Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Diện mạo văn học - nghệ thuật TPHCM phát triển hơn nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu kết luận tại buổi khảo sát

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/2, đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Chương trình hành động số 45-CTrHD/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW do Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TPHCM.

Những thành quả bước đầu đáng khích lệ

Báo cáo với đoàn khảo sát, Sở VHTT TPHCM cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU của Thành ủy trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Song với quan điểm “gắn chặt chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa với chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm hàng đầu việc xây dựng con người với những chuẩn mực về giác ngộ chính trị, về kiến thức văn hóa, về đạo đức, lối sống tốt đẹp”; với mục tiêu “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng bộ TP, đời sống văn học, nghệ thuật TPHCM diễn ra sôi động, tích cực vừa phát triển bề rộng, vừa đi vào chiều sâu đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ.

Bên cạnh các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, thì các loại hình nghệ thuật cổ điển phương Tây như nhạc giao hưởng, opera, góp phần hình thành nên bộ mặt văn hóa nghệ thuật của TPHCM ngày càng đa dạng, phong phú. Quá trình xây dựng ngành Công nghiệp văn hóa ở thành phố được khẳng định rõ nét thông qua nhiều thương hiệu mang đậm dấu ấn, khẳng định tính sáng tạo, năng động, không ngừng đổi mới của các cấp lãnh đạo và đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Phó Giám đốc Sở VHTT TP Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, lĩnh vực văn học - nghệ thuật của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực, ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc. Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có bước phát triển mới, theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở;…

Toàn cảnh buổi làm việc Toàn cảnh buổi làm việc

Đánh giá kết quả, hiệu quả xã hội của các hoạt động sáng tạo trên từng lĩnh vực cụ thể như văn học, âm nhạc, điện ảnh, múa, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số… đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng cho biết thời gian qua đã phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng, các chương trình nghệ thuật được kiểm duyệt nghiêm túc, có sự tư vấn, cố vấn, đóng góp ý kiến hiệu quả, thiết thực từ các cấp lãnh đạo, ban ngành.

Công tác quản lý còn hạn chế

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, việc chấn chỉnh, khắc phục những lệch lạc, sai sót trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có lúc chưa kịp thời, những hoạt động biến tướng chậm bị phát hiện; xu hướng thương mại hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng vẫn còn chi phối hoạt động của một vài đơn vị hoạt động nghệ thuật; tiếp thu văn hóa ngoại lai chưa trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, có nơi, có lúc còn có hiện tượng quảng bá lối sống thực dụng, lai căng đã tác động không nhỏ lên một bộ phận giới trẻ; công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ trẻ, việc giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ cho các tầng lớp công chúng vẫn còn nhiều bất cập…

Việc đầu tư cho thiết chế văn hóa, cho hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn chưa đúng mức so với tầm cỡ và tiềm năng phát triển kinh tế của TP. Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nghệ sĩ còn hạn chế; một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ không yên tâm để gắn bó với các đơn vị nghệ thuật nhà nước vì nhiều lý do, nhưng lý do chủ yếu vẫn là đời sống kinh tế quá thấp. Những hạn chế, yếu kém nêu trên cho thấy việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng cần được tiến hành cấp bách, đồng thời phải có sự đổi mới của chính quyền các cấp trong nhận thức về mối tương quan hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, trong đó có văn học – nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan, đoàn thể hữu quan là một yếu tố quan trọng trong công tác “chống và xây” trên mặt trận văn học – nghệ thuật.

“Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có mặt còn hạn chế, chưa chặt chẽ; cơ chế tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; đầu tư kinh phí cho hoạt động văn học nghệ thuật chưa đáp ứng nhu cầu; việc tập hợp lực lượng, sáng tác tác phẩm mới, nâng cao chất lượng tác phẩm, kinh phí đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật chưa nhiều, làm ảnh hưởng nhất định đến việc duy trì và phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật sâu rộng trong nhân dân”, lãnh đạo Sở VHTT TP nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy báo cáo với đoàn khảo sát Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy báo cáo với đoàn khảo sát

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chức năng trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, báo cáo tình hình, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của ban Thường vụ Thành ủy từng lúc còn thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Các bước tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động khá chu đáo, bài bản nhưng chưa đều khắp, chủ yếu chỉ mới tập trung ở các đơn vị có chức năng tuyên truyền, quảng bá. Ngoài ra, các đơn vị cũng chưa thể hiện tốt tính chủ động và thường xuyên trong công tác kiểm tra, giám sát…

Làm rõ và sâu thêm nhiều nội dung

Kết luận tại buổi giám sát, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, tại TPHCM, đời sống văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến. Thành phố là địa phương quy tụ khá nhiều trí thức, trong đó có lực lượng văn nghệ sĩ. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đã hoạt động sôi nổi, có nhiều cống hiến cho nền văn học - nghệ thuật TPHCM nói chung và của cả nước, làm nổi bật lên hình ảnh của một Thành phố với đời sống văn học - nghệ thuật đa dạng.

Chương trình biểu diễn di sản Đờn ca tài tử trước không gian Nhà hát Thành phố được công chúng đón nhận nồng nhiệt Chương trình biểu diễn di sản Đờn ca tài tử trước không gian Nhà hát Thành phố được công chúng đón nhận nồng nhiệt

Tuy nhiên, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng tâm tư: “Sau 15 năm, Nghị quyết góp phần cho TP phát triển, nhưng cũng thấy rằng thời đại công nghệ số đang điều khiển những yếu tố chúng ta mong ước trong Nghị quyết đã đề ra trước đây. Khi công nghệ phát triển cuốn theo mọi nhu cầu, lợi ích cuộc sống, thách thức chúng ta thích ứng như thế nào, nắm bắt ra sao và phải có chiến lược gì để phù hợp. Trận địa văn học - nghệ thuật chúng ta vẫn còn khiêm tốn, chúng ta xây chưa được nhiều nhưng phá đi thì không ít. Nhiều nhà hát, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không được đầu tư, điều này làm giảm thu hút công chúng đến với nghệ thuật. Cạnh đó còn những bất cập trong chính sách đào tạo… Nếu không có những khó khăn, bất cập này sẽ góp phần cho diện mạo văn học - nghệ thuật phát triển hơn rất nhiều. Đây là vấn đề chúng tôi vô cùng đau đáu, chưa làm tốt như mong muốn”.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, trong quá trình khảo sát, đoàn sẽ gặp trực tiếp các đơn vị để làm rõ và sâu thêm nhiều nội dung, nhằm xây dựng các báo cáo cụ thể hơn. Cùng với báo cáo đánh giá và phân tích của Sở VHTT TP cũng như ý kiến các văn nghệ sĩ, đơn vị quản lý văn hóa - nghệ thuật, tuy chưa đầy đủ hết nhưng đã gợi ra nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng, đánh giá, chúng ta cần có tầm nhìn khái quát và đặt ra những hướng giải quyết đúng đắn, mang lại sắc thái tích cực hơn, để làm sao phản ánh đúng tình hình văn học - nghệ thuật đối với đô thị lớn như TPHCM”.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo