Ngay sau hội nghị này, nhiều bài viết trên mạng xã hội, trong đó có cả trang BBC, đã bình luận và đưa ra những cái nhìn phiến diện, tiêu cực về việc đổi tên cũng như công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Đa phần các ý kiến đánh giá tiêu cực về công tác này và có ý xuyên tạc việc đổi tên của Ban Chỉ đạo. Trong số các ý kiến này nổi lên 2 nhóm ý kiến chính.
Một là, họ cho rằng việc đặt tên này là sai, sai từ “gốc rễ” nên sẽ không giải quyết được vấn đề gì: “Tiêu cực là hệ quả của tham nhũng chứ không phải nguồn gốc của tham nhũng. Đặt vấn đề sai, gốc rễ sai thì không thể giải quyết được” (!?).
Hai là, họ cho rằng tham nhũng có nguyên nhân gốc rễ, là “do chế độ”, nên muốn chống tham nhũng phải thay đổi chế độ chứ không chỉ đổi tên (!?).
Có phải việc đặt tên này là sai?
Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, Chống tham nhũng (Luật số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018) định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa “tiêu cực” là: “Không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội[1]”. Còn “hệ quả” là: “Kết quả trực tiếp sinh ra từ sự việc nào đó (thường là việc không hay), trong quan hệ với sự việc ấy[2]”.
Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cách đây 10 năm đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên khi khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng".
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã ban hành Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với những hành động quyết liệt hơn. Trong đó, Nghị quyết đã liệt kê 3 nhóm nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bao gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Nếu như quan niệm tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn thì rõ ràng chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể lợi dụng để tham nhũng. Đây là một loại hành vi tha hóa đạo đức cá nhân để làm những việc bất chính nhằm biến tài sản nhà nước, tài sản của nhân dân thành tài sản riêng hoặc của một nhóm lợi ích.
Còn tiêu cực là một hiện tượng phổ biến và kể cả những người không có chức vụ cũng có thể tiêu cực, đặc biệt là về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ tiêu cực của suy thoái về tư tưởng chính trị, nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời rất dễ dẫn tới suy thoái về đạo đức lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó biểu hiện thứ 7 được chỉ ra là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực, mà cụ thể ở đây là những tiêu cực trong suy thoái về tư tưởng chính trị và một phần lớn từ suy thoái về đạo đức, lối sống. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực chứ không phải “tiêu cực là hệ quả của tham nhũng” như luận điệu nêu trên. Vì vậy, không thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam đặt vấn đề “sai từ gốc rễ” mà đây hoàn toàn là cách đặt vấn đề mang tính chất phòng ngừa từ xa, từ sớm những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa tham nhũng.
Phải chăng tham nhũng là do chế độ?
Tham nhũng là một hiện tượng mang tính xã hội và có ở mọi xã hội, mọi thời đại, mọi quốc gia. Thực tế chứng minh rằng hầu hết các nước trên thế giới đều có hiện tượng tham nhũng, trong đó, tham nhũng ở nhiều quốc gia đa đảng còn khủng khiếp. Năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã xếp hạng những quốc gia có nạn tham nhũng nhất thế giới thì hầu hết các quốc gia này đều đa đảng, đa nguyên chính trị. Năm 2015, trang Lolwot đã điểm tên 10 chính trị gia được cho là có hành vi tham nhũng quy mô lớn nhất thế giới bao gồm: Spiro Agnew (Phó Tổng thống Mỹ 1969 - 1973), Randy Duke Cunningham (Nghị sĩ Hạ viện Mỹ 1991 - 2005), Alberto Fujimori (Tổng thống Peru 1990 - 2000), Sani Abacha (Tổng thống Nigeria 1993 - 1998), Saddam Hussein (Tổng thống Iraq 1979 - 2003), Slobodan Milosevic (Tổng thống Serbia 1989 - 1997 và là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nam Tư 1997 - 2000), Mobutu Sese Seko (Tổng thống Cộng hòa Congo 1965 - 1997), Ferdinand Marcos (Tổng thống Philippines 1965 - 1986), Mohamed Suharto (Tổng thống Indonesia 1967 - 1998)[3]…
Luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do “chế độ”, phải chăng hàm ý cho rằng vì chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền và lại là đảng cộng sản, nên là nguyên nhân gây ra tình trạng tham nhũng? Hiện hầu hết các nước đều có nhiều đảng phái. Nhìn vào danh sách các chính trị gia bị liệt kê tham nhũng như trên, tất cả họ đều ở các quốc gia đa đảng và cũng không ai ở các quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo. Vậy thì, luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do “chế độ” chắc chắn là không thuyết phục.
Còn nhớ, trước đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Chính phủ và do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Kể từ ngày 1/2/2013, theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo được chuyển từ Chính phủ sang Đảng và người đứng đầu là Tổng Bí thư. Thực tiễn đã chứng minh rằng kể từ khi có sự thay đổi này thì công cuộc phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Do đó, việc thay đổi cơ quan chỉ đạo, thay đổi người đứng đầu hay việc đổi tên cũng là việc làm bình thường.
Và việc đổi tên Ban Chỉ đạo lần này để mở rộng thêm phạm vi, quyền hạn chính là bước tiến mới mạnh mẽ hơn trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn từ gốc những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa từ xa các hành vi tham nhũng.
Trung Hanh
-----------
[1] Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2011, tr.1272.
[2] Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.560.
[3] https://nongnghiep.vn/10-chinh-tri-gia-tham-nhung-khung-nhat-the-gioi-d147990.html