Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Điều nên và không nên của cán bộ đối với dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, tặng quà cho cụ già người dân tộc thiểu số tại tỉnh Lào Cai, tháng 9/1958. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) – Trong một bài viết vào ngày 5/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “tất cả anh chị em các bộ đội, cơ quan chính phủ và các đoàn thể, trong khi tiếp xúc hoặc sống chung với nhân dân, ai ai cũng phải nhớ và thực hành 12 điều”. Trong đó, một số điều có gắn bó trực tiếp với điều kiện kháng chiến nhưng những điều khác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là 2 điều “không nên”: “Không bao giờ sai lời hứa”, “Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”; cùng 2 điều “nên”: “Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín” và “Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”. Cuối bài viết này, Người làm một bài thơ, kết thúc bằng 2 câu nổi tiếng: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1].

Các lời dặn dò trong bài viết và ở các câu trích ở trên được Hồ Chí Minh viết trên quan điểm cực kỳ quan trọng, được thể hiện ở câu đầu tiên của bài: “Nước lấy dân làm gốc”. Đây cũng là điều Người đã nhất quán trong nhiều bài viết, bài nói khác. Vì trên tinh thần đó nên với Người, nhân dân là chủ thể cần được đặc biệt tôn trọng, cả ở thái độ, lời nói và các hành động cụ thể.

Trong điều kiện hiện nay, khi dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, 2 điều “không nên” và 2 điều “nên” ở trên vẫn có sức sống bền vững.

Ở điều “Không bao giờ sai lời hứa”, đây là một trong yếu tố thể hiện tư cách của người cán bộ, đảng viên: nói phải đi đôi với làm, nói được làm được, phải luôn giữ chữ “tín”, đã hứa thì phải giữ lời… Trên thực tế, đây đó còn có cán bộ chưa giữ lời hứa với dân, như khi vận động bầu cử thì hứa hẹn nhiều điều nhưng khi đắc cử thì thực hiện chưa tương xứng; lúc phát biểu thì hăng hái, mạnh dạn nhưng khi hành động thì cầm chừng, ngần ngại…; khi cần động viên người dân thì hứa nhiều điều nhưng sau đó thì thoái thác việc thực hiện lời hứa… Trên thực tế, giữ chữ “tín” không chỉ là tư cách của một cán bộ, đảng viên mà còn là đạo đức của một người bình thường. Gần như bất kỳ người nào không quên chữ “tín” đều được người khác tôn trọng và từ đó khẳng định được uy tín cá nhân. Nên các cán bộ, đảng viên càng cần thể hiện uy tín, không chỉ để làm gương mà còn định hướng, dẫn dắt quần chúng, nhân dân đi theo, đúng như câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Do đó, từng người cần “tự soi” bản thân để xem mình đã giữ lời hứa đến đâu, liệu có lần nào thất hứa không, liệu nói và làm có song hành nhau không…, để từ đó “tự sửa” mà hoàn thiện bản thân hơn.

Ở điều “Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”, sự tôn trọng nhân dân phải được thể hiện rõ ở từng thái độ, cử chỉ, hành động… Trọng dân không phải là một hình thức, một “thủ thuật” mà phải xuất phát từ nhận thức, từ tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên và từ đó bộc lộ ra bên ngoài. Thế nhưng, từng lúc từng nơi vẫn có cán bộ, đảng viên chưa thể hiện rõ tinh thần đó, như còn lớn tiếng, thậm chí quát nạt dân; trong trao đổi còn “trống không” hoặc chưa lắng nghe đầy đủ, chưa có sự thấu cảm với hoàn cảnh, tình trạng của người dân; còn quan liêu, hách dịch hoặc sống xa cách, có sự xa hoa quá mức so với điều kiện sống của người dân… Đã thiếu tôn trọng dân thì rất khó thuyết phục dân để người dân tin và hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động… do Đảng và Nhà nước phát động. Dù sự thiếu tôn trọng đó chỉ cá biệt ở một số ít cán bộ, đảng viên nhưng dễ bị quy kết thành hiện tượng chung của cả đội ngũ, cả hệ thống, từ đó ảnh hưởng để hình ảnh, uy tín của cả bộ máy. Do đó, cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện về tinh thần tôn trọng dân, quan tâm chăm lo và chia sẻ với nhân dân về mọi mặt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cán bộ và nhân dân xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, ngày 14/4/2018. (Ảnh minh họa: TTXVN) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cán bộ và nhân dân xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, ngày 14/4/2018. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ở điều “Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín” vừa nhấn mạnh đến yếu tố “hiểu dân”, nhất là hiểu về phong tục, tập quán, thói quen, nếp sinh hoạt của người dân ở nơi mình công tác, vừa quan tâm đến việc đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về đời sống mới văn minh, tiến bộ. Điều này rất có ý nghĩa đối với việc cán bộ, đảng viên tiếp xúc, vận động bà con người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, người vừa từ vùng khác chuyển đến…, vì không hiểu thì sẽ khó gây được cảm tình và có thể có hành động, lời nói chưa phù hợp. Dù xã hội ngày càng văn minh nhưng không có nghĩa là không có những biểu hiện chưa phù hợp, có một số thói quen chưa tốt như mê tín dị đoan, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường, chưa thể hiện văn hóa giao thông… vốn hiện nay vẫn tồn tại không ít. Do đó, cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương, gần dân, hiểu dân để việc tuyên truyền, vận động đạt kết quả tích cực.

Ở điều “Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật” thực sự là một đòi hỏi quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Xã hội thời nào thì đây vẫn là lực lượng “tinh hoa”, là những người phải tiền phong, gương mẫu, là những người có tính dẫn dắt, truyền cảm hứng cho người nhóm người khác…, nên phải luôn khẳng định tính đứng đắn, trong sáng trong ứng xử, tính chăm chỉ, cần cù trong công tác, tính kỷ luật, khuôn phép trong sinh hoạt. Đó là việc phải xây dựng hình ảnh đẹp trong đội ngũ, trong công sở cả về tư cách cá nhân lẫn cách phục vụ nhân dân, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động, ngày càng thuyết phục được nhân dân. Do đó, từng cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ mình là người có đạo đức cách mạng, là người có tính đảng cao, thượng tôn pháp luật… và không ngừng trau dồi, rèn luyện để ngày càng khẳng định rõ hơn điều đó.

Đương nhiên, cán bộ, đảng viên có rất nhiều điều “nên” và “không nên” trong ứng xử, trong hành động với nhân dân nhưng những điều ở trên mang tính căn cốt, nền tảng cho nhiều điều khác mà mỗi người cần phải nhớ, thực hiện và ngày càng thể hiện rõ nét. Từng người trong hệ thống chính trị làm được điều đó thì quan điểm “nước lấy dân làm gốc” của Đảng ta càng được khẳng định!

Vân Tâm

_________________

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.501-502.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo