Thứ Năm, ngày 17 tháng 7 năm 2025

Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Gia Định đẩy mạnh phong trào tiến công vũ trang, đấu tranh chính trị, nỗ lực xây dựng thực lực cách mạng, sẵn sàng chuẩn bị cho thời cơ mới (1965-1967)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”. (Ảnh: Long Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong Xuân Mậu Thân 1968 là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự kiện ấy làm chấn động từ Lầu Năm Góc đến tòa Nhà Trắng, tạo ra làn sóng phản chiến trong từng gia đình người Mỹ và lan rộng khắp thế giới; làm thất bại chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Pari, đồng thời mở ra khả năng cho ta thực hiện mục tiêu khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Để góp phần quan trọng làm nên những chiến công trên chiến trường trọng điểm, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và Trung ương Đảng đã nỗ lực vượt lên chính mình vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang, vừa xây dựng lực lượng chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho thời cơ chiến lược.

Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đẩy mạnh phong trào tiến công vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị

Tháng 3-1964, chuẩn bị cho "Kế hoạch X", Khu Sài Gòn - Gia Định gấp rút xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, quân sự, trong đó tập trung xây dựng các đội biệt động mạnh đủ sức đánh chiếm các mục tiêu chiến lược; và 5 tiểu đoàn mũi nhọn. Đầu tháng 1-1965, Khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức một trung tâm huấn luyện bí mật ở Lò Gò, Tân Biên (Tây Ninh) với bí danh là Đoàn 165A. Đoàn Biệt động với mật danh F100 cũng được thành lập. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đoàn F100 đã phát triển được 9 đội biệt động nội đô (từ số 3 đến số 11), mỗi đội có từ 15 đến 20 người; 3 đội đặc công biệt động ven đô và 3 đội đặc công nước. Các cơ sở, các lõm chính trị cùng nhiều hầm chứa vũ khí được bí mật triển khai như hầm ở số nhà 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, số 189/A đường Trần Quốc Toản... Nhiều lõm du kích ven đô được mở rộng ở Phước Đước (Nhà Bè); An Nhơn, An Phú Đông (Gò Môn); Tam Bình, Tam Hiệp (Dĩ An); Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức); Vĩnh Lộc (Bình Chánh)... để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang áp sát nội thành.

Ban Cán sự Đảng và các đảng bộ cơ sở trọng yếu được củng cố tổ chức và tăng cường cán bộ. Tính đến tháng 6-1965, nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn có 647 đảng viên, trong đó có 311 đảng viên hoạt động ở cơ sở. Các chi bộ và đảng viên đều được học tập về đường lối, chủ trương của Đảng; về 5 bước công tác cách mạng; về kinh nghiệm giữ bí mật; về tu dưỡng đạo đức, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng và được phân công nắm quần chúng qua hội viên các đoàn thể và quần chúng nòng cốt.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", tháng 3-1965, chính quyền Mỹ đưa quân trực tiếp vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Trước hành động leo thang chiến tranh, phong trào toàn dân chống Mỹ diễn ra ngày càng quyết liệt. Mục tiêu chống Mỹ, lật đổ chính quyền Thiệu - Kỳ là nội dung chủ yếu của cao trào đấu tranh chính trị ở đô thị vào cuối mùa khô 1965-1966. Ba tháng đầu năm 1966 đã nổ ra 125 cuộc đấu tranh của công nhân lao động. Tháng 4-1966, "Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc" được thành lập, bao gồm nhiều giới đồng bào, trong đó có 70 giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng. Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc chống những nọc độc của văn hóa Mỹ kết hợp với đấu tranh công khai trên mặt trận báo chí diễn ra sôi nổi, phong phú. Công nhân các ngành vận tải, giày Bata, dầu Esso, dệt Đông Á, điện, nước, xích lô, thuốc lá MIC, rượu Bình Tây liên tiếp đình công, bãi công đòi tăng lương, đòi tự do nghiệp đoàn, đòi giải quyết tình trạng vật giá leo thang. Ngày 26-12-1966, hơn 5.000 công nhân cảng Sài Gòn đình công phản đối việc sa thải công nhân vô cớ. Cuộc đình công kéo dài, địch phải đưa 4 tiểu đoàn lính Mỹ vào thay thế việc bốc dỡ hàng. Anh em công nhân đã chống trả quyết liệt không chịu rời cảng, không để cho lính Mỹ vào bốc dỡ thay. Cảng Sài Gòn bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch quân sự của địch. Ngày 30-12-1966, để hỗ trợ cuộc đấu tranh của công nhân cảng, Liên hiệp Nghiệp đoàn Đô thành kêu gọi tất cả công nhân lao động toàn thành phố tổng đình công. Hàng loạt nhà máy, công xưởng hưởng ứng đình công 12 tiếng đồng hồ trong ngày.

Khí thế đấu tranh thắng lợi ở ngoại thành và trên toàn chiến trường miền Nam đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang nội thành ngày càng phát triển. Các đội biệt động thuộc Ban Hoa vận, các đội an ninh nội thành diệt nhiều tên mật vụ nợ máu, nhiều tên đầu sỏ trong chính quyền Sài Gòn; tình báo viên, cảnh sát ác ôn và lực lượng chiêu hồi chỉ điểm[1].

Phối hợp với các hoạt động, đêm 12-6-1966, Tiểu đoàn 8 của Quân khu cùng với Biệt động F100 và Tiểu đoàn 6 Tân Bình bắn 400 quả đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 67 máy bay các loại, 13 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh. Đêm 17-8-1966, hưởng ứng lời kêu gọi ngày 20-7-1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháo binh Sài Gòn - Gia Định bắn vào căn cứ hậu cần của Mỹ ở Ngã tư Bảy Hiền, phá hủy và phá hỏng gần 100 xe quân sự, tiêu diệt và làm bị thương 167 nhân viên kỹ thuật Mỹ và Niu Dilân. Ngày 1-11-1965, bộ đội Rừng Sác nã đạn pháo vào khu vực kỳ đài trong lễ "Quốc khánh" Đệ nhị Cộng hòa.

Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân Giải phóng phá hủy (2/1968). (Ảnh:Tư liệu TTXGP) Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân Giải phóng phá hủy (2/1968). (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Đêm 3-2-1966, các mũi đặc công thuộc Đội 2 biệt động của Quân khu do đồng chí Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen) chỉ huy bí mật lọt vào sân bay Tân Sơn Nhất, một mũi của ta bị địch phát hiện tại đường băng số 2 buộc phải nổ súng trước giờ hẹn. Cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra quyết liệt, sau 5 tiếng đồng hồ "đại náo" sân bay, đến hừng sáng, với sự giúp đỡ của đồng bào và binh sĩ yêu nước, các chiến sĩ đặc công rút về căn cứ an toàn. Phối hợp với trận đánh sân bay, Đội biệt động 68 tập kích cư xá của bọn cố vấn chiến tranh tâm lý ở đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), diệt 30 tên Mỹ.

Bước sang năm 1967, nội dung, hình thức phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở nội thành càng phát triển đa dạng và phong phú. Cùng với những cuộc đấu tranh thường xuyên cho yêu cầu dân sinh, dân chủ, phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Nội các của Thiệu - Kỳ phải từ chức diễn ra càng sôi nổi. Phong trào học sinh, sinh viên ngày càng phát huy mạnh mẽ, phong phú, đa dạng hòa nhịp với cao trào đấu tranh không ngừng của các tầng lớp nhân dân. Tổ chức "Lực lượng quốc gia tiến bộ" được thành lập, tập hợp đông đảo các tầng lớp trí thức, nhân sĩ, tín đồ các tôn giáo, trong đó có nhiều viên chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn, cùng đấu tranh cho yêu cầu hòa bình, dân chủ và quyền tự quyết của dân tộc, chĩa mũi nhọn vào bọn xâm lược Mỹ và Nội các của Thiệu - Kỳ.

Từ ngày 9 đến ngày 21-9-1967, hàng ngàn sinh viên các trường đại học bỏ thi, xuống đường biểu tình, tổ chức mít tinh tố cáo bầu cử gian lận của Thiệu - Kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ II. Ngày 28-9-1967, hơn 300 nhà sư từ chùa Ấn Quang kéo đến Dinh Tổng thống đòi Nguyễn Văn Thiệu phải hủy bỏ "Hiến chương Phật giáo". Trước khí thế đấu tranh quyết liệt của học sinh, sinh viên và quần chúng lao động, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh giới nghiêm trong toàn thành phố. Tháng 11-1967, học sinh, sinh viên các trường trung học và đại học Sài Gòn - Gia Định liên tiếp mở chiến dịch đấu tranh, kêu gọi đồng bào xuống đường đòi lật đổ Thiệu - Kỳ, đòi quân Mỹ xâm lược rút về nước. Các chiến sĩ biệt động nội thành tập trung đánh vào quân Mỹ và bọn tay sai ác ôn như đánh vào cư xá sĩ quan Mỹ ở đường Gia Phú, Đồng Khánh, Võ Di Nguy, Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Thoại, Sư Vạn Hạnh, Yên Đổ, Lam Sơn... và các đồn bốt cảnh sát ác ôn ở Ngô Quyền, Tôn Thất Thuyết, Quận 3, Thị Nghè.

Trên vùng ven, các đơn vị vũ trang nhân dân giữ vững thế chủ động tiến công. Trong ba tháng 7, 8 và 9-1967, Tiểu đoàn Quyết Thắng đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích Củ Chi đánh nhiều trận, đặc biệt là tập trung đánh những đoàn xe cơ giới của địch đi ủi phá xóm làng, phá hủy hàng trăm xe địch. Các tiểu đoàn địa phương của Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Rừng Sác, Bình Chánh... đều lập nhiều chiến công. Bộ đội Rừng Sác cũng liên tiếp lập nhiều chiến công làm kinh hồn, bạt vía kẻ thù.

Đến cuối năm 1967, các vùng ven Sài Gòn đã được mở rộng thành thế liên hoàn giữa các vùng du kích và lõm căn cứ, tạo điều kiện thuận lợi đưa lực lượng của ta áp sát đô thị. Ta đã làm chủ về đêm nhiều vùng ở Bình Chánh, Tân Bình, Nhà Bè, phía tây nam cũng như phía đông bắc Thủ Đức. Địch co lại cố thủ trong các đồn bốt. Nhiều nơi cán bộ ta có thể ra vào, đi lại giữa ban ngày. Đơn vị vũ trang của các Quận 7, 8 đánh trả nhiều trận càn, vây ráp của địch ở các vùng ven Hố Bần, Phong Đức, Rạch Bà Tàng, Khu Cầu Sập, Rạch Lồng Đèn... Nhiều cuộc tuyên truyền vũ trang đã diễn ra sôi nổi ở các quận ven đô. Hành lang từ xa lộ Sài Gòn - Biên Hoà qua vùng Bưng Sáu Xã, thông sang Long Phước Thôn, đã bảo đảm đường dây của Khu từ Vàm Nước ra Đông Môn - Long Thành được thông suốt. Đêm 20-10-1967, biệt động của ta bắn cối 60 ly vào Dinh Độc Lập giữa lúc đang diễn ra lễ đăng quang Tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu, trong lễ đó có mặt của Phó Tổng thống Mỹ Hămphơrây.

Những trận đánh Mỹ và phong trào đấu tranh liên tục diễn ra ngay tại nội thành cho thấy thế trận chiến tranh nhân dân đang phát triển ở ngay trung tâm sào huyệt của địch, khiến cho Sài Gòn không còn là hậu phương an toàn của chúng.

Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định nỗ lực phát triển lực lượng cách mạng, ráo riết chuẩn bị mọi mặt, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho thời cơ mới

Tháng 3-1966, Hội nghị cán bộ nội thành lần thứ 1 nhận định là ta đang chuyển sang bước ngoặt mới mà nội dung chủ yếu là Đảng ta đã thiết lập được quyền lãnh đạo phong trào, đánh bại ảnh hưởng của các xu thế phản động và thoả hiệp. Tháng 4-1966, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp để đánh giá toàn diện tình hình nông thôn, đô thị trong năm 1965 và đề ra Nghị quyết công tác cho Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định trong hai năm 1966-1967, với quyết tâm đưa lên cao trào toàn dân chống đế quốc Mỹ, góp phần đánh bại "chiến tranh cục bộ" của chúng[2]. Nghị quyết của Khu ủy đã vạch ra mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Mỹ, mâu thuẫn giữa nguyện vọng hòa bình của nhân dân với chính sách mở rộng chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ và mâu thuẫn giữa quyền lợi thiết thân của quần chúng với chính sách vơ vét bóc lột tận cùng của địch để tiếp tục cuộc chiến tranh ngày càng phát triển gay gắt. Về phong trào cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Khu ủy nhận định: "... Một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị ở đô thị... đồng thời cũng đánh dấu bước trưởng thành mới của lực lượng quần chúng". Nghị quyết còn nêu ra nhiều mặt công tác cụ thể cho từng vùng đô thị và nông thôn.

Thực lực cách mạng của Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định từ tháng 4-1965 đến tháng 4-1966 được phát triển khá nhanh. Đảng viên toàn khu vực tăng gần 100%; đoàn viên tăng 100%; hội viên đoàn thể tăng 300%; quần chúng cảm tình tích cực tăng trên 300%. Lực lượng vũ trang ba thứ quân đều phát triển nhanh. Ngoài Tiểu đoàn Quyết Thắng là đơn vị chủ lực của Khu, các cánh đều có tiểu đoàn bộ đội địa phương và các xã đều có các đơn vị du kích tập trung từ tiểu đội đến trung đội. Ở các xã, ấp còn bị địch kìm kẹp, có du kích mật và tự vệ mật. Tại nội thành, ngoài lực lượng biệt động của Khu, mỗi ngành, đoàn thể đều lập những tổ, đội biệt động hoặc trinh sát vũ trang và tự vệ mật. Chất lượng của các lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao[3].

Sau Nghị quyết 8 của Khu ủy (4-1966), do yêu cầu phát triển nhanh thực lực và sự trưởng thành của cơ sở đảng, nhiều chi bộ ở các địa bàn phường, khu vực hay chợ, trường học... được thành lập. Tháng 3-1966, Ban Cán sự Đảng ở nội thành Sài Gòn đã họp và đánh giá đúng mức về bước sự phát triển vượt bậc của phong trào chính trị, vũ trang ở đô thị, đồng thời phân tích những khó khăn và thiếu sót quan trọng của các cơ sở đảng, đặc biệt là vấn đề xây dựng và phát triển thực lực cách mạng chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ.

Trong các mặt công tác, Khu ủy đặc biệt chú trọng chỉ đạo việc củng cố các cơ sở Đảng, phát triển Đảng trong công nhân lao động, học sinh, sinh viên ưu tú; điều phối số cán bộ lãnh đạo từ ngoài vào để tăng cường công tác lãnh đạo các vùng ven và nội đô; quan tâm đến việc tăng cường nòng cốt nắm lấy các tổ chức công khai, hợp pháp, nửa công khai. Đảng bộ quyết tâm sử dụng các hình thức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp để đưa phong trào đi lên, đồng thời che giấu và bảo tồn các cơ sở bí mật. Trong những tháng cuối năm 1967, trọng tâm công tác của các cơ sở nội thành là tổ chức hệ thống nòng cốt trong các tổ chức công khai, nửa công khai. Nhờ đó, ta có một số lượng nòng cốt quần chúng đáng kể trong các tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động, Liên hiệp các nghiệp đoàn tự do, Tổng hội Sinh viên, Tổng hội Học sinh, Phong trào Dân tộc tự quyết, Nghiệp đoàn Ký giả, Lực lượng Quốc gia tiến bộ, Lực lượng bảo vệ Văn hóa dân tộc, Hội bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm phụ nữ, Hội Ái hữu nghệ sĩ, Nghiệp đoàn Giáo chức.

Trên mặt trận thông tin báo chí, ngoài việc đưa người vào hướng dẫn các báo công khai, Khu ủy chủ trương mở rộng diện báo chí nửa công khai của các giới; hướng dẫn nhiều nghiệp đoàn ra nội san[4]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí đã góp phần rất quan trọng trong công tác giáo dục tư tưởng, phổ biến thông tin, hướng dẫn dư luận đông đảo quần chúng Sài Gòn - Gia Định và các đô thị miền Nam.

Về xây dựng cơ sở, ta đã chuẩn bị các kho bí mật để cất giấu vũ khí, những chỗ ém quân và tổ chức việc vận chuyển vũ khí từ ngoài vào nội thành. Tháng 7-1965, đồng chí Đỗ Văn Căn xây dựng kho bí mật đầu tiên, chứa được vũ khí tại số nhà 183/4 Trần Quốc Toản (nay là Đường 3/2) đối diện với Cơ quan viện trợ Mỹ, ngay cạnh Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

Từ năm 1966 đến năm 1967, các đơn vị như A20, A30 được giao đặc trách việc xây hầm và vận chuyển vũ khí. Thực hiện nghiêm ngặt phương châm "bốn hóa", đến cuối năm 1967, ta đã xây dựng được 13 hầm vũ khí phục vụ cho các mục tiêu chiến lược[5]. Nhiều cơ sở để đặt Sở chỉ huy (như nhà số 7 Yên Đổ - tiệm phở Bình) và nhiều hầm bí mật làm nơi trú ẩn cho cán bộ và chiến sĩ từ ngoài vào cũng được khẩn trương xây dựng.

Tháng 5-1967, Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Cục miền Nam đề ra nhiệm vụ cho toàn Miền: "Phải đẩy mạnh chủ động tấn công và phản công liên tục; tiếp tục đánh bại hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định"; tiếp tục đẩy địch vào thế bị động phòng ngự; xây dựng 3 thứ quân của ta vững mạnh, tạo điều kiện giành thắng lợi ngày càng lớn; tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa"[6]. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định xác định nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và quân dân toàn Khu là: "Đẩy mạnh hơn nữa phong trào tiến công vũ trang và đấu tranh chính trị trong nội thành nhằm làm cho Mỹ - Thiệu ngày càng bị động đối phó với ta ngay tại sào huyệt của chúng, gắn liền với đẩy mạnh phong trào chống phá bình định, phá thế kìm kẹp của địch ở các vùng nông thôn ven đô. Nỗ lực xây dựng thực lực cách mạng, đặc biệt là xây dựng cơ sở nòng cốt trong các tổ chức công khai cũng như phát triển lực lượng vũ trang, tự vệ mật, tạo thêm nhiều căn cứ, nhiều cơ sở vật chất hậu cần tại chỗ, sẵn sàng phục vụ cho thời cơ mới"3. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các phong trào theo tinh thần và nội dung của Nghị quyết 8 được đề ra từ tháng 4-1966, trong đó có những yêu cầu quan trọng về phần đô thị như sau: "Ra sức hình thành và phát triển cao trào chính trị của quần chúng dưới các khẩu hiệu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, chĩa mũi nhọn tấn công vào Mỹ và tay sai..."; "... Có nhiều phong trào đấu tranh từ nhiều phía khác nhau, có thấp, có cao, có nhỏ, có lớn, có bí mật, có công khai tấn công địch, có phong trào kinh tế, có phong trào chính trị, có phong trào quần chúng cơ bản và quần chúng tiểu tư sản, quần chúng bên trên... Cần chú ý nhiều hơn nữa phong trào văn hóa, chống các ảnh hưởng văn hóa đồi trụy và chống các loại triết học phản động của các phe phái, tạo nhiều khả năng tập hợp thật nhiều giới đồng bào tham gia thành một mặt trận đấu tranh văn hóa; từ đó mà chuyển dần từng bước thành những phong trào chính trị chống Mỹ rộng lớn..."[7].

Quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngay từ tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường ra sức chuẩn bị mọi mặt cho "Tết Mậu Thân" 1968. Trên cơ sở đó, tháng 10-1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh tổ chức hội nghị mở rộng để tiếp thu Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, đề ra kế hoạch, mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy, nhằm thực hiện hai nhiệm vụ lớn: Ðánh chiếm các căn cứ đầu não của địch tại Sài Gòn và phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

Về quân sự được tổ chức thành ba khối: Khối biệt động, Khối các phân khu, Khối chủ lực Miền. Trong đó, Khối biệt động gồm cụm 3-4-5, cụm 6-7-9, cụm 1-2-8 với hơn 100 chiến đấu viên có nhiệm vụ tiến công vào các mục tiêu đầu não của địch như: Dinh Ðộc Lập, Ðại sứ quán Mỹ, Ðài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân...; Khối phân khu gồm các lực lượng vũ trang Phân khu và được tăng cường thêm 15 tiểu đoàn chủ lực khác trong đó có Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, Tiểu đoàn 3 Gò Vấp - Hóc Môn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Ðịnh... có nhiệm vụ tiếp ứng cho các đơn vị biệt động chiếm lĩnh mục tiêu trong nội đô; khối chủ lực Miền có ba sư đoàn bộ binh 5, 7, 9 và một sư đoàn pháo binh, Trung đoàn bộ binh 88 và một số lực lượng thuộc các binh chủng khác có nhiệm vụ tiến công các căn cứ của địch, ngăn chặn không cho chúng về ứng cứu Sài Gòn.

Ðể thực hiện nhiệm vụ nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, ngay từ đầu năm 1967, nhiều cán bộ đảng được bí mật tăng cường vào đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm điều nghiên mục tiêu, gây dựng cơ sở, cất giấu vũ khí, in truyền đơn, viết khẩu hiệu... chuẩn bị cho những mục tiêu lớn. Trên cơ sở đó, gần 400 cơ sở cách mạng, "lõm" chính trị, kho vũ khí bí mật được hình thành ngay trong lòng Sài Gòn, điển hình như ở Nhi Tỳ Quảng Ðông, đường Trần Quốc Thảo (Quận 3), Cao Ðạt (Quận 5), Minh Phụng, Cây Gõ (Quận 6), Trường đua Phú Thọ (Quận 11). Bên cạnh đó, lực lượng quần chúng yêu nước nhất là nhân sĩ, trí thức được các tổ chức của Đảng như Trí vận, Hoa vận, Công vận, Phụ vận,... bí mật vận động, tập hợp trong các tổ chức công khai, bán công khai như Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn Học sinh, Phong trào Dân tộc tự quyết, Nghiệp đoàn ký giả, Lực lượng Quốc gia tiến bộ, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc, Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, Hội Ái hữu nghệ sĩ, Nghiệp đoàn giáo học tư thục Việt Nam, Nghiệp đoàn giáo chức cách mạng, Hội Ái hữu giáo chức công lập bậc tiểu học, Nghiệp đoàn giáo dục tư thục người Việt gốc Hoa, Hội Kỹ sư và kỹ thuật gia Việt Nam... Ðây chính là đội quân chính trị hùng hậu để tham gia khởi nghĩa khi Tổng tiến công về quân sự.

Tính đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cơ bản đã hoàn tất. Tài lực, vật lực và lực lượng ba thứ quân của thành phố cùng với lực lượng nổi dậy đều ở tư thế sẵn sàng nhập cuộc.

Có thể nói, trong hai mặt tổng công kích và tổng khởi nghĩa, nếu như sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang Miền nhằm đảm bảo mục tiêu tổng công kích thì công tác đô thị được đặt ở vị trí hàng đầu trong chỉ đạo của Trung ương Đảng cũng như Trung ương Cục nhằm bảo đảm mục tiêu tổng khởi nghĩa, trong đó, trọng tâm là Khu Sài Gòn - Gia Định. Có thể khẳng định, nếu không có nhân dân và lực lượng chính trị tại chỗ thì sẽ không thể tổ chức được biệt động ém sẵn trong nội thành, không có nhân dân và lực lượng chính trị tại chỗ thì sẽ không đưa được vũ khí vào nội thành; không có nhân dân và lực lượng chính trị tại chỗ thì không thể đưa được các tiểu đoàn mũi nhọn vào đánh trong nội đô; không có nhân dân và lực lượng chính trị tại chỗ thì sẽ không thể giải quyết được công tác thương binh, công tác tiếp tế là những mặt công tác mà không có tổ chức hậu cần nào của quân đội khi đó có thể giải quyết được. Từ đó, có thể thấy rõ, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Đảng và Trung ương Cục, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong đó nổi bật nhất chính là việc xây dựng các lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang tại chỗ. Chính sự chuẩn bị đó đã góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời, đó cũng chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc về chiến tranh nhân dân, sức mạnh lòng dân của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay chúng ta cần phải tiếp tục phát huy.

TẤT THÀNH CANG

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

______________________________

[1] Trận diệt tên Trần Văn Văn - Chủ tịch Quốc hội Sài Gòn (tên này định ra tranh cử Tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu) tại góc đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) - Phan Kế Bính vào sáng ngày 14-4-1966 khiến cho các phe nhóm đối lập với Nguyễn Văn Thiệu nghi Thiệu dùng tay chân thanh toán tên này. Cũng hôm đó, một quả mìn hẹn giờ của ta cài trên xe cảnh sát chạy vào Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia đã phát nổ, làm chết và bị thương 17 tên địch. Các đội biệt động cũng đã tiến hành nhiều trận đánh vào quân Mỹ tại Sài Gòn.

[2] Nghị quyết 8 của Khu ủy, tài liệu lưu trữ tại Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Đầu năm 1967, số đảng viên trong lực lượng vũ trang thuộc các huyện ngoại thành là: Dĩ An có 14 đảng viên trong số 86 tay súng; Bình Tân có 43 đảng viên trong số 451 tay súng; Thủ Đức có 17 đảng viên trong số 217 tay súng; Nhà Bè có 40 đảng viên trong số 281 tay súng; Gò Môn có 40 đảng viên trong số 561 tay súng; Củ Chi có 82 đảng viên trong số 1.652 tay súng.

[4] Nghiệp đoàn xe lam, Nghiệp đoàn hỏa xa, Nghiệp đoàn thuốc lá Bastos. Ngoài tờ Sinh viên và Học sinh, còn có tờ Tin tưởng của Đại học Vạn Hạnh; Hướng mới của Đại học Y khoa; Khoa học của Đại học Khoa học; Nhân bản của Đại học Sư phạm; Hướng đi của Đại học Văn khoa; Bông súng của Đại học Dược khoa; Đất nước của Trường Luật; Tiếng nói của Trường Trung học Cao Thắng; Áo tím của Trường Gia Long; Tuổi trẻ và ngòi bút của Trường Pétrus Ký... Trong giáo chức cũng có tờ Tự quyết.

[5] Trong đó hầm tại nhà 287/70 đường Trần Quý Cáp chứa được 350 kg thuốc nổ, 10 tiểu liên AK, 3.000 viên đạn, 50 lựu đạn và cả súng B40... Riêng các đơn vị lo về quân nhu, cũng đã xây dựng được 19 "lõm" chính trị gồm 325 gia đình tích cực cách mạng.

[6] Tài liệu lưu trữ tại Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Tài liệu lưu trữ tại Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo