Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Để người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó với đất nước

Kiều bào trao tặng gạo hỗ trợ nhân dân Quận 8, TPHCM. (Ảnh: Minh Hiệp)

(Thanhuytphcm.vn) - Để thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đây là sự tiếp túc và nhất quán quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng NVNƠNN.

Hiện nay có khoảng 5,3 triệu NVNƠNN sinh sống trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì điều kiện phải sống xa Tổ quốc nên chắc hẳn đồng bào luôn mang trong mình nỗi nhớ tổ tiên và cội nguồn da diết. Trong nhiều năm qua, cộng đồng NVNƠNN đã có những đóng góp bằng cách này hay cách khác đối với đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xem công tác đối với NVNƠNN là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những năm qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng đối với NVNƠNN, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước; phát huy tiềm năng tri thức của NVNƠNN; phát huy tiềm năng của đồng bào trong hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh…

Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho NVNƠNN trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết đồng bào với nhiều nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn như tổ chức các đoàn đồng bào về thăm đất nước dịp Quốc khánh, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào; các chương trình Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo…

Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học là NVNƠNN đã về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tích cực đóng vai trò làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế giữa các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Bên cạnh việc đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, NVNƠNN còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước, vận động các cá nhân, tổ chức của nước sở tại hỗ trợ cho các dự án xã hội ở Việt Nam như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục...

Khi đại dịch Covid-19 gây những tổn thất to lớn về nhiều mặt ở các tỉnh thành phía Nam, nhất là TPHCM, dù gặp nhiều khó khăn do những quốc gia mà đồng bào cư trú cũng vừa trải qua đại dịch, tuy nhiên, cộng đồng NVNƠNN đã có những giúp đỡ kịp thời về vaccine, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch cho đất nước. Đây thực sự là nguồn lực quý báu góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

Có lẽ nỗi nhớ tổ tiên và cội nguồn da diết chính là sợi dây liên kết để đồng bào, dù xa Tổ quốc vẫn luôn giữ gìn, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước. Những lần Biển Đông “dậy sóng”, từ khắp nơi trên thế giới đã vang lên những tiếng nói mạnh mẽ của đồng bào sát cánh cùng người dân trong nước đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Kiều bào hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân TPHCM vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Minh Hiệp) Kiều bào hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân TPHCM vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Minh Hiệp)

Kết luận số số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới của Ban Bí thư đã khẳng định: “Khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh”. Như vậy, có thể nói, những chủ trương của Đảng đối với NVNƠNN là nhất quán. Tuy nhiên để các chủ trương, quan điểm này đi vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Các cơ quan của Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi và ban hành các chính sách thuận lợi để cộng đồng NVNƠNN gắn bó nhiều hơn với đất nước; tạo điều kiện thuận lợi và tranh thủ cao nhất nguồn lực của NVNƠNN về mọi mặt, nhất là nguồn lực về tri thức cùng với đó là việc thông tin kịp thời, chính xác tình hình trong nước đến với đồng bào…

Đối với Tổ quốc và dân tộc, NVNƠNN cho dù quan điểm, chính kiến, ý thức hệ khác nhau nhưng đều có mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh, phát triển. Đó cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với NVNƠNN. Để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng cần có sự chung sức đồng lòng của cả dân tộc, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng NVNƠNN. Chủ trương, chính sách về cơ bản đã đầy đủ. Điều cần thiết lúc này là sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Hồng Phúc


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo