Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân phát biểu tại chương trình. (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/9, Báo Người Lao Động tổ chức Tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn". Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội; Sở Lao động - Thương binh - Xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TPHCM và các doanh nghiệp…
3 tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho biết, thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Trong đó có sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Cùng với đó, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động.
Tại chương trình, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đã đặt ra nhiều vấn đề của thị trường tuyển dụng. Theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 85% doanh nghiệp trả lời khảo sát của Việc Làm Tốt cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Khoảng 30% doanh nghiệp trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế…
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang tồn tại bất cập. Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp vẫn tuyển không được người với hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông cần tuyển.
Đáng chú ý, nhu cầu của người lao động hiện nay cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là top 3 tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động. Cùng với đó, xu hướng làm việc linh động đang gia tăng ở một số nghề. Có khoảng 30% nhân sự chuyển sang hình thức bán thời gian, làm việc từ xa, lao động tự do.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP HCM Phạm Anh Thắng nhấn mạnh, thị trường lao động là một trong 3 đầu vào của nền kinh tế, tác động rất lớn đến nền kinh tế xã hội. Tình hình lao động việc làm, thị trường lao động tại Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động.
Theo ông Phạm Anh Thắng nhấn mạnh, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển. Cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề trên cả nước, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động, từ đó có được lực lượng lao động có tay nghề.
Các đại biểu tham dự chương trình. Quý 4 cần khoảng 78.120 - 83.328 lao động
Liên quan đến thị trường lao động tại TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TPHCM) Phạm Văn Cẩn cho biết, thị trường lao động TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2024 có xu hướng phát triển tích cực phù hợp với xu hướng kinh tế và nhu cầu phát triển của TP. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản. Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, marketing,… đồng thời chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã thực hiện khảo sát 52.175 lượt doanh nghiệp với 230.378 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,12%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,48%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,40%. Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2024 cần khoảng từ 78.120 – 83.328 lao động.
Ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các KCX-CN TPHCM thông tin, nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp KCX-CN TP hiện nay cần khoảng 7.392 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên là 1.005 người, tập trung ở các doanh nghiệp ngành công một nghệ thông tin, công nghệ cao. Lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp là 650 người. Lao động phổ thông là 5.698 người, chủ yếu ở các doanh nghiệp ngành may mặc với 3.402 người.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều quan tâm tổ chức đào tạo, huấn luyện người lao động khi vào làm việc để đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lao động Việt Nam để bố trí, sử dụng vào các vị trí chức danh công việc quản lý như tổ trưởng, chuyền trưởng, quản đốc, trưởng phòng ban, giám đốc... được chủ doanh nghiệp đưa sang công ty mẹ ở nước ngoài để đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ, từng bước thay thế chuyên gia nước ngoài.
Đại diện Ban Quản lý các KCX-CN TP cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng doanh nghiệp đào tạo ở tĩnh vực, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT); dữ liệu lớn (Big Data); giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; điều khiển công nghiệp; lĩnh vực Logistics… Cùng với đó là thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ở các nội dung: chương trình, giáo trình đào tạo, thời gian thực hành tại doanh nghiệp, vật tư tiêu hao với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% thời lượng thực hành chuyên sâu tại các doanh nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục vận hành mô hình này trong việc đào tạo tại đơn vị.