Thứ Hai, ngày 12 tháng 5 năm 2025

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM góp ý nhiều nội dung quan trọng trong các dự án luật về hình sự và thi hành án

Quang cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự về các nội dung liên quan đến hình phạt tử hình; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân chủ trì hội thảo.

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, chuyên sâu từ các chuyên gia pháp lý, đại biểu Quốc hội, cán bộ cơ quan thực thi pháp luật và luật sư, tập trung vào các nội dung mang tính nguyên tắc, bảo đảm quyền con người, phù hợp xu thế pháp lý quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến hình phạt tử hình, nhiều đại biểu thống nhất rằng tử hình là hình phạt đặc biệt nghiêm khắc, chỉ nên áp dụng với các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà các hình phạt khác không đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (theo Điều 142), thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, việc áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp này là quá nghiêm khắc, không tương thích với các quy định khác trong Bộ luật Hình sự; đồng thời không phù hợp với tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em – văn kiện quốc tế mà Việt Nam là một trong những nước phê chuẩn sớm nhất.

Theo Công ước quyền trẻ em quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, trong khi Luật Trẻ em Việt Nam quy định là dưới 16 tuổi. Điều 141 (tội hiếp dâm) xử lý nhẹ hơn đối với người bị hại từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Như vậy, cùng là trẻ em theo định nghĩa quốc tế nhưng lại chịu chế tài khác nhau. Luật sư Trương Thị Hòa cũng dẫn chứng nhiều quốc gia đã không còn áp dụng án tử hình cho tội hiếp dâm, kể cả với nạn nhân là trẻ em, nhằm bảo đảm nhân đạo, tương thích với pháp luật quốc tế.

Đối với dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định rõ nhiệm vụ của Công an cấp xã trong việc giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đây là một lực lượng trực tiếp tiếp cận địa bàn nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý cụ thể, dễ dẫn đến lúng túng trong xử lý, giám sát và báo cáo.

Đáng chú ý, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến nhu cầu hoàn thiện cơ chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, nhất là trong trường hợp pháp nhân không tuân thủ quyết định của cơ quan thi hành án như đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh…; đồng thời kiến nghị bổ sung trách nhiệm phối hợp của cơ quan đăng ký doanh nghiệp trong việc giám sát thi hành án.

Ngoài ra, các đại biểu đề xuất sửa đổi điểm a1 khoản 1 Điều 27 theo hướng bỏ từ “một phần” trong cụm “một phần bộ phận cơ thể”. Lý do là khái niệm “bộ phận cơ thể người” đã được Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác năm 2006 quy định rõ. Cách diễn đạt như hiện nay dễ gây hiểu nhầm và không thống nhất với các luật chuyên ngành.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân điều hành hội thảo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân điều hành hội thảo

Tăng cường giám sát, bổ sung chế tài xử lý vi phạm

Góp ý cho dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giám sát và xử lý đối với người bị cấm đi khỏi nơi cư trú có hành vi vi phạm như rời khỏi địa bàn trái phép.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định giao trách nhiệm cho Công an cấp xã lập biên bản, báo cáo cơ quan tố tụng và đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn khi cần thiết. Điều này nhằm đảm bảo tính liên thông, kịp thời giữa các lực lượng trên thực tế.

Về điều kiện vật chất tại cơ sở giam giữ, các đại biểu kiến nghị luật cần quy định mức tối thiểu rõ ràng về diện tích, ánh sáng, vệ sinh… cho buồng giam. Đồng thời, cần quy định bắt buộc việc trang bị và sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, giám sát hình ảnh – nhất là đối với người bị kết án tử hình. Đặc biệt, trại tạm giam cần được trang bị hệ thống camera giám sát toàn bộ, dữ liệu lưu trữ tối thiểu 30 ngày để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra.

Góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng thẩm quyền điều tra cho Công an cấp xã – lực lượng đang đảm nhiệm ngày càng nhiều nhiệm vụ thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, cần đi kèm các quy định rõ ràng về phạm vi, trách nhiệm, tránh để xảy ra tình trạng vượt thẩm quyền hoặc vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền con người.

Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan điều tra, đơn vị được giao nhiệm vụ điều tra. Các đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa nguyên tắc phân định thẩm quyền, đặc biệt trong trường hợp có xung đột giữa các lực lượng. Đồng thời, đề nghị bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền ưu tiên trong điều tra, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với mối quan hệ giữa hoạt động điều tra và trinh sát, các ý kiến đánh giá cao việc đưa nội dung này vào luật. Tuy nhiên, cần thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng để đảm bảo chứng cứ do lực lượng trinh sát cung cấp được “chuyển hóa” đúng trình tự tố tụng – bảo đảm giá trị pháp lý trong quá trình buộc tội. Các bước như lập biên bản xác nhận, niêm phong tài liệu, bàn giao giữa các lực lượng cần được luật hóa cụ thể.

Một điểm mới được đề xuất tại hội thảo là tăng cường vai trò giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự. Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, cần bổ sung cơ chế giám sát xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vào dự thảo luật. Đây là lực lượng giám sát đặc thù với nền tảng pháp lý từ Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo luật sư, việc giám sát của MTTQ không chỉ góp phần bảo vệ quyền con người, mà còn nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp sát thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu, chuyên gia, luật sư; đồng thời cho biết các nội dung góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH TP tổng hợp, nghiên cứu, phản ánh đến các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo