Các đại biểu dự hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 15/11, tại TPHCM, Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông phối hợp cùng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức hội thảo quốc tế “Tác động của chính sách phát triển giáo dục đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững: chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam, ASEAN và các quốc gia châu Phi - Trung Đông”. Đến dự có Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và gần 100 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu trong nước, quốc tế và Đại sứ các quốc gia châu Phi, Trung Đông, ASEAN tại Việt Nam;…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thông tin, trao đổi về chính sách phát triển giáo dục; so sánh giữa các quốc gia châu Phi, Trung Đông và Việt Nam, ASEAN; các vấn đề về hợp tác phát triển giáo dục, mối quan hệ giữa phát triển giáo dục và phát triển kinh tế giữa Việt Nam, ASEAN và các quốc gia châu Phi, Trung Đông. Đồng thời, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nền giáo dục quốc gia, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của các nước trong khu vực ASEAN và châu Phi - Trung Đông.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho giáo dục con người mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được việc khai thác sử dụng các nguồn lực khác.
“Việt Nam xem giáo dục là quốc sách hàng đầu; phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo - khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực; phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng để phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông khuyến nghị các quốc gia khu vực ASEAN và châu Phi - Trung Đông nên đầu tư vào giáo dục. Đồng thời còn chỉ ra chất lượng giáo dục có tác động quan trọng hơn đối tăng trưởng kinh tế. Việc tăng đầu tư vào giáo dục có thể đem lại sự tăng lên về số lượng giáo dục, nhưng sự tăng lên về chất lượng giáo dục tùy thuộc vào định hướng đầu tư, quá trình triển khai và giám sát đầu tư cho giáo dục.