Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

Dấu ấn 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM

Lãnh đạo TP tặng cờ lưu niệm cho Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 10/9, tại Nhà hát Thành phố, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Đến dự có đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Tại buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và ấm áp. Đại diện Nhà hát - Giám đốc HBSO - nhạc trưởng Lê Ha My đã có bài phát biểu ôn lại truyền thống đầy tự hào trước những nỗ lực vượt qua khó khăn và phấn đấu xây dựng nên tên tuổi của HBSO…

Ngày 21/6/1993, HBSO được thành lập theo quyết định của UBND TPHCM với tên gọi ban đầu là Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng, sau đổi tên thành Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM. Đến ngày 9/9/2006, nhà hát chính thức mang tên Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, có chức năng xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm, giới thiệu những tác phẩm âm nhạc lớn quốc tế, những tác phẩm hay của các nhạc sĩ Việt Nam, thông qua hình thức trình diễn hòa tấu dàn nhạc, hòa tấu tốp nhạc, độc tấu, hát opera, múa ballet…

Những mốc son quan trọng ghi dấu sự phát triển của Nhà hát phải kể đến đó là ngày 9/9/1994 đã diễn ra chương trình giao hưởng đầu tiên do PGS.PTS - NSND Tạ Bôn và PGS.PTS - NGƯT Nguyễn Minh Cầm biên tập, dàn dựng và biểu diễn. Bên cạnh đó là một số tiểu phẩm, trích đoạn Ballet do Biên đạo múa NSND Vũ Việt Cường và NSND Trần Kim Quy dàn dựng, tổng đạo diễn là biên đạo múa NSƯT Trần Phú được tổ chức trang trọng trong đêm diễn ra mắt đầu tiên của Nhà hát sau hơn 1 năm nỗ lực xây dựng. Trong thời gian này nhà hát đã xây dựng được gần 10 chương trình hoà nhạc và múa đầu tiên. Các tác phẩm múa như: Huyền thoại Gò Công, Mâm vàng Cửu Long, Cái chết của Thiên nga, Vũ khúc nông dân Pháp.. và các tác phẩm độc tấu, hoà tấu của các nhà soạn nhạc lỗi lạc thế giới như Tchaikovsky, Chopin, Verdi... đã bắt đầu gây được ấn tượng tốt đẹp và sự yêu mến của khán thính giả. Cũng trong giai đoạn này nhiều tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam được giới thiệu tới công chúng như các tác phẩm của Nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Hoàng Hiệp, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn...

Năm 1996 nhà hát gây được tiếng vang lớn đối với khán thính giả thành phố với các vở Vũ kịch Carmen và Giselle. Năm 1998, vở Vũ kịch “Ngọc Trai Đỏ” - Biên đạo múa NSND Việt Cường - âm nhạc PGS -Nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử ngành múa Việt Nam với hoàn toàn là sản phẩm và trí tuệ của những nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt đã làm nên một vở vũ kịch nổi tiếng. Tiếp theo đó, năm 2000 với sự thành công của vở Vũ kịch “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga” đã tạo ra tiếng vang lớn và ghi dấu ấn trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của tập thể nghệ sĩ Nhà hát.

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Năm 2005 đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Nhà hát với sự kiện chương trình nghệ thuật mang tên” Giai điệu mùa thu” lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, đơn vị duy nhất trong cả nước đã định kì hai năm một lần tổ chức Chuỗi chương trình nghệ thuật “Liên hoan Giai điệu mùa thu” với những đêm diễn đỉnh cao về chất lượng ở cả ba loại hình nghệ thuật hàn lâm cùng với sự góp mặt của rất nhiều gương mặt nghệ sĩ uy tín trong nước và quốc tế tham dự. Cho tới nay “Liên hoan Giai điệu mùa thu” đã được tổ chức 13 lần với quy mô ngày một lớn mạnh cả về chất và lượng. Và đặc biệt trong năm 2022, Liên hoan Giai điệu mùa thu đã trở thành sự kiện văn hoá nghệ thuật cấp Thành phố và khẳng định là “Thương hiệu Văn hoá” của TPHCM.

Đặc biệt cũng trong năm 2005, việc thành công trong dàn dựng và biểu diễn vở ca kịch “Tiếng Cồng vượt thác” - âm nhạc Lư Nhất Vũ, lời thơ Lê Giang, phối khí NSƯT Trần Vương Thạch, biên đạo NSND Việt Cường - NSND Kim Quy đã đánh dấu sự khai sinh ra Đoàn nhạc kịch - ghi nhận một chặng đường mới của Nhà hát với đầy đủ ba Đoàn nghệ thuật Hàn lâm.

Năm 2008, Dàn nhạc giao hưởng HBSO đã vinh dự được mời tham gia biểu diễn trong Liên hoan Dàn nhạc Châu Á tổ chức tại Tokyo dưới sự chỉ huy của NSƯT Trần Vương Thạch - sự kiện này đã chính thức ghi danh Dàn nhạc HBSO trên bản đồ các Dàn nhạc của Châu Á.

Năm 2011 là bước trưởng thành đột phá mới của đoàn Vũ kịch khi lần đầu tiên các nghệ sĩ đã biểu diễn hoàn chỉnh một vở ballet cổ điển với những đòi hỏi chuẩn mực cao nhất của loại hình Ballet, được ghi dấu bởi vở Ballet “Kẹp hạt dẻ”. Với vở Ballet này các nghệ sĩ múa của nhà hát đã bước lên một nấc thang quan trọng nhất trong chuyên môn, nấc thang cho thấy nội lực của đoàn đã sẵn sàng với mọi hoạt động biểu diễn của loại hình Ballets chuyên nghiệp. Tạo tiền đề cho những vở Ballets kinh điển mà Nhà hát sau đó đã tiếp tục dàn dựng và biểu diễn như Carmen, Giselle, Cinderella, Cô bé búp bê…

Một hình ảnh trong vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” Một hình ảnh trong vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký”

Bên cạnh đó mảng Ballets cổ điển, tập thể nghệ sĩ đoàn vũ kịch đã ghi dấu ấn đậm nét ở nhiều vở múa đương đại như: Chạm tay vào quá khứ, Độc thoại, Vọng phu biển, Những mảnh ghép của giấc mơ với sự biên đạo của 2 nghệ sĩ Phúc Hải, Phúc Hùng. Đặc biệt trong những năm gần đây, với sự đồng hành chặt chẽ và đầu tư của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, vở múa Kiều - biên đạo bởi nghệ sĩ Tuyết Minh đã đạt tiếng vang trong lòng công chúng TPHCM và Hà Nội.

Cũng trong thời gian này, Đoàn Nhạc kịch đã vươn lên mạnh mẽ với việc chinh phục các tác phẩm thanh nhạc có quy mô lớn nhất như thanh xướng kịch Messiah, Đại hợp xướng Carmina Burana và vở nhạc kịch “Cây sáo thần”, “Góa phụ vui tính”.

Phát biểu chúc mừng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá cao những nỗ lực của tập thể đã xây dựng nên Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM hôm nay. Nhân dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng Nhà hát cờ truyền thống của UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM trao tặng giấy khen cho 5 tập thể và 41 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển 30 năm của HBSO.

Ngay sau lễ kỷ niệm, các nghệ sĩ HBSO đã công diễn vở nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký. Đây là phiên bản nhạc kịch dựa trên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài. Chỉ đạo nghệ thuật Giám đốc HBSO - nhạc trưởng Lê Ha My, dàn dựng hợp xướng và chỉ huy đêm diễn - nhạc trưởng Trần Nhật Minh,  âm nhạc - Vũ Việt Anh. Vở nhạc kịch có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ tài năng HBSO như Đào Mác, Phan Hữu Trung Kiệt, Phạm Khánh Ngọc, Trần Thanh Nam, Trần Thị Kim Anh, Vũ Minh Trí, Hồ Hoàng Ngọc, Lý Hoàng Kim, Nguyễn Phan Mạnh Duy, Bùi Danh Hùng, Nguyễn Tuấn Dương, Khánh Thy, Trương Thành Nhân, Thế Phương...

Mai Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo