Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Đề xuất phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 2 môn thi tự chọn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.

Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng; các ủy viên Hội đồng; một số chuyên gia giáo dục; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Tại phiên họp, Bộ GD-ĐT đã trình bày dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, với các nội dung: cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; nguyên tắc cốt lõi xây dựng phương án thi; quá trình xây dựng phương án thi; những điểm mới của dự thảo phương án thi; nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi…

Theo Bộ GD-ĐT, Bộ đã lấy ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn. Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn.

Kết quả, đa số lựa chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc. Dựa trên kết quả này cùng các ý kiến góp ý, cũng như dựa theo những nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD-ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một. Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của ba năm gần đây luôn khoảng 64-68%.

Bên cạnh đó, Bộ cho rằng với 9 môn lựa chọn, học sinh đã được kiểm tra, đánh giá toàn diện, thể hiện điểm số trong học bạ. Việc được lựa chọn hai môn thi tạo điều kiện để thí sinh theo đuổi định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích của bản thân. Các em có thể tiếp tục học lên đại học, học nghề hay tham gia vào thị trường lao động ngay.

Sau khi đại diện Bộ GDĐT trình bày dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đa số ý kiến thành viên hội đồng ủng hộ phương án 2+2 (phương án thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong các môn thi còn lại được học ở lớp 12 gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Các thành viên hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ GD-ĐT về dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Phó Thủ tướng chỉ đạo, các thành viên Hội đồng đã chọn phương án 2+2; đề nghị Bộ GD-ĐT có đề án toàn diện, bài bản, trong đó có vấn đề rất cụ thể là chuẩn bị ngân hàng đề thi, chuẩn bị các phương án tổ chức thi…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tới việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục khi xây dựng đề án về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phó Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu số 1 của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông, còn đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần định hướng dựa trên năng lực, phẩm chất, mong muốn của học viên, sinh viên, không chạy theo bằng cấp, thành tích. Do đó, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, "theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo