Cứ qua mỗi niên, chúng ta lại có thêm cơ hội để ôn lại truyền thống, để hiểu thêm về giá trị, ý nghĩa của các sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Không ai chắc chắn rằng, những thế hệ đã từng đi qua, chứng kiến và được sống trong không khí, khoảnh khắc của các sự kiện, mốc son lịch sử trọng đại của dân tộc có thể truyền tải hết toàn bộ được những ký ức, hình ảnh đẹp của đất nước, dân tộc qua các thời kỳ. Đồng nghĩa là, những lớp người Việt hiện tại, đặc biệt là các thế hệ trẻ, với tất cả những gì họ nghe được, đọc được cũng chưa thể hình dung một cách đầy đủ và toàn diện ý nghĩa của những trang sử hào hùng mà các thế hệ cha, ông đã dày công viết nên.
Trong khi đó, phía “đối diện”, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, cực đoan, chống đối chính trị vốn dĩ chẳng mấy “thiện cảm” với chế độ Cộng sản, với chính quyền cách mạng, họ luôn ấp ủ những âm mưu, ý đồ thâm độc chống phá Đảng, Nhà nước, họ tìm mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận, bác bỏ những giá trị cao đẹp trong truyền thống, đạo lý của dân tộc; bôi lem, xóa nhòa chân lý và chính nghĩa của công cuộc dựng nước và giữ nước, thành quả trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta qua các thời kỳ; họ ra sức kích động tâm lý chia rẽ, hận thù dân tộc, hình thành các trào lưu, quan điểm “hoài nghi quá khứ”, “xét lại lịch sử” trong một bộ phận người dân, đặc biệt là số đối tượng có tư tưởng bất mãn, cơ hội, chống đối chính trị, không loại trừ còn tác động cả một bộ phận những người trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ hòa bình, từ đó, hình thành những nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ về giá trị ý nghĩa của các sự kiện lịch sử dân tộc các thời kỳ. Nguy hiểm và thâm độc hơn, khi những “âm mưu”, “chiêu bài” ấy được “phô diễn”, “bày biện” trên không gian mạng sẽ là những “liều thuốc” cực độc làm sai lệch, méo mó, thậm chí có thể hủy hoại truyền thống, giá trị, ý nghĩa lịch sử cũng như thành quả cách mạng của dân tộc. Thực tế đó, đã và đang đặt ra với mỗi chúng ta phải có những trọng trách nhất định, trong đó trước tiên là phải đổi mới trong nhận thức, tích cực trong hành động để bảo vệ và phát triển giá trị, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử dân tộc qua các thời kỳ cả trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, cần kíp là phải nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn nữa công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, việc trang bị, bổ sung, cập nhật về nhận thức cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đặc biệt về giá trị, ý nghĩa của những sự kiện, mốc son lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như thành quả cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị chỉ thực hiện trước, trong mỗi dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử hàng năm mà phải được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, thông suốt và thống nhất với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống và tinh thần, trách nhiệm hết mình các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền.
Đồng thời, xây dựng ý thức tự giác, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật truyền thống lịch sử, ý nghĩa của các sự kiện trọng đại của dân tộc trong toàn thể công dân Việt Nam không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, thành phần, địa vị xã hội, sinh sống ở trong nước hay nước ngoài, hễ là người Việt Nam phải ngày càng thấm nhuần giá trị, ý nghĩa của lịch sử dân tộc, đặc biệt là những sự kiện trọng đại, những mốc son, chiến công chói lọi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải xem đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu được phổ biến văn hóa, là quyền lợi chính trị, niềm vinh dự và tự hào của công dân đất nước ngàn năm văn hiến. Bởi một khi mỗi người trong chúng ta, đặc biệt thế hệ trẻ càng am hiểu và mong muốn được tìm hiểu truyền thống quốc gia, ý nghĩa của những sự kiện lịch sử các thời kỳ, là yếu tố mang tính chất nền tảng mở ra thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng cũng như động lực tạo nên diện mạo phát triển, phồn vinh của dân tộc Việt Nam hiện tại và trong tương lai.
Song song đó, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí – xuất bản, văn hóa – văn nghệ, thông tin – truyền thông; chủ động rà soát phát hiện và bịt kín những sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời, triệt để những cách nghĩ, cách làm lệch chuẩn, chưa đúng đắn, phù hợp, những hành vi vi phạm pháp luật trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hoạt động, dịch vụ, thông tin liên quan đến các sự kiện lịch sử dân tộc, bảo vệ cho các sự kiện lịch sử được hiểu đúng bản chất và được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh.
Bên cạnh đó, cần chủ động có kế hoạch, phương án truyền thông cho các ngày kỷ niệm, lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại trong lịch sử của dân tộc. Trong đó, không ngừng đổi mới, sáng tạo các nội dung, phương pháp, đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện bài bản, thực chất; nội dung, phương pháp, cách thức giáo dục, tuyên truyền phải có sự đầu tư công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt, phù hợp, có sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với đại bộ phận giai, tầng trong xã hội. Có như vậy, công tác này mới đạt được mục tiêu và mang lại hiệu quả trên thực tế, đảm bảo phát huy tác dụng và tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, rõ rệt cả trong nhận thức, tình cảm, ý thức, thái độ và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với giá trị, ý nghĩa của lịch sử dân tộc cũng như những sự kiện trọng đại của đất nước. Để mỗi lần khi được nhắc đến truyền thống cũng như các sự kiện lịch sử dân tộc, người người thêm tự hào và thêm yêu dải đất hình chữ “S”.
Chủ động định hướng dư luận trước những thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, những quan điểm, suy nghĩ, nhận thức lệch lạc trên không gian mạng về truyền thống dân tộc, lịch sử đất nước; xây dựng hệ thống các luận cứ cả về lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho công tác đấu tranh, phản bác; hình thành và liên kết nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa hệ thống các kênh, tài khoản chuyên biệt, chính thống trên mạng internet, mạng xã hội để đấu tranh, phản bác kịp thời, có hiệu quả các luận điệu sai trái, thù địch, vạch trần mọi mưu đồ xuyên tạc, phủ nhận, “xét lại” lịch sử dân tộc. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự hiệp đồng chiến đấu của các cơ quan chức năng, cần thiết phải đưa công tác này gần hơn nữa, sát hơn nữa với các giai, tầng trong xã hội, để cộng đồng mạng thực sự trở thành “nguồn lực” dồi dào, kết thành một trận địa tư tưởng vững chắc… để các sự kiện lịch sử dân tộc không bị bóp méo, xuyên tạc.