Đồng chí Đào Phúc Lộc có tuổi thơ rất cơ cực và thiếu thốn tình cảm, mới lên 6 tuổi, mẹ mất, đồng chí phải về Hải Phòng sống, vừa đi học vừa làm phụ sửa xe. Cuộc sống cơ cực là vậy, nhưng lớn lên nơi vùng đất và gia đình có truyền thống yêu nước, cậu bé Lộc thường được nghe nhiều câu chuyện về những vị anh hùng dân tộc, về tình hình cách mạng... Năm 1936, khi cao trào đòi quyền dân sinh dân chủ của Nhân dân đang nổ ra mạnh mẽ khắp nơi, Đào Phúc Lộc (lúc đó mới 13 tuổi) đã tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Hải Phòng. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (16 tuổi) và trở thành người giữ liên lạc của đồng chí Tô Hiệu.
Năm 1940, trong một chuyến công tác, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, chúng kết án 2 năm tù, quản thúc 5 năm ở Móng Cái. Những năm 1943 - 1945, sau khi liên lạc được với đoàn học sinh Việt Nam, đồng chí được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tạo cơ sở Đảng ở Móng Cái và giữ vững đường liên lạc của Đảng từ Hải Phòng qua Móng Cái ra nước ngoài. Đồng chí đã nhiều lần dẫn đường và tổ chức an toàn các chuyến đi của Tổng bộ Việt Minh sang Trung Quốc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Đào Phúc Lộc (với bí danh Hoàng Minh Đạo) về Hà Nội giữ chức vụ Trưởng phòng Quân ủy hội thuộc Bộ Tổng Tham mưu (tiền thân của ngành tình báo quân sự Việt Nam) khi mới 22 tuổi. Nhận nhiệm vụ nắm bắt tình hình quân Pháp, Nhật, Tưởng và bọn Việt Quốc, Việt Cách thân Tưởng, chỉ với một nhóm cán bộ ít ỏi, cùng những phương tiện liên lạc thô sơ, Hoàng Minh Đạo đã tổ chức mạng lưới tình báo rộng khắp từ nhà hàng, khách sạn, rạp hát, bưu điện, cài cắm người trong hàng ngũ của địch. Với phương châm “lấy dân làm tai mắt”, đồng chí nắm bắt được các thông tin nhanh, giúp cách mạng kịp thời tổ chức tác chiến. Dưới sự chỉ huy đầy sáng tạo của Hoàng Minh Đạo, những chú bé đánh giày, những cô thiếu nữ “lá ngọc cành vàng”, nữ sinh... đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng. Chỉ sau 2 năm (1945 - 1947), Phòng tình báo do Hoàng Minh Đạo đứng đầu đã có mạng lưới đặt tại 23 tỉnh, thành từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đến Thừa Thiên. Thời kỳ này, Hoàng Minh Đạo cũng là người có công lớn mở các lớp giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Nhiều hạt giống của cách mạng đã trưởng thành, là cán bộ nòng cốt trong quân đội và đặc biệt trong ngành tình báo nước ta từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp: Thiếu tướng Cao Pha, vợ chồng Đại tá anh hùng Nguyễn Minh Vân... Đồng thời, dưới sự chỉ huy của đồng chí, nhiều cơ sở bí mật, nhiều cộng tác viên trong nội thành Hà Nội được xây dựng.
Năm 1948, đồng chí Hoàng Minh Đạo được điều động làm Đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu, đi kiểm tra tình hình từ Khu 4 vào Nam Bộ để kiện toàn và thống nhất lại các tổ chức của ngành tình báo, giúp Bộ Tổng Tham mưu có điều kiện chỉ đạo kháng chiến trong toàn quốc. Khi vào đến Nam Bộ, đồng chí được cử làm Trưởng ban Quân báo Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, Bí thư Liên Chi ủy các cơ quan thuộc Phòng Tham mưu Phân liên khu miền Đông.
Tháng 7/1954, đồng chí là thành viên trong Phái đoàn Liên lạc Quân sự 4 bên, giám sát việc thực hiện Hiệp định Genève ở Nam Bộ. Sau đó, đồng chí được phân công ở lại Nam Bộ, hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn - Gia Định. Nhận nhiệm vụ Phó Ban Binh vận Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí vừa xây dựng cơ sở quần chúng để đối phó với địch, vừa đi sâu tìm hiểu chiến lược của chúng.
