Thứ Sáu, ngày 2 tháng 5 năm 2025

Để ngày Tết Độc lập thật ý nghĩa

Bà con khu phố 4, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, tham gia dọn dẹp vệ sinh trên địa bàn nhân dịp Tết Độc lập năm 2022

(Thanhuytphcm.vn) – Cùng với những ngày tết truyền thống trong năm (Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…), từ sau năm 1945, người Việt Nam chúng ta còn đón Tết Dương lịch và đặc biệt là Tết Độc lập. Đó là những ngày vui, ngày hội của toàn dân tộc, không kể là vùng nông thôn hay đô thị, vùng đồng bằng hay miền núi, người ở trong nước hay ở nước ngoài, người Kinh hay các dân tộc thiểu số… Trong số này, Tết Độc lập thực sự là một ngày tết rất có ý nghĩa.

Ngày Tết Độc lập bắt đầu từ 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình. Từ đó đến nay, dù trong những điều kiện rất đặc biệt, như chiến tranh, đất nước bị chia cắt, thời tiết xấu… thì ngày này vẫn được nhân dân cả nước hân hoan chào đón bằng nhiều hình thức, thể hiện rõ sự phấn khởi, vui tươi.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến, một số tù chính trị, tù binh trong các nhà tù thực dân, đế quốc cũng đã tìm cách tổ chức chào mừng Ngày Quốc khánh, như là một cách thể hiện niềm tin sắt đá và lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ, với thắng lợi sau cùng trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.

Trước đây, vào dịp Quốc khánh, người lao động được nghỉ 1 ngày; nếu rơi vào dịp cuối tuần thì Chính phủ linh động hoán chuyển, cho nghỉ bù để có thể nghỉ liên tục 3 ngày. Kể từ năm 2021, người dân được nghỉ lễ 2 ngày: vào 2/9 và 1 ngày trước hoặc sau (năm 2022, người lao động được nghỉ ngày 1/9, nên dịp Tết Độc lập được nghỉ liên tục 4 ngày).

Trong dịp Tết Độc lập, Đảng và Nhà nước luôn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ…; viếng nghĩa trang; trao tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên cao tuổi; tổ chức lễ kỷ niệm hoặc họp mặt; thăm hỏi, tặng quà đảng viên cao tuổi đảng, thương bệnh binh, gia đình chính sách…; tổ chức các chương trình văn nghệ; tổ chức các hoạt động chăm lo cho người nghèo; có khi còn tổ chức bắn pháo hoa… Từng địa phương, ban ngành, cơ quan… cũng có những hoạt động riêng tùy theo điều kiện cụ thể của mình.

Ở góc độ cộng đồng dân cư, khu phố, tổ dân phố, các đoàn thể ở địa phương… cũng chủ động tổ chức những hoạt động phong phú, như thăm hỏi đảng viên ốm đau, lớn tuổi; chăm lo người nghèo trên địa bàn; rà soát, vận động trẻ đến trường (gắn với dịp khai giảng năm học ngay sau ngày Quốc khánh); vận động người dân bảo quản tài sản, phòng ngừa trộm cắp, nhất là với những gia đình đi vắng (về quê, đi du lịch…); ra mắt một số mô hình cụ thể (như các nghiệp đoàn, các tổ, nhóm gắn với những hoạt động nhất định, các thiết chế văn hóa ở cơ sở…); tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, nhất là gắn với dịp Tết Trung thu; tăng cường các hoạt động hỗ trợ cảnh sát giao thông điều phối một số khu vực trọng điểm để bảo đảm an toàn giao thông…

Nhiều nơi, ban điều hành khu phố/ấp, tổ dân phố/tổ nhân dân đã tổ chức những hoạt động rất thiết thực, không chỉ có ý nghĩa riêng trong ngày Tết Độc lập mà còn có thể lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Chẳng hạn, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trong toàn khu phố, tổ dân phố, với hình thức là lập một nhóm nòng cốt gồm hội viên các đoàn thể, các thành viên của khu phố, tổ dân phố cùng với một số bà con đi dọn dẹp rác, nhổ cỏ dại, trồng cây xanh, lắp đặt thùng rác công cộng, tuyên truyền phân loại rác, vận động phòng chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết… Nhiều nơi, các đoàn thể cơ sở tích cực vận động người dân treo cờ; có nơi tổ chức tặng cờ hoặc lắp các trụ cờ để tạo sự đồng bộ trên từng tuyến đường…; đi kiểm tra và nhắc nhở hộ nào chưa treo cờ… Nhiều cán bộ ở cơ sở đã khéo léo sử dụng mạng xã hội (nhất là các trang/nhóm zalo, facebook…) để đăng tải các hình ảnh, các thông báo về hoạt động trên địa bàn của mình để tạo sự lan tỏa…

Trên thực tế, trong dịp Tết Độc lập, việc sinh hoạt, đi lại của người dân khá dày nên có thể phát sinh một số vấn đề về an toàn. Do đó, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, kể cả các đoàn thể ở cơ sở, cần quan tâm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa tội phạm liên quan đến tài sản… Đặc biệt, trong dịp này, cần phát động người dân tham gia nhiều hoạt động liên quan đến việc cải tạo, làm đẹp khu dân cư và chăm lo những hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, việc treo cờ và vệ sinh môi trường cần được chú trọng thực hiện đồng bộ để tạo nên hình ảnh đẹp ở địa bàn dân cư. Đồng thời, việc chăm lo người dân là thêm một hoạt động cụ thể hóa tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ những việc giản đơn như tặng quà, giúp suất ăn… cho đến việc giới thiệu việc làm, hỗ trợ phương tiện sinh kế… Đương nhiên, các hoạt động này có thể thực hiện ở nhiều dịp khác trong năm nhưng Tết Độc lập là một dịp cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn.

Ngoài ra, trong dịp này, khi nghỉ dài ngày, người dân ở một số nơi có xu hướng tổ chức tiệc tùng, liên hoan, xét cho cùng là tích cực, vì góp phần thư giãn, gắn kết, bồi bổ sức khỏe… Tuy nhiên, cần vận động để tránh xảy ra tình trạng quá chén ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe hoặc phát sinh những việc không hay như cãi vã nhau do “rượu vào lời ra”, đánh bạc, hát karaoke ồn ào…

Tết Độc lập – Ngày Quốc khánh là một dịp vui tươi, phấn khởi của cả nước, của cả dân tộc. Đây là một dịp nhắc nhớ về công lao, đóng góp của các thế hệ cách mạng tiền bối, của bao đồng bào, chiến sĩ trải qua nhiều chặng đường của cách mạng, đồng thời cũng là dịp khơi gợi trách nhiệm của thế hệ hiện nay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, chính quyền các cấp, các cơ quan, các tổ chức đảng, các đảng viên… cần làm lan tỏa tinh thần ấy đến mọi người dân để cùng tham gia tổ chức và thụ hưởng ngày Tết Độc lập thật lành mạnh, ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn với nhiều người khác nữa!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo