Cả 3 thế hệ gia tộc Minh Tơ trên sàn tập cho chương trình công diễn tối 1/5.(Thanhuytphcm.vn) - Với khán giả mộ điệu cải lương, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ là một cái tên đặc biệt gắn với một gia tộc nghệ thuật có 6 đời cống hiến cho sân khấu. Sau gần 30 năm tạm cất bảng hiệu, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ chính thức tái ngộ khán giả vào tối 1/5 tại Sân khấu nhỏ Sen Việt (Quận 3).
Trong tình hình sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, sự trở lại của một “thương hiệu” lớn như Minh Tơ là tín hiệu vui tiếp thêm động lực cho người làm cải lương nhưng đồng thời cũng là sự mạo hiểm lớn. Tuy nhiên quyết định được đưa ra với sự đồng lòng của các thành viên trong gia tộc Minh Tơ với mong muốn giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương tuồng cổ được chính các bậc cha chú sáng tạo khai phá và phát triển, nay lại đứng trước nguy cơ mai một. “Vì thế, lần này, đoàn cũng hướng đến một sân khấu truyền nghề. Việc chọn dựng kịch bản Lưu Bị cầu hôn giang tả (soạn giả: cố NSND Thanh Tòng) khai diễn cũng thể hiện dụng ý đó. Đây là một kịch bản mẫu mực với nhiều lớp diễn kinh điển của nghệ thuật cải lương tuồng cổ, phô bày được tất cả sự hấp dẫn của âm nhạc sống động, nghệ thuật biểu diễn sâu sắc cũng như vũ đạo điêu luyện của người nghệ sĩ. Đây cũng là một trong những vở diễn ăn khách nhất của đoàn trước đây. Dựng lại, con cháu trong nhà chưa có dịp diễn qua hay xem vở sẽ được tìm hiểu lại những tinh hoa mà người đi trước đã để lại. Cũng như giới thiệu lại với khán giả hôm nay phong cách cải lương tuồng cổ Minh Tơ vốn mang dấu ấn riêng”, nghệ sĩ Công Minh, người khơi gợi ý tưởng tập hợp các thành viên trong gia tộc đưa bảng hiệu Minh Tơ trở lại, cho biết.
Nhiều lớp diễn nổi tiếng, điển hình như Bão táp Nguyên Phong của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ gần như đã trở thành mẫu mực, được biểu diễn thường xuyên ở các chương trình, các cuộc thi và đều được khán giả yêu thích.Từ gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban dưới mái đình Cầu Quan những năm đầu thế kỷ XX, các thế hệ của gia tộc Bầu Thắng - Khánh Hồng - Minh Tơ - Thanh Tòng nối tiếp nhau lao động nghệ thuật và không ngừng sáng tạo để dần hình thành một loại hình đặc sắc là cải lương tuồng cổ, có sự kết hợp giữa nghệ thuật hát bội, nghệ thuật cải lương, du nhập và Việt hóa một số yếu tố của kịch nghệ nước ngoài. Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ là nơi bồi dưỡng rất nhiều tài năng gồm cháu con dâu rể trong nhà, như: Thanh Tòng, Đức Phú, Xuân Yến, Thanh Loan, Công Minh, Minh Tâm, Trường Sơn, Điền Thanh, Bạch Lê, Thanh Bạch, Hữu Cảnh, Bạch Long, Kim Tử Long, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo, Điền Trung… Từ những kịch bản vay mượn yếu tố nước ngoài ban đầu, qua những nỗ lực sáng tạo và ý thức “tự cường văn hóa” ngày càng mạnh mẽ, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã đưa những vở cải lương lịch sử, như: Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Tô Hiến Thành xử án, Thanh gươm và nữ tướng, Má hồng soi kiếm bạc, Bức ngôn đồ Đại Việt… chinh phục khán giả.
Thế hệ thứ 6 của gia tộc đã bộc lộ năng khiếu từ bé, sẵn sàng nối nghiệp gia đình.Vở Lưu Bị cầu hôn giang tả ra mắt trở lại có sự góp mặt của 3 thế hệ gia tộc Minh Tơ là: NSƯT Trường Sơn, Công Minh, Xuân Yến, Thanh Loan, Xuân Thu (thuộc thế hệ thứ 4), NSƯT Tú Sương, Điền Trung, Xuân Trúc, Lê Thanh Thảo (thuộc thế hệ thứ 5), hai bé Hồng Quyên - Tú Quyên (thuộc thế hệ thứ 6)… “Trước mắt, đoàn sẽ diễn ổn định hàng tuần tại Sân khấu nhỏ Sen Việt. Sau đó mỗi 3 tháng sẽ đưa 2 vở quy mô lớn ra phục vụ khán giả ở sân khấu lớn. Nghệ sĩ cũng không chỉ khép kín trong các thành viên gia tộc mà vẫn mở rộng chào đón những anh em từng cộng tác, những bạn trẻ yêu mến thương hiệu Minh Tơ và mong muốn góp sức giữ lửa cho sàn diễn. Đây là trách nhiệm mà mọi thành viên trong gia tộc cùng chia sẻ lần này, không thể để nghệ thuật cải lương tuồng cổ của gia đình mai một”, nghệ sĩ Công Minh bày tỏ.