Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đề xuất nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng

Quốc hội sáng ngày 27/5

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng 27/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình nêu rõ việc xây dựng luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Dự thảo Luật có 3 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Một nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, là bổ sung thông tin "nơi sinh" trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Công an cho hay luật sửa đổi để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Chính phủ đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước. Chính phủ cũng trình nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong tờ trình của Chính phủ.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ủy ban nhất trí với việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bảo đảm phù hợp với các Hiệp định biên giới của Việt Nam ký kết với các nước; bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung quy định cấp hộ chiếu phổ thông trong nước; sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu, việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông…

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; Sửa đổi, bổ sung quy định về chứng nhận tạm trú; sửa đổi, bổ sung về chứng nhận tạm trú; sửa đổi, bổ sung về khai báo tạm trú…

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày theo đề xuất của Chính phủ. Điều này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác. Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực (Singapore từ 30 đến 90 ngày; Malaysia là từ 14 đến 90 ngày; Myanmar từ 28 đến 70 ngày; Philippines từ 30 đến 59 ngày; Thái Lan lên đến 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia từ 14 đến 30 ngày). Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng trong hồ sơ dự án Luật chưa làm rõ được cơ sở, căn cứ của đề xuất 45 ngày, đề nghị bổ sung lập luận cụ thể, thuyết phục hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết thêm có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên tối đa 60 ngày để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo