Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đẩy mạnh kiểm soát được quyền lực, đưa nhanh vốn vào nền kinh tế

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Yên Bái

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các ý kiến đại biểu (ĐB) tập trung chất vấn về vấn đề hoàn thiện thể chế, kiểm soát quyền lực, chính sách hỗ trợ người lao động; điều hành giá không để lạm phát; khắc phục tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

Trả lời chất vấn của ĐB liên quan đến các vụ việc sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, những vụ việc sai phạm vừa qua đã giúp chúng ta làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm ấy. Phó Thủ tướng cho biết, những sai phạm này đã diễn ra từ lâu, đối tượng vi phạm nhiều, rộng khắp ở nhiều tỉnh thành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo Bộ Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng cần phải rà soát để hoàn thiện các cơ chế, chính ách, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm đăng kiểm một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, chú trọng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động, tăng cường công tác thanh tra… sẽ giúp đảm bảo được yêu cầu “đập chuột mà không làm vỡ bình”.

Liên quan đến những vướng mắc trong dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Phó Thủ tướng cho biết cơ chế phân bổ nguồn vốn của dự án chưa thuận lợi. Hiện dự án này đang sử dụng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên việc đàm phán nguồn vốn ODA hiện nay khó khăn và đã tạm ngừng. Chính phủ sẽ tính toán lại cơ chế nguồn vốn của dự án và có những hoạt động nhằm thúc đẩy thi công lại dự án này sớm nhất có thể.

Trả lời chất vấn, ĐB A Lềnh (Lào Cai) về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, trái phiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp và hai tổ công tác đã có báo cáo.

Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả. Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Theo Phó Thủ tướng, gần đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự. Tuy nhiên Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư.

Quốc hội sáng 8/6 Quốc hội sáng 8/6

Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) về kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) chất vấn, từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng. Giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như: điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường. ĐB đề nghị Phó Thủ tướng cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá, một số mặt hàng có thể sẽ tăng giá. Giải pháp nào để kiềm chế việc tăng giá, để việc tăng lương thực sự có tác dụng? Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, các bộ ngành tăng cường công tác nắm bắt, dự báo được thị trường để điều hành giá linh hoạt, hiệu quả, nhuần nhuyễn. Cùng với đó, phải bảo đảm cung - cầu hàng hóa để không làm biến động giá. Những mặt hàng thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước định giá thì cần điều hành, kiểm soát chặt chẽ; tránh những hiện tượng lợi dụng để trục lợi về giá. Chính phủ rất quan tâm về công tác điều hành giá. Quan điểm nhất quán là điều hành giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2023 khoảng 4,5% như nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) cũng đề nghị Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm xử lý và giải pháp căn cơ trong thời gian tới để giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo Phó Thủ tướng, về giải ngân vốn đầu tư công, 5 tháng đầu năm 2023, giải ngân đạt 157.000 tỷ đồng, tỷ lệ 22,2%. Số tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ là 41.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022. So với cùng kỳ các năm trước thì không chậm, cơ bản tương đương, trên 20%. “Nhưng, chậm so với kế hoạch, so với mong muốn đưa vốn vào nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cần đưa vốn vào để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chêch lệch giữa các bộ ngành, địa phương. Cần khắc phục” - Phó Thủ tướng nói…

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước.

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 8/6 Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 8/6

Tại kỳ họp này đã có 454 lượt ĐB Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; có 112 lượt ĐB thực hiện quyền chất vấn; 49 lượt ĐB tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, nâng tổng số lượt ĐB tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt ĐB. Qua đó, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Các bộ trưởng dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề ĐB quan tâm.

Sau kỳ họp và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, ngành triển khai đồng bộ giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo