Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa nêu ý kiến tại hội thảo(Thanhuytphcm.vn) – Làm thế nào để đối phó và thích ứng khi Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Đây là vấn đề được các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TPHCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ” do UBND TPHCM tổ chức vào sáng 9/4.
Cần những chính sách giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường
Từ sự phân tích những tác động và kịch bản đưa ra từ Viện Nghiên cứu phát triển TP, tại hội thảo, theo GS.TS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Mỹ, cho rằng mục tiêu cần quan tâm hiện nay là hàng Việt Nam phải vào thị phần của Mỹ nhiều hơn, cần mở rộng xuất khẩu dịch vụ và tăng tăng lực doanh nghiệp Việt Nam. Ông cũng phân tích một số thuận lợi của TP là hằng năm TP có tổ chức diễn đàn mùa thu TPHCM tại Hoa Kỳ, đây là cơ hội tốt để TP phối hợp bộ, ngành, địa phương tạo ra đối tác xuất khẩu đầu tư mạnh, sang tìm mặt hàng đầu tư sang Mỹ, cùng với đó cộng đồng người Việt tại Mỹ khá đông tạo ra liên kết tốt. Hiện Việt Nam cũng đang tập trung thực hiện Nghị quyết 57 và nghị quyết phát triển doanh nghiệp tư nhân là nền tảng thúc đẩy tăng lực doanh nghiệp phát triển.
Do vậy, GS.TS. Trần Ngọc Anh đề xuất một số giải pháp toàn diện, đó là sử dụng số liệu để phát hiện, giải quyết điểm nghẽn của doanh nghiệp; lãnh đạo TP có thể sử dụng hệ thống quản trị thực thi để điều hành hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hiệu quả; cần đối thoại định kỳ, thường xuyên với doanh nghiệp và đề xuất thành lập các đặc khu có sự kết nối với Singapore, Châu Âu và Nhật Bản giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đại diện doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa nêu một số kiến nghị trong thời gian chờ đàm phán với Mỹ, cần có chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp với một số ngành hàng. Giải quyết vấn đề minh bạch nguồn gốc hàng hóa để giải quyết vấn đề xuất xứ, thể chế hóa luật hóa việc truy xuất nguồn gốc, giải quyết bài toán “rửa” xuất xứ, góp phần cho việc giảm thuế.Một vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi theo hướng sản phẩm theo phân khúc thị trường cao hơn, đặc trưng, để đáp ứng điều này phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 98, Nghị quyết 09 của HĐND.
Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểuÔng Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM kiến nghị, Chính phủ nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ tài chính như gia hạn thuế hoặc bổ sung các khoản vay thanh khoản để giảm bớt áp lực tài chính trong ngắn hạn, để ngành gỗ duy trì dòng tiền ổn định có thể tiếp tục mua nguyên liệu sản xuất. Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp FDI dựa trên giá trị gia tăng thay bì tập trung vào kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời cần chú trọng hơn vào tỷ lệ nguyên liệu nội địa trong chứng nhận xuất xứ để đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ.
Mở rộng thị trường xuất khẩu: Việt Nam cần có những chính sách giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường thay vì tập trung xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam ít bị tác động khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách thuế và rào cản thương mại. Việt Nam cần tăng thuế nhập khẩu gỗ từ các quốc gia khác, ưu tiên sử dụng nguyên liệu gỗ trong nước hoặc nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu Đan TPHCM đề xuất, thành lập tổ điều phối liên ngành cấp Chính phủ cho ngành dệt may tương tự tổ công tác đặc biệt thời Covid, để chủ động phản ứng trước mọi kịch bản phòng vệ thương mại. Giãn thuế, hoãn nợ vay cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi nguồn cung, hoặc đổi mới công nghệ theo hướng ESG. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa, ứn dụng công nghệ truy xuất theo lô hàng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được trao đổi với doanh nghiệpDoanh nghiệp nghiên cứu tự mình vượt khó
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết một số nhiệm vụ Sở Công thương thực hiện trước mắt và lâu dài, đẩy nhanh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho khối doanh nghiệp sản xuất, đưa nguồn vốn ưu đãi của TP đến doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong nước và xuất khẩu. Tăng cường tham mưu để UBND TP bố trí nguồn lực để các Hiệp hội giảm thiểu chi phí trong tiếp cận thị trường, tiếp tục phát huy hoạt động hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, định vị lại sản phẩm lợi thế cần làm quyết liệt hơn, thông qua Hiệp hội ngành nghề tăng cường sản phẩm “made by Vietnam”. Đồng thời, duy trì kênh kết nối các cơ quan của Bộ Công thương thông tin kịp thời tiến trình đàm phán giải quyết đối với các cơ quan liên quan. Dự kiến, quý 2 tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được cho rằng hội thảo chính là bước chuẩn bị mang tính chủ động để đáp ứng kỳ vọng của Trung ương, người dân về tăng trưởng kinh tế TP... Qua ý kiến phân tích tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được nhìn nhận doanh nghiệp cần bình tĩnh đón nhận, phân tích, theo dõi tình hình chính sách thuế mới của Mỹ. Hiện xuất khẩu qua Mỹ vẫn bé so với tổng lượng xuất khẩu chung từ các thị trường. Đây là cơ hội tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó chuyển sang công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi sang những ngành mới, ngành dùng nhiều trí tuệ nhưng ít vốn mà giá trị gia tăng cao.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu tổng kết hội thảoTheo đồng chí Nguyễn Văn Được, việc Mỹ áp chính sách thuế mới chắc chắn tác động tâm lý doanh nghiệp trong nước và cả FDI đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Lạc quan nhưng không quá thái quá nhưng cần nhìn theo hướng tích cực để tái cơ cấu lại nền kinh tế. “Chính quyền luôn hỗ trợ nhưng doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu tự mình vượt khó. Đặc biệt, chú trọng nâng tỷ lệ hàng hóa “made by Vietnam” lên cao hơn để tăng trưởng bền vững. Đồng thời phát triển ngành mới với quy mô vốn rất ít nhưng giá trị gia tăng cao”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Về giải pháp, đồng chí Nguyễn Văn Được cho biết sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI để lắng nghe ý kiến góp ý, tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng về thuế đối ứng để không bị hoang mang. Về nội lực, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ các dự án gặp vướng mắc, cản trợ sự phát triển của TPHCM. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại một cách hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ trung tâm tài chính, đào tạo lao động chất lượng cao,…