không xa rời lý tưởng, đó là lý tưởng của Bác Hồ và lớp học trò nối tiếp như ông đã một thời vào sinh ra tử để giành lấy hòa bình, thống nhất, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, không có con đường nào khác.
Gia đình ông Mai Chí Thọ có những người ruột thịt giữ chức vụ cao trong Đảng như người anh Lê Đức Thọ, người anh Đinh Đức Thiện nhưng không vì thế mà lạm dụng quyền lực. Ông Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự của Đảng nhiều năm (từ 1956 đến 1982). Ông Đinh Đức Thiện – từng làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, người có công xây dựng tuyến đường Trường Sơn 559 và tuyến đường ống xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông Mai Chí Thọ có bốn người con và 5 cháu nội ngoại. Thím Năm quê ở vùng lúa Kim Sơn, Mỹ Tho, là người có học và từng hoạt động nằm vùng. Theo chú Năm, đó là người phụ nữ giữ được nếp xưa, chăm lo hết mực cho chồng con, giỏi nấu ăn, lao động và lo liệu việc nhà. Thím Năm có dáng người nhỏ, gương mặt hiền, có duyên và nhân hậu. Ngoài giờ làm việc, ông thích trò chuyện cùng con cháu và cảm thấy vui khi gia đình có nếp sống đối xử tốt với nhau và với bạn bè.
Ông Mai Chí Thọ được nhận Huân chương Sao vàng năm 2007. Ông đã đi xa 15 năm (28/5/2007) nhưng phẩm chất của con người như ông, thế hệ của ông luôn được nhắc nhớ, không chỉ ở những dịp, những ngày kỷ niệm mà gần như luôn sống trong tâm tưởng các thế hệ tiếp nối. Đó là một trong những nhà lãnh đạo đời đầu của Thành phố Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đạo luôn gần dân, lo cho dân, luôn sắt son vì dân và luôn nhận được sự tin yêu, trân trọng của nhân dân, như được sống mãi trong lòng dân.