Những năm 1955 - 1956, sau khi nhận nhiệm vụ khai thác mâu thuẫn giữa các giáo phái ly khai chống Diệm (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên...), đồng chí đã tổ chức, chỉ đạo các lực lượng đi tiếp xúc, khoét sâu vào mâu thuẫn của địch; vừa làm tan rã vừa nắm được tình hình binh lính địch để tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng. Thành công của việc nắm được các tổ chức giáo phái ly khai là nắm được cả trung đoàn và vũ khí, đây là thắng lợi có ý nghĩa to lớn của cách mạng nước ta trong giai đoạn này. Các hoạt động dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Minh Đạo đang diễn ra hết sức thuận lợi thì năm 1957, đồng chí bị địch bắt, giam tại trại giam Phú Lợi. Sau một thời gian bị giam cầm, cùng một số đồng chí trong nhà lao, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã tổ chức vượt ngục thành công, tiếp tục về hoạt động tại Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ.
Những năm 1965 - 1968, đồng chí được cử đi tăng cường cho khu vực trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, giữ trách nhiệm Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư, Chính ủy Phân khu V. Đây là thời kỳ cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, cuộc bám trụ chiến đấu của các lực lượng ta ở chiến trường Phân khu V đầy cam go, ác liệt. Để kịp thời cứu bệnh binh, giảm bớt sự hy sinh của ta, với tầm nhìn của một nhà tình báo, thông tỏ tình hình, nắm sâu quần chúng, hiểu các Trưởng ngũ gia và dân vệ tại các ấp chiến lược, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã xây dựng được một trạm y tế cấp cứu thương binh trong ruột ấp chiến lược tại xã Đông Tân Hiệp, quận Dĩ An, tỉnh Biên Hòa (nay là thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Bệnh xá hoạt động với hình thức: Bệnh viện của Mỹ, thuốc men của Mỹ, bác sĩ của Mỹ nhưng bệnh nhân của ta. Các cán bộ, chiến sĩ bị thương đều theo đường dây bí mật chuyển vào các cơ sở của ta ở ấp chiến lược để y tá sơ cứu, băng bó vết thương. Bệnh xá đã hoạt động trong thời gian dài ngay trong lòng kẻ thù.
Năm 1968, để chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã có quyết định táo bạo khi chọn một số gia đình cách mạng tin cậy ở Bình Phú, Thủ Đức, ngay sát căn cứ Sóng Thần (căn cứ thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa) làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy Tiền phương Phân khu V. Theo đồng chí, địch luôn cho rằng đó là nơi có hỏa lực mạnh nhất nên là nơi an toàn nhất. Chúng không thể ngờ ta lại chọn địa điểm đó làm nơi đóng quân. Các gia đình cơ sở đã đào hầm, làm vách cho các đồng chí ở ngay dưới gầm giường. Được Nhân dân hết lòng ủng hộ, nuôi giấu cán bộ, nên Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu V của ta ngay cạnh địch mà vẫn giữ được bí mật.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, mặc dù ta giành được nhiều thắng lợi lớn nhưng lực lượng cũng bị tổn thất khá nặng nề. Để củng cố, xây dựng lại lực lượng chuẩn bị cho những trận tiến công mạnh mẽ hơn, Trung ương Cục miền Nam đã điều đồng chí Hoàng Minh Đạo từ Phân khu V về làm Bí thư, Chính ủy Phân khu I. Năm 1969, Chính ủy Hoàng Minh Đạo về Trung ương Cục dự họp, báo cáo công tác chuẩn bị chiến trường trên địa bàn. Khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, ghe chở Chính ủy Hoàng Minh Đạo đã đụng thuyền địch, các đồng chí hy sinh dũng cảm giữa dòng nước.
Cuộc đời tuy ngắn ngủi với 46 năm của Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo là cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản trung kiên, luôn chấp nhận mọi hy sinh của bản thân và gia đình, cống hiến toàn bộ tài năng, nhiệt huyết cho Đảng, đất nước, nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của đồng chí đã đi vào lịch sử của sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Có nhiều thời gian công tác với đồng chí Đạo tại chiến khu miền Nam, Campuchia, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, tôi thấy đồng chí Hoàng Minh Đạo là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho tới ngày hy sinh”.
Với những thành tích đã đạt được, đồng chí được Nhà nước truy phong hàm Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 1998) và Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1999). Tên tuổi của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo được đặt cho nhiều đường phố và trường học của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh. Tại TPHCM - vùng đất đồng chí từng chiến đấu và sinh sống - cho một con đường và một trường tiểu học tại Phường 5, Quận 8 được vinh dự mang tên Hoàng Minh Đạo